Lao động Việt Nam không hẳn là rẻ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã đánh mất lợi thế lao động giá rẻ trong thu hút đầu tư nước ngoài. Vậy lao động tại Việt Nam thực chất có còn rẻ nữa không? Đâu là tồn tại lớn nhất của thị trường lao động? Giải pháp nào giúp phát huy tốt năng lực nguồn lao động hiện tại…?
Lao động Việt Nam không hẳn là rẻ
TS. Nguyễn Thị Lan Hương.

Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trong nhiều năm qua, lao động giá rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, điều đó có còn đúng không, thưa bà?

Việt Nam có nhiều ưu thế khi thu hút dòng đầu tư nước ngoài thời gian qua, và trong đó có lợi thế về khai thác lao động giá rẻ. Thực tế, thời gian qua cho thấy, nếu so sánh với các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia… thì chi phí chi cho lao động tại Việt Nam là thấp nhất. Hiện tôi cho rằng, đây vẫn là một trong số các lợi thế của Việt Nam.

Tuy dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tốt nhưng đã có những biến chuyển nhất định. Ví dụ như quy mô dự án nhỏ đi, nếu đầu tư vào lĩnh vực ngành nghề tiên tiến, hiện đại cần ít lao động. Điều này phản ánh sự lựa chọn của nhà đầu tư vào thị trường lao động Việt Nam. Họ chủ yếu khai thác những ngành sử dụng nhiều lao động, tận dụng nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, về lâu dài, không có quốc gia nào có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế bằng nguồn nhân lực rẻ mà thiếu trình độ. Cạnh tranh phải dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao với mức tiền lương tương xứng.

Như bà đã nói, so với khu vực thì giá thành lao động Việt Nam thấp hơn. Song có một thực tế chúng ta cũng thấy rằng chất lượng lao động Việt Nam hiện còn hạn chế, năng suất thấp. Như vậy theo bà, lao động Việt Nam có thực sự rẻ?

Tôi cho rằng, rẻ hay đắt chỉ mang tính tương đối. Nói tới lao động giá rẻ cũng chỉ là đề cập đến cạnh tranh tĩnh, đơn thuần thấy rằng lao động được trả một mức lương thấp hơn. Nếu chỉ nhìn vào mặt này, DN sẽ thấy rằng mình mua lao động với giá thấp, chi phí tiền lương thấp sẽ có nhiều lợi. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, về mặt kinh tế học, cần đặc biệt lưu ý tới mặt cạnh tranh động, nghĩa là lợi thế so sánh tính trên một đơn vị chi phí lao động.

Điều này ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố năng suất lao động, những đặc điểm của nguồn nhân lực như tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, khả năng làm việc nhóm… Một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy là chi phí tiền lương thấp sẽ tạo ra một năng suất lao động thấp. Điều này có nghĩa là mặc dù chi phí đầu vào thấp nhưng lại chia cho một đơn vị sản lượng thấp thì tính ra tổng chi phí cho một đơn vị sản phẩm không còn thấp nữa. Như vậy, về bản chất, lao động Việt Nam cũng không hẳn là rẻ.

Bà có cho rằng, số lượng đông, song chất lượng còn nhiều hạn chế là một trong số tồn tại lớn của thị trường lao động Việt Nam?

Việt Nam là nước đang phát triển, cho nên biểu hiện của thị trường lao động là lao động đông nhưng chất lượng lại thấp, đây là điều hết sức bình thường, đúng quy luật. Số lượng và chất lượng có tính bù trừ lẫn nhau. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tại Việt Nam mới chỉ đạt 20%. Tính cả số lao động qua đào tạo nghề nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ cũng mới đạt 32%.

Trong những ngành nghề mà các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì chất lượng thậm chí còn thấp hơn. Thực tế cho thấy, người lao động Việt Nam phần nhiều chuyên môn kỹ thuật thấp, các yếu tố để làm nên một người lao động hiện đại cũng còn hạn chế. Tất cả đều khiến cho năng suất lao động không thể cao lên được.

Trong tương lai, khi số lượng lao động giảm mạnh, yêu cầu bức thiết đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam là cần nhanh chóng nâng cao chất lượng lao động để bù đắp vào số lượng thiếu hụt.

Nhưng có một thực tế là có những thời điểm DN vẫn không thể tuyển đủ người làm. Đây có phải là nghịch lý, thưa bà?

Tôi cho rằng, đây không hoàn toàn là nghịch lý. Điều này chỉ có thể phản ánh tính tương tác của thị trường lao động chưa cao. Bởi, khi thị trường linh hoạt, mềm dẻo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ở thị trường dư thừa chuyển sang một thị trường có nhu cầu lao động cao hơn và ngược lại. Thị trường lao động Việt Nam có sự phân tầng, tính vùng và tính ổn định khá cao. Vì vậy, sự chuyển dịch này không phải là đương nhiên mà cần có sự tác động của các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách như đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động…

Theo bà, cần phải làm gì để có thể sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có?

Theo tôi, phải xóa bỏ phân tầng của thị trường lao động bởi càng phân tầng thì càng bất cân đối, nơi thừa, nơi thiếu. Quan trọng là chuyển dịch thành công từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, làm tốt công tác dạy nghề ở nông thôn. Ngoài ra, cũng cần phát triển tốt hệ thống về dịch vụ lao động gồm hệ thống thông tin lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm, nâng cao tính an sinh thị trường lao động như mở rộng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần đặc biệt tập trung để làm cho thị trường ngày càng linh hoạt hơn, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Để chất lượng đi lên, bên cạnh đẩy mạnh đào tạo, quan trọng là phải sử dụng hiệu quả lao động vì bản thân điều đó đã góp phần giúp cho chất lượng được nâng lên. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách dành cho DN để khuyến khích DN tham gia quá trình đào tạo lao động; khuyến khích DN xây dựng chế độ tốt giúp người lao động có thể phát huy hết khả năng. DN phải sử dụng làm sao để không ngừng tăng năng suất lao động, ngày càng tạo giá trị gia tăng cao hơn so với số tiền công trả cho người lao động…

Xin cảm ơn bà!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật