Dạy các môn nghệ thuật: Không hiệu quả nên “buông”?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức một hội nghị về việc dạy học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở trường phổ thông (diễn ra tại Hà Nội từ 10 – 11/6).
Dạy các môn nghệ thuật: Không hiệu quả nên “buông”?
Trong tiết học âm nhạc ở trường TH Thanh Bình (TP Hải Dương)
Tuy nhiên, mục đích của hội nghị không phải để ôn lại “chặng đường phát triển và trưởng thành” mà là để những người trong cuộc cất lên tiếng nói phản biện khi Bộ GD&ĐT có chủ trương điều chỉnh (thu hẹp) việc dạy hai môn học này.

Nửa thế kỷ long đong

Những họa sĩ tên tuổi của nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Lê Thị Lựu... vốn dĩ là GV của trường Bưởi – Chu Văn An trước năm 1945.

Như vậy, sự hiện diện của các môn Mỹ thuật, Âm nhạc trong nhà trường phổ thông là vấn đề không mới.

Tuy nhiên, sau ngày giải phóng Thủ đô cho đến trước năm 2000, các môn học này gần như xa lạ với phần lớn HS miền Bắc cũng như HS cả nước (sau 1975). Nhạc sĩ Hoàng Lân cho biết: “Bộ GD&ĐT đã ghi 2 môn Nhạc - Họa vào chương trình cấp 1 và cấp 2 từ năm 1956 – 1957.

Nhưng do nhiều nguyên nhân, bộ môn này không phát triển được. Ngay cả khi cải cách giáo dục năm 1980, các môn này cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Mãi đến năm 1990, các môn Nhạc - Họa mới dần dần có vị thế như nó cần phải có ở trường phổ thông như hiện nay. Năm 2002, các bộ SGK Âm nhạc, Mỹ thuật mới chính thức được ra đời”. Theo nhạc sĩ Hoàng Lân, việc dạy các môn này trong nhà trường được xem là hiển nhiên ở những nước văn minh.

TS Nguyễn Anh Dũng, Phó viện trưởng viện Khoa học giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, sở dĩ các môn nghệ thuật được “sánh vai cùng các môn học khác” trong nhà trường là nhờ phần lớn ở sự nỗ lực của chính các nghệ sĩ. TS Nguyễn Anh Dũng kể: “Đợt cải cách GD năm 1980 có các môn này trong kế hoạch dạy học nhưng trên thực tế không triển khai được.

Sau đó, các nhạc sĩ Hoàng Lân, Lê Minh Châu, Hàn Ngọc Bích... đã tự tìm đến một số UBND tỉnh, Sở GD&ĐT để thuyết phục họ về ý nghĩa của việc dạy học các môn nghệ thuật trong nhà trường. Thậm chí các nhạc sĩ đã phải vừa tự biên soạn sách rồi bỏ tiền túi ra in sách vừa đi bán sách dạy Âm nhạc cho thầy trò các nhà trường”.

Không hiệu quả nên “buông”?

Hiện nay, Mỹ thuật và Âm nhạc là hai trong số 9 môn học chính thức được dạy cho HS từ lớp 1 đến lớp 9. Nhưng trong một hội nghị đánh giá chương trình – SGK gần đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT gợi ý các nhà chuyên môn, với cấp tiểu học, nên chăng có sự điều chỉnh số lượng, thời lượng (theo hướng thu hẹp) một số môn học không cần thiết ở những nơi điều kiện dạy học khó khăn. “Đích ngắm” được chĩa thẳng vào các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công.

Theo các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, những môn này ở nhiều nơi tồn tại có tính hình thức, không hiệu quả. Do đó, trường học ở một số nơi cần tập trung thời gian để nâng cao chất lượng dạy học cho những môn như Toán, Tiếng Việt.

Tại hội thảo Nâng cao chất lượng đội ngũ GV Mỹ thuật, Âm nhạc trong nhà trường phổ thông (Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Dự án phát triển THCS II phối hợp tổ chức), các đại biểu đều thẳng thắn thừa nhận, chất lượng dạy học các môn này trong các nhà trường hiện nay đang ở mức độ kém.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, vấn đề cơ bản là ở chất lượng đội ngũ GV.

Lực lượng GV dạy Âm nhạc, Mỹ thuật trong trường phổ thông hiện nay lên tới hơn 31.500 người. Dù cả nước vẫn thiếu khoảng hơn 4.500 GV nhưng đó cũng là một con số “khổng lồ” so với cách đây khoảng 40 năm khi mà số GV dạy các môn nghệ thuật chỉ “lèo tèo” mấy chục người - theo nhạc sĩ Hoàng Lân.

Nhưng về chất lượng, hầu hết các đại biểu có bài tham luận hoặc phát biểu tại hội nghị đều cho rằng, đại đa số GV đều yếu về chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm. Việc các GV Âm nhạc không biết chơi đàn phím điện tử hoặc GV Mỹ thuật không biết nhận xét tranh là “chuyện thường tình”.

Ngay cả những GV có năng lực về chuyên môn thì “bệnh” phổ biến và là “bệnh nặng” của họ là không phân biệt được dạy nghệ thuật cho HS phổ thông khác với đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp như thế nào! Sự yếu kém đó là hệ quả trực tiếp từ khâu đào tạo và tuyển dụng.

Nhưng theo các đại biểu, dù hiệu quả dạy học các môn nghệ thuật trong nhà trường yếu kém như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng là tìm giải pháp cho vấn đề chứ không phải “buông” là xong chuyện.

Ông Phạm Ngọc Định, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học cũng trăn trở: “Chúng ta đang hướng tới một nền GD toàn diện, trong đó, GD nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong GD tinh thần (bên cạnh GD khoa học, GD đạo đức).

Cá nhân tôi thấy nếu trong trường học chỉ có Toán, Tiếng Việt... mà không có Âm nhạc, Mỹ thuật thì đời sống nhà trường và tâm hồn các em HS rất tẻ nhạt và nặng nề”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật