Xây dựng văn hóa giao thông từ hình ảnh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2013, Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) Quốc gia chọn chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông“.
Xây dựng văn hóa giao thông từ hình ảnh
Học sinh nhiều trường tham gia các cuộc thi vẽ tranh về an toàn giao thông.

Nhân chủ đề này, UBATGT Quốc gia đã kết hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi tranh cổ động về văn hóa giao thông. Các tác phẩm sẽ được nhận từ nay đến hết ngày 28-6. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng UBATGT Quốc gia, về vấn đề xây dựng văn hóa giao thông qua hình thức tuyên truyền bằng tranh, ảnh.

PVThưa ông, được biết, trong những năm qua UBATGT Quốc gia đã nhắc nhiều đến việc xây dựng văn hóa giao thông. Vậy qua mấy năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá thế nào về văn hóa giao thông của người dân hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Cách đây 6 năm, Chính phủ đã có Nghị quyết 32 tăng cường việc thực hiện các giải pháp giao thông và an toàn giao thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện chúng tôi thấy, văn hóa giao thông  từng bước  được hình thành, bước đầu tạo nên nét đẹp trong ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vi phạm trật tự an toàn giao thông hiện nay vẫn còn phổ biến. Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông vẫn phải thực hiện kiên trì, lâu dài và trong nhiều năm để làm sao tạo được thói quen chấp hành các quy định trật tự an toàn giao thông cho người dân, hạn chế vi phạm khi tham gia giao thông đồng thời cũng có những ứng xử chuẩn mực, có văn hóa, giúp đỡ người tàn tật, người già, trẻ em khi tham gia giao thông.

PV: UBATGT Quốc gia đã có các hành động, hình thức cụ thể gì để xây dựng văn hóa giao thông?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Hiện tại, UBATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông. Những tiêu chí này chúng tôi cho rằng nó rất ngắn gọn, dễ phổ biến và  người dân dễ thực hiện. Để xây dựng văn hóa giao thông, trước hết phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân; tăng cường công tác giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh để các em tự giác chấp hành Pháp Luật, tạo thói quen khi đi đường, đúng luật, đúng quy tắc giao thông; tổ chức vận động đặc biệt là các cán bộ công chức gương mẫu chấp hành; tăng cường công tác xử phạt thật nghiêm minh với những người vi phạm.

PVĐược biết, một trong những kênh được đầu tư khá mạnh để xây dựng văn hóa giao thông là qua hình ảnh trực quan sinh động, xin hỏi ông tranh, ảnh có thực sự tác dụng đối với công tác tuyên truyền về an toàn giao thông?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Tuyên truyền văn hóa giao thông đa dạng hóa về hình thức. Mỗi hình thức có một đối tượng riêng. Tuyên truyền qua tranh, ảnh là một kênh tuyên truyền trực quan. Trong những năm qua,  kênh tuyên truyền này cũng có những đóng góp nhất định. Ví dụ như, chúng tôi kết hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức những cuộc thi ảnh, chọn những tác phẩm có tính phát hiện những hành vi đẹp trong văn hóa giao thông. Hay các cuộc thi và triển lãm tranh cổ động, chúng tôi cũng ưu tiên cho những hình ảnh tích cực, vừa dễ tiếp nhận vừa dễ học tập đối với nhiều đối tượng. Tranh, ảnh đã chứng minh được hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa giao thông.

PV: Phát động một cuộc thi tranh cổ động là khá tốn kém, nhưng đôi khi người ta không biết sản phẩm, là những bức tranh đó cuối cùng có đến được với người dân hay không?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Tranh cổ động để tuyên truyền trực quan có tác dụng rất tốt. Trước đây, chúng tôi cũng đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thi ảnh về văn hóa giao thông. Ngay từ khi ban hành thể lệ này, chúng tôi cũng đưa ra tiêu chí: Một tác giả, tác phẩm chủ yếu phản ánh những hành vi chấp hành đúng, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, ứng xử chuẩn mực của người tham gia giao thông, cũng như lễ tiết, tác phong thực hiện đúng quy trình của người thi hành công vụ.  Trong văn hóa giao thông, chúng tôi cũng đặt trọng tâm xây dựng văn hóa giao thông đường bộ, tức là các tác phẩm sẽ phản ánh an toàn Luật Giao thông đường bộ ở khắp các vùng, miền từ miền núi cho tới các đô thị. Những tác phẩm được giải trong cuộc thi đã được chúng tôi gửi về các địa phương để tổ chức triển lãm tuyên truyền ở các nhà văn hóa, sự kiện, có tác động tốt đến nhận thức của nhân dân. Tôi khẳng định, tranh cổ động về đề tài an toàn giao sẽ được sử dụng tuyên truyền một cách có hiệu quả.

PVXin cám ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật