Trẻ vào lớp 1: Biết chữ trước có thể là bất lợi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
ết chữ trước, trẻ có thể rơi vào tâm lý chủ quan, dễ huênh hoang, không hình thành kỹ năng học tập.
Trẻ vào lớp 1: Biết chữ trước có thể là bất lợi
Ảnh minh họa

Sáng 11/5, tại Khách sạn Kim Liên, Hà Nội, Tiến sĩ Tâm lý Trần Lan Hương, một trong những chuyên gia đầu ngành của Bộ Giáo dục & Đào tạo về tâm lý giáo dục trẻ mầm non đã có buổi gặp gỡ với các bậc phụ huynh trong Hội thảo "Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp Một" nhằm chia sẻ và cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm về tâm lý trẻ em trong giai đoạn chuyển cấp. Buổi Hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Toán tư duy Mathnasium Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp Một.

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ từ 4 tuổi

Làm thế nào để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp Một luôn là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh khi con em mình sắp sửa bước vào tuổi đến trường. Vì nếu không có sự chuẩn bị tốt, trẻ sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển tiếp dẫn đến tình trạng "sốc học đường" với những biểu hiện về tâm lý như sợ hãi, biếng ăn, lo lắng, ngại đến trường... 

Theo Tiến sĩ Tâm lý Trần Lan Hương, bên cạnh sự giáo dục của các trường mầm non, trong giai đoạn này, vai trò của phụ huynh đặc biệt quan trọng đối với việc chuẩn bị tâm lý và hỗ trợ trẻ từng bước điều chỉnh các thói quen từ bậc mẫu giáo để làm quen với phương pháp học tập mới của chương trình lớp 1.

Việc con mình chuẩn bị bước vào lớp 1, đối với mỗi phụ huynh đều không tránh khỏi sự căng thẳng, lo lắng. Nếu như ở nước ngoài, chương trình mầm non kết thúc khi trẻ lên 8 tuổi, vẫn được tiếp xúc với các phương pháp học mà chơi, thì ở Việt Nam, khi trẻ vào lớp 1 từ năm lên 6, việc học mà chơi của trẻ nhanh chóng bị chấm dứt, thay vào đó là việc phải tiếp xúc với chương trình tiểu học rất nặng. Điều này sẽ khiến cho các bé 5, 6 tuổi hoàn toàn khó có thể thích nghi được.

Vì vậy, Tiến sĩ Lan Hương cho rằng chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp Một nên được bắt đầu khi trẻ lên 4. Và vấn đề chuẩn bị không phải để trẻ học cộng, trừ, biết chữ cái mà chuẩn bị những năng lực để trẻ có thể chuyển tiếp thành công vào trường tiểu học, hòa nhập được trong môi trường mới. Bởi năm học đầu tiên, sự chuyển đổi từ môi trường mẫu giáo, trường mầm non sang tiểu học là cả một bước ngoặt lớn đối với trẻ.

Bất lợi khi trẻ biết chữ trước

Để trẻ có "tâm thế" bước vào lớp 1, cần phải có một sự chuẩn bị toàn diện, không phải chỉ tập trung vào việc hình thành các kỹ năng đọc, viết mà là phát triển các kỹ năng, tâm sin‌ּh l‌ּý. Tiến sĩ Tâm lý Lan Hương khẳng định rằng trẻ sẽ sẵn sàng đi học lớp 1 nếu như có sự chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe, dinh dưỡng, nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc, quan hệ xã hội và động cơ học. Có sức khỏe, dinh dưỡng, trẻ mới có thể đủ sức học ở trường, cũng như về nhà học dưới sự kèm cặp của cha mẹ. Những yếu tố về nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc, quan hệ xã hội để trẻ sẵn sàng bước vào môi trường hoạt động tập thể mà phải tự lập, không có sự bao bọc, chở che của cha mẹ. 

Tiến sĩ Lan Hương cho rằng những đứa trẻ không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, khó hòa nhập, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Bà khuyên các bậc phụ huynh rằng: "Bố mẹ phải cân đối tình thương với sự tự lập cho trẻ, để trẻ tự chuẩn bị đồ ăn, giày dép, balo... Đó chính là để tạo cơ hội cho những đứa trẻ nay mai có bản lĩnh sống".

Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một, Tiến sĩ Lan Hương đặc biệt nhấn mạnh về việc đọc, viết ở trẻ mẫu giáo. Bà cho biết: rất nhiều phụ huynh cho rằng trẻ trẻ thành công ở lớp 1 nếu trẻ biết trước đọc viết, điều này hoàn toàn sai lầm. Trong thực tiễn có nhiều hậu quả đứa trẻ biết trước cộng trừ trước nhưng cũng không thành công hơn các bạn khác. Vấn đề không phải là biết cộng, biết trừ một hai con số, biết trước các bạn một vài chữ cái, mà theo bà, vấn đề quan trọng nhất là chuẩn bị năng lực của trẻ để thay đổi môi trường sống và tiếp nhận nhiệm vụ học tập. Đó mới là nhiệm vụ cơ bản. Khi chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 nghĩa là chuẩn bị cho cuộc sống của trẻ ở bậc tiểu học. Chỉ số trí tuệ không phải quan trọng nhất để đứa trẻ thành công.

Cha mẹ trong giai đoạn này thường gây sức ép khi trẻ chưa sẵn sàng học, dẫn đến tình trạng trẻ hoảng sợ. Điều này thậm chí sẽ gây phản tác dụng. Theo Tiến sĩ Lan Hương, để trẻ có hứng thú với việc học chữ đó là tạo ra các môi trường chữ trong trường mầm non. Bên cạnh chữ nên có hình ảnh minh họa đi kèm với nhau.

Cuối cùng, bà nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với học sinh lớp 1 tương lai là sức khỏe và mong muốn học tập. Khi đến trường, áp lực về thể chất là rất lớn, làm sao để trẻ không bị mệt và cảm thấy sảng khoái sẽ góp phần kíc‌h thí‌ch hứng thú học tập, cũng như để trẻ cảm thấy sung sướng khi đến trường

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật