Ước mơ ‘hào kiệt’ sản xuất hàng Việt

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tự tin rằng hàng Việt Nam chất lượng ngang bằng hoặc tốt hơn hàng nhập khẩu, Việt Khương đã khởi nghiệp kinh doanh với ý tưởng độc đáo: “Sản phẩm là áo thun nhưng lại không bán áo thun”
Ước mơ ‘hào kiệt’ sản xuất hàng Việt
Cao Xuân Việt Khương

Tháng 7/2012, Việt Khương lập công ty với cái tên lạ: “Nhộng”, sản phẩm là những chiếc áo thun. Người ta chú ý đến những chiếc áo phông này bởi thông điệp được thể hiện trên đó, với những nét vẽ táo bạo, mạnh mẽ, cá tính. Các sản phẩm này được sản xuất, gia công hoàn toàn tại Việt Nam.

Mê vẽ từ nhỏ, Việt Khương muốn tác phẩm của mình được “cầm đi loanh quanh” nhưng phân vân không biết làm thể nào để ý tưởng đó trở thành hiện thực, tình cờ anh gặp một nhà sản xuất áo thun, và Nhộng ra đời.

Anh nói rằng, anh không bán áo phông mà bán đi những thông điệp được chuyển tải trên đó. Chiếc áo, chỉ là phương tiện để thể hiện ý tưởng, quan niệm của cộng đồng. Đó có thể là tinh thần lạc quan, yêu đời của người Việt, thể hiện qua câu “Dù có ra sao cũng chẳng sao”, “Sao phải xoắn?” hay tinh thần dám nghĩ, dám làm cần có ở thanh niên như “Cứ đi thôi”.

Việt Khương cho rằng: “Thị hiếu của con người có thể thay đổi nhưng những giá trị thì không. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều cần những thông điệp và đều sống dựa trên các giá trị, các tư tưởng nhất định. Tôi chỉ làm một việc đó chính là biến những điều người ta nghĩ thành một sản phẩm mà người ta nhìn thấy”.

Từng làm nhiều công việc bán hàng, dịch sách, làm giám đốc nghệ thuật (art director), giám đốc sáng tạo (creative director) nhưng anh luôn ấp ủ một ngày tự kinh doanh riêng. Khi gặp một nhà sản xuất áo thun đồng phục, tin rằng Việt Nam có thể in được những chiếc áo đẹp, chất lượng, Duy Khương đã lập công ty riêng khi tròn 24 tuổi.

Việt Khương lập ra Nhộng chỉ trong vòng một tháng với số vốn 30 triệu cùng 13 nhân viên. Trong đó, phải kể đến đội thiết kế gồm 4 người. Một ý tưởng được đưa ra và được triển khai độc lập bởi 4 thành viên này, sau đó mới tập hợp lại để quyết định xem mẫu nào sẽ được in trên chiếc áo thun mang ra đem bán. Những tác phẩm trên áo có thể được thiết kế chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ nhưng cũng có khi hoàn thành sau hàng tháng trời suy nghĩ.

Công ty của Việt Khương là một văn phòng nằm khiêm tốn ở quận 3, TP HCM, được giới thiệu là “tổ” sáng tạo của những người yêu nghệ thuật. Công ty của anh chủ yếu bán hàng qua mạng với website được Việt Khương bỏ rất nhiều công sức thiết kế.

Sau gần 10 tháng ra đời, công việc sản xuất áo thun đã vào guồng và người dùng có thể đặt hàng trên website qua điện thoại smartphone. Mỗi tháng, công ty anh bán được khoảng 200 chiếc áo thun và doanh thu trung bình mỗi tháng là 56 triệu đồng.

Là một người từng làm art director (chịu trách nhiệm thiết kế) của một tập đoàn quảng cáo đa quốc gia tại TP HCM, “sống sót” với áp lực khắc nghiệt của công việc buộc phải luôn sẵn sàng ít nhất 5 ý tưởng một ngày nhưng khi lập công ty, anh thú nhận: “Nếu nói, điều gì mà tôi không gặp khó khăn, thì tôi có thể trả lời ngay, đó là việc tìm kiếm ý tưởng kinh doanh. Nhưng những thứ còn lại, tôi đều gặp trở ngại”

Anh chia sẻ: “Chúng ta có nông trường trồng bông, chúng ta có nhà máy dệt, nhà máy kéo sợi. Nền dệt may Việt Nam đã sản xuất hàng hóa cho nhiều hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới. Lúc bắt tay vào làm áo phông, tôi đã nghĩ rằng tôi có thể làm được, nhưng không.”

“Những nhà máy ấy chỉ làm khi số lượng đơn đặt hàng lớn. Oái oăm là những đơn đặt hàng ấy không xuất phát từ người trong nước mà xuất phát từ nước ngoài. Đơn đặt hàng của tôi thì rất nhỏ. Chính vì thế mà tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tất cả mọi việc từ tìm kiếm đối tác đến tìm nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất thì đắt”

Sau áo thun, anh có mơ ước thiết kế những chiếc vỏ IPhone, IPad nhưng lại gặp trở ngại vì không tìm được nhà sản xuất. Việt Khương đã từng gặp gỡ những người làm ra hạt nhựa, làm khuôn, gia công và họ đều trả lời rằng chưa bao giờ nhận được bất kì một đơn đặt hàng nào cho những sản phẩm ấy. Chi phí ban đầu để sản xuất khuôn cho vỏ Iphone, Ipad là rất cao. Họ sẽ không làm nếu như không có số lượng đơn hàng đủ lớn.

Anh trăn trở: “Tại sao không có ai sản xuất những sản phẩm ấy? Chúng ta nhập hàng từ Trung Quốc quen rồi nên làm gì có nhu cầu sản xuất từ trong nước nữa. Điều đó rất vô lý nhưng mọi người lại nghĩ rằng nó hoàn toàn bình thường”

Chính vì thế, anh đã cho ra đời dự án: "Hào Kiệt dùng hàng Việt". Dự án này được anh giới thiệu như một góc nhìn mới về các vị anh hùng dân tộc gắn liền với những vật dụng rất Việt Nam. Nhưng trên hết, nó bắt nguồn từ thực tế mà anh gặp trong quá trình khởi nghiệp, đó là thói quen dùng và nhập khẩu hàng Trung Quốc của người Việt và thái độ buông xuôi của họ trước điều đó.

Dự án bắt đầu với 3 nhân vật rất quen thuộc đó là: Mai An tiêm, Thánh Gióng và Hai Bà Trưng và đi kèm với mỗi nhân vật là truyền thuyết về họ được kể lại theo phong cách hiện đại hơn, thời sự hơn, hài hước hơn. Dự án sử dụng hình thức quyên góp cộng đồng với số vốn ban đầu là 40 triệu, trong vòng 46 ngày đã thu về 44 triệu và trở thành dự án đầu tiên kêu gọi vốn thành công trên website crowdfunding của Việt Nam.

Thiết kế Mai An tiêm cho dự án "Hào Kiệt dùng hàng Việt"

Anh giải thích một cách hài hước: “Chẳng lẽ Hai Bà Trưng lại cưỡi voi Ấn Độ, Thánh Gióng lại mặc áo giáp của Malaysia? Những vĩ nhân ấy dĩ nhiên đương nhiên là dùng Hàng Việt Nam, chất lượng cao rồi. Vậy, hào kiệt bây giờ ở đâu?”

Anh muốn mọi người trước hết tự coi mình là hào kiệt. “Thời xưa, nhân dân ta chiến đấu bằng gươm, bằng giáo, bằng gậy gộc để thể hiện lòng yêu nước, giờ, chúng ta chiến đấu bằng áo thun, vỏ điện thoại, vỏ Ipad. Tại sao lại không?”. Với những chiếc áo thun “made in Việt Nam”, in những hình ảnh những vĩ nhân trong lịch sử, anh hi vọng có thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong mỗi người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật