Khắc phục lối mòn, rập khuôn trong công tác dân vận

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong giai đoạn đổi mới, đòi hỏi chủ thể dân vận phải nhận thức lợi ích của đổi mới theo chiều sâu.
Trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, công tác dân vận cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong tình hình mới hiện nay, vai trò đó lại càng được khẳng định. Tuy nhiên, từ thực tiễn, công tác dân vận của Đảng thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, mang tính chất lối mòn cần được khắc phục, đổi mới. Và đó cũng chính là một trong những nội dung được Hội nghị Trung ương 7 tập trung bàn thảo lần này.

Phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội là một trong những địa bàn xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến đất đai. Điển hình trong số đó là vụ Hợp tác xã Thịnh Liệt bán đất trái phép cho một số hộ dân, sau đó những hộ này lại tiếp tục chuyển nhượng đất bất hợp pháp, dẫn đến trên 70 hộ lấn chiếm làm nhà trái phép khu vực bến xe Giáp Bát, gây nên tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài. Hay những sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm thất thoát hàng tỷ đồng của Nhà nước, nhưng chậm được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý dứt điểm.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo quận Hoàng Mai xem xét giải quyết, kỷ luật cán bộ đảng viên sai phạm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Là người gắn bó lâu năm với địa phương, bà Lê Thị Lình, cán bộ phụ trách dân vận phường Thịnh Liệt cho rằng: Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hệ thống chính trị ở cơ sở chưa phát huy hết trách nhiệm của mình, chỉ đạo thiếu chặt chẽ; trong điều hành, một số cán bộ kém năng lực, thậm chí vụ lợi cá nhân, dẫn đến mất niềm tin đối với nhân dân.

Theo bà Lình, hạn chế của công tác dân vận trong thời gian qua, không chỉ xuất phát từ trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ dân vận mà còn bắt nguồn từ nhận thức, sự thiếu kết dính của cấp ủy, chính quyền với các hội đoàn thể.

Bà Lê Thị Lình nói: "Khó khăn là do một số chính sách của chúng ta còn bất cập. Trong vận động không phải người dân nào cũng hiểu được chủ trương, chính sách, Pháp Luật. Còn về năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện không phải đều được toàn vẹn. Có những đồng chí ở những cương vị khác nhau năng lực còn hạn chế. Nhiều vấn đề chỉ theo rập khuôn, không có sáng tạo, hay qua một số công việc chưa có rút kinh nghiệm"

Thực tế về những hạn chế, tồn tại này đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra tại Hà Nội, trong đó nhấn mạnh việc chậm đổi mới, cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một số tổ chức đảng, Chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân hoạt động kém hiệu quả, không nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng không đủ sức tuyên truyền, vận động giải quyết những bức xúc của nhân dân. Tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên trách làm công tác dân vận chậm được đổi mới tăng cường. Đội ngũ làm công tác dân vận ít được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, việc Ban chấp hành Trung ương nhìn thẳng vào những tồn tại của công tác dân vận sẽ là cú hích để công tác này được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

"Công tác dân vận của Đảng có vai trò rất quan trọng, đây là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Việc tăng cường, đổi mới công tác dân vận để xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn giữa Đảng với nhân dân. Nghị quyết lần này xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường công tác dân vận của đảng trong tình hình mới…", ông Hùng cho biết.

Vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của hoạt động dân vận? Thạc sỹ Phạm Thị Như Quỳnh, giảng viên Khoa dân vận, Trường Chính trị Nghệ An cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, còn phụ thuộc rất lớn vào phương thức tiến hành dân vận.

Trong giai đoạn đổi mới, đòi hỏi chủ thể dân vận phải nhận thức lợi ích của đổi mới theo chiều sâu - đòi hỏi sự ủng hộ lớn hơn từ công chúng để vượt qua những lợi ích cục bộ. Cấp ủy, chính quyền phải huy động được sức mạnh của người dân - đối tượng chịu tác động của công tác dân vận và thống nhất họ trong khối đại đoàn kết dân tộc để mỗi người tự nguyện thành một tình nguyện viên làm công tác dân vận. Như vậy, vừa tăng được tính dân chủ, sự tương tác giữa những người làm công tác dân vận và cán bộ đảng viên, nhân dân vừa nâng cao hiệu quả của công tác dân vận.

Theo Thạc sỹ Phạm Thị Như Quỳnh «điều cần quan tâm nhất bây giờ là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong vấn đề phục vụ nhân dân. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, trực tiếp là những người tiếp xúc với dân phải bắt đầu từ cấp ủy đảng, từ chính quyền cơ sở, là người gương mẫu để tạo sức lan tỏa. »

Thực tế cho thấy, một trong những phương thức dân vận có hiệu quả là tổ chức các "Diễn đàn", để người dân nêu lên chính kiến của mình với Đảng, Nhà nước về những vấn đề mà họ đang quan tâm. "Diễn đàn" sẽ là kênh thông tin góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hữu hiệu đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức dân vận của Đảng, để Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật