“Người đứng đầu VFF phải là người có chuyên môn”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thông tin Bộ VH, TT & DL giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử ghế Chủ tịch VFF, ông Vinh cho rằng nếu ông Hải trúng cử, sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khi vị Thứ trưởng này còn hoàn toàn mới mẻ và chưa có dấu ấn nào với bóng đá Việt Nam.
“Người đứng đầu VFF phải là người có chuyên môn”
Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL

PVNhiều ý kiến cho rằng ở thời điểm này ghế Chủ tịch VFF nên để doanh nhân vào làm bóng đá thay vì người Nhà nước như nhiều nhiệm kỳ trước. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

HLV Nguyễn Thành Vinh: Phải cùng nhau thẳng thắn thừa nhận đây đang là giai đoạn khó khăn nên dù là ai, doanh nhân hay quan chức Nhà nước cũng sẽ phải đối mặt với những thử thách rất lớn phía trước.  Điều cần nhất bây giờ là tìm một vị chủ tịch VFF có tâm, có tầm, có hiểu biết về bóng đá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo cá nhân tôi là ai thì quan trọng phải định hướng được sự phát triển. Bóng đá phụ thuộc vào xã hội và bóng đá cũng nằm dưới sự quản lý của Tổng cục TDTT. Môn nào cũng thế chứ không riêng bóng đá, đều phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, không thể tách rời.

Nếu doanh nhân làm thì phải là người am hiểu về bóng đá, chứ không phải cứ bỏ tiền ra là làm tốt. Như những năm trước đây, bóng đá phát triển nóng, đi chệch định hướng. Bây giờ các đội bóng đa số đều trở lại các vị trí cũ, lương thưởng đều thấp hơn nhiều so với trước kia. Tôi lo ngại rằng nếu doanh nhân vào đổ tiền ra làm bóng đá mà không định hướng được thì cuối cùng lại hỏng.

Nhưng trong quá khứ, có tới 6/8 Chủ tịch VFF là người Nhà nước và tất cả chưa thực sự tạo ra những đột phá trong cách làm để bóng đá Việt Nam phát triển. Ông có cho rằng tư tưởng tin dùng người Nhà nước ngồi ghế Chủ tịch còn phù hợp với hoàn cảnh bóng đá Việt Nam không?

Tôi chỉ có một chia sẻ thế này. Đến ngay cả TP.Hồ Chí Minh từng đưa nhiều doanh nhân vào làm bóng đá, nhưng cuối cùng thì có phát triển mạnh đâu. Sự đột phá là rất cần thiết, nhưng như tôi nói ở trên, đột phá cũng phải đi đôi với định hướng đúng.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ VH, TT&DL đã giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử ghế Chủ tịch VFF. Có nhiều ý kiến cho rằng Bộ đang “ép” Thứ trưởng Lê Khánh Hải đứng ra tranh cử ghế Chủ tịch, trong khi ông Hải không thực sự mặn mà với vị trí này. Quan điểm của ông như thế nào xung quanh những ý kiến trên?

Tôi cho rằng ông Hải là người rất mới mẻ với giới bóng đá. Thực ra, làm bóng đá tất nhiên phải là những người của Tổng cục TDTT, nhưng phải là người thực sự biết làm bóng đá, phải có chuyên môn. Chứ là người của môn khác hoặc không hiểu gì về bóng đá vào lãnh đạo sẽ rất khó. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng dù rất cần sự chỉ đạo của Tổng cục TDTT, nhưng Bộ phải cử những người thực sự biết làm bóng đá, có tâm huyết với bóng đá, có năng lực về công tác chuyên môn và am hiểu về công tác quản lý…thì người đó sẽ tốt hơn là những người có chức danh, có vị trí cao ở Bộ. Như thế sẽ không đạt yêu cầu.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải thực tế chưa để lại nhiều dấu ấn với bóng đá Việt Nam. Trong trường hợp ông Hải trúng cử ghế Chủ tịch VFF, ông có cho rằng dư luận sẽ không ủng hộ?

Tôi nghĩ nếu ông Hải trúng cử ghế Chủ tịch VFF thì sẽ khó khăn đấy. Bởi vì từ một vị trí khác chuyển sang một vị trí có chuyên môn đặc trưng về bóng đá sẽ rất khó trong việc chỉ đạo về chuyên môn cũng như hoàn thiện mặt tổ chức của Liên đoàn. Đó là chưa kể người ngồi ghế Chủ tịch còn phải có tầm chiến lược nữa.

Nhiều khả năng tại Đại hội tới sẽ có 2 gương mặt lọt vào “vòng chung kết” cho chiếc ghế Chủ tịch VFF là Thứ trưởng Lê Khánh Hải và Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Nếu là một người bỏ phiếu, ông sẽ bầu cho ai?

Điều này rất khó bởi theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng nói, bất luận người nào phải có những tiêu chí, có những đề cương trình bày trước Đại hội. Tôi phải xem các tiêu chí đó cụ thể như thế nào để lựa chọn. Nói một cách dễ hiểu là những ứng cử viên Chủ tịch cần đối thoại trực tiếp với Đại hội, giống như các cuộc bầu cử tự do, dân chủ ở các nước.

Về cá nhân tôi, tôi sẽ phải xem các đề cương của vị Chủ tịch tương lai đó như thế nào để bỏ lá phiếu, chứ chúng ta không thể bầu cho những ai có tiêu chí không rõ ràng. Những người được bỏ phiếu, phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Đại hội.

Ông ấn tượng nhất với thời Chủ tịch VFF nào trong quá khứ?

Thực ra tôi chỉ ấn tượng với thời ông Trần Bảy. Khi đó, VFF chưa tiến hành Đại hội nhưng ông Trần Bảy đã ghi dấu ấn lớn trong việc tổ chức các giải đấu thành công, đặt tiền đề cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam sau này.

Ông đặt kỳ vọng gì vào nhiệm kỳ mới sắp tới tại VFF?

Tôi hy vọng sau nhiệm kỳ VII bóng đá Việt Nam sẽ có một vị lãnh đạo mới tầm cỡ, am hiểu về bóng đá, công tác tổ chức và điều hành một cách chặt chẽ, để điều phối bóng đá phát triển. Tôi cũng hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có một đội tuyển hàng đầu châu Á, sánh vai với các đội bóng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật