Những cựu binh làm kinh tế giỏi

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Dám nghĩ, dám làm“ đó là hình ảnh chúng tôi nhận thấy ở các cựu chiến binh Phạm Ngọc Dũng, Nguyễn Bình Bình (xã Hùng An, huyện Bắc Quang). Họ đã tạo ra những mô hình kinh tế đạt hiệu quả, có sức lan toả rộng trong cộng đồng, góp phần làm phát triển kinh tế địa phương.
Những cựu binh làm kinh tế giỏi
Cựu binh Phạm Ngọc Dũng bên vườn Thanh long ruột đỏ.

Đến thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đầu tiên của huyện Bắc Quang, chúng tôi được gặp gỡ với anh Phạm Ngọc Dũng, Bí thư Chi bộ thôn An Tiến, xã Hùng An. Được biết, anh Dũng là cựu chiến binh từng chiến đấu tại đơn vị sư 313, xã Thanh Thuỷ (Vị Xuyên) đến năm 1985 được giải ngũ. Trở về trong điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, anh đã nghĩ nhiều cách tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như trồng chè, chăn nuôi gà, lợn, trồng rau các loại. Bước ngoặt đến với anh từ năm 1998, khi ở thôn An Tiến phát triển nghề trồng chè, anh nhận thấy các gia đình khác trong thôn có nhu cầu về chế biến chè để bán cho các thương lái hoặc công ty thu mua. Với tư duy nhanh nhạy, anh Dũng đã đầu tư hệ thống lò đảo, sấy chè khô rồi thu mua chè của các gia đình khác trong thôn về chế biến lại để bán. Đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh chế biến được 4 tấn chè khô. Có được một cơ sở chế biến chè, gia đình anh đã có đủ thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Năm 2010, tình cờ qua truyền hình anh biết đến cây thanh long ruột đỏ, nhận thấy đây là một cây trồng có tiềm năng lớn, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, anh đã chủ động bỏ vốn đầu tư trồng được một vườn thanh long ruột đỏ với 180 gốc. Sau 2 năm, cây thanh long đã ra quả, anh Dũng cho biết: "Cây thanh long ruột đỏ giống từ Thạch Thất (Hà Nội), 1 vụ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 có thể cho 8 lứa quả, trung bình mỗi vụ 1 cây đạt khoảng 20 - 30 kg quả. Trồng cây loại này rất nhàn, không mất nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao, 1kg thanh long ruột đỏ có giá bán trên thị trường hiện nay là 35 nghìn đồng. Người trồng chỉ cần chú ý diệt kiến, nhện và nấm vì loại cây này thu hút rất nhiều kiến khi ra chồi non". Với thành công bước đầu của mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nhiều đoàn khuyến nông của tỉnh đã đến học hỏi kinh nghiệm của anh. Thấy hiệu quả từ mô hình trồng thanh long, anh Dũng cho biết: "Tôi muốn giúp các hộ khác phát triển trồng cây thanh long ruột đỏ này để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành một vùng sản xuất thanh long, cho ra sản phẩm khác với các vùng khác".

Đến thăm gia đình một cựu chiến binh khác làm kinh tế giỏi ở thôn An Dương, xã Hùng An, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Bình Bình, thương binh hạng 3/4. Với ông, chúng tôi có nhiều ấn tượng về một con người khắc khổ, kiên cường chiến đấu trong cuộc sống thường ngày. Trước đây, ông Bình đã từng chiến đấu ở các chiến trường Campuchia, miền Nam; làm thiếu tá Sư đoàn 5 Quân khu 7; chính trị viên quân sự đến năm 1990 thì hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia trở về nước; năm 1993 được nghỉ hưu ở Tây Ninh. Sau đó, lên Hà Giang làm việc trong Ban chỉ đạo vùng kinh tế mới theo vợ con.


Thương binh Nguyễn Bình Bình chăm sóc đàn bò.


Trở về từ chiến trường, ông bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên sinh ra hai người con trai bị đau yếu liên miên. Vợ ông kể, hồi mới lên Hà Giang, sau một thời gian phần vì kinh tế gia đình khó khăn, phần lại con nhỏ đau ốm nên có thời gian ông bị phát điên. Nhà ở đường cái bà phải bán đi để chuyển vào vùng sâu hơn để ông được yên tĩnh nghỉ ngơi. Đến năm 2001 ông đỡ bệnh, vợ chồng ông mới bắt đầu nuôi trồng để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nhà ông Bình hiện tại có 6.000 m2 đất được sử dụng để trồng cỏ nuôi bò và chăn nuôi gà. Nhằm tận dụng hết diện tích đất còn lại, ông làm mô hình trồng chè, nhãn, đào ao thả cá mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 50 - 60 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà xây khang trang, sạch sẽ cùng với vườn cây, ao cá, chuồng bò quy củ, chúng tôi không khỏi khâm phục sự nỗ lực của gia đình ông. Mô hình kinh tế của gia đình ông Bình không phải là lớn, nhưng ông đã nêu gương cho bà con trong thôn học tập, chứng minh rằng "thương binh tàn nhưng không phế". Kinh tế gia đình đã tạm ổn, nhưng điều ông bà phải trăn trở, lo lắng vẫn còn nhiều khi hai người con trai luôn đau ốm, chưa có việc làm ổn định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật