Kiều bào hồi hương gặp khó khăn gì?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều băn khoăn lớn nhất của bà con khi qua trở lại Việt Nam chính là việc không có đủ giấy tờ để chứng minh có Quốc tịch Việt Nam, một yêu cầu cơ bản trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hồi hương, cư trú, sở hữu nhà cửa, đầu tư kinh doanh...
Kiều bào hồi hương gặp khó khăn gì?
ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài
"Đã là người Việt, mang trong người dòng máu Việt, thì cho dù có ra đi vì lý do gì, hiện tại đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, tâm tư họ cũng hướng về Tổ quốc", ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) TP.HCM đã nhận định như thế khi trao đổi với PV  về chủ đề hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Thưa ông, nhắc tới hòa hợp dân tộc không thể bỏ qua vai trò của UBVNVNONN. Ở vị trí của mình, ông có đánh giá gì về những đóng góp của Ủy ban cho vấn đề này?

Chúng ta phải khẳng định hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, việc này hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của đông đảo nhân dân trong và ngoài nước. Đã là người Việt, mang trong người dòng máu Việt Nam thì cho dù có ra đi vì lý do gì, hiện tại đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, tâm tư họ cũng hướng về Tổ quốc.

Chính vì thế với vai trò của mình, trong những năm qua UBVNVNONN là nơi phản ánh trung thực những ý nguyện của kiều bào đến các cơ quan chức năng, chính quyền trong nước, cũng là nơi giải đáp các thắc mắc, băn khoăn, lo lắng của mọi người khi quay trở lại Việt Nam. Không chỉ đón nhận những tâm tư, tình cảm của bà con, Ủy ban còn sẵn sàng lắng nghe cả những bức xúc của của kiều bào và là đầu mối phối hợp, kiến nghị đề xuất giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo hướng có lợi, bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của kiều bào. Chính điều đó giúp chúng tôi hiểu được mình cần phải làm gì để thật sự giúp ích khi kiều bào hồi hương vì sự phát triển của đất nước. Nói cách khác Ủy ban chính là chiếc cầu nối giữa trong nước với kiều bào và ngược lại.

Để vấn đề hòa hợp dân tộc đi vào thực chất, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong thời gian qua. Ông có đánh giá gì về những đóng góp của kiều bào cho quê hương kể từ khi những chính sách về vấn đề này xuất hiện?

Như tôi đã nói, hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán, do đó Đảng và Nhà nước sẵn sàng khép lại quá khứ để thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong Nghị quyết 36, Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ, “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Vì thế tất cả mọi người Việt Nam dù trước đây có thế nào đi nữa nhưng giờ đây một lòng hướng về quê hương đất nước đều được tạo điều kiện để thực hiện ước nguyện, chung tay xây dựng đất nước.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này bởi thời gian qua rất nhiều người đã trở về và chúng ta luôn sẵn sàng tiếp đón. Năm 2005 là ông Nguyễn Cao Kỳ và gần đây nhất là ông Hoàng Duy Hùng, nghị viên hội đồng thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, hiện tại vẫn đang ở Việt Nam.

Đặc biệt vào tháng 4/2012, 3 nhà báo là Nguyễn Phương Hùng (Trang mạng KBC hải ngoại), Etcetera Nguyễn (Tổng Thư ký báo Viet Weekly) và Vũ Hoàng Lân (kênh truyền hình Phố Bolsa TV) đã được Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đưa ra tận Trường Sa để thấy Trường Sa vẫn còn đó, và cả dân tộc đang chung tay góp sức để giữ vững chủ quyền.
3 nhà báo Việt kiều cùng thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến về Việt Nam năm 2012 (Ảnh: nhà báo Etcetera Nguyễn cung cấp)

Với những chuyến đi như vậy, họ đã không chỉ mang lại những thông tin chân thực nhất về tình hình đất nước tới kiều bào, mà còn góp phần đưa Việt Nam hòa nhập với quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn Việt Nam.

Về cụ thể, chúng ta có thể thấy lượng kiều hối năm 2012 vừa qua vẫn đạt mức hơn 10 tỷ USD (riêng TP.HCM đạt 4,1 tỉ USD) dù tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm qua có không ít các nhà khoa học đã quyết định hồi hương, hay hàng loạt dự án, quyết định đầu tư của kiều bào về Việt Nam… Đó là những đóng góp rất quan trọng của kiều bào vào sự phát triển chung của đất nước.

Có thể thấy đây chính là xu thế không thể cưỡng lại. Hơn nữa trong vấn đề này, Chính phủ sẵn sàng đối thoại, đất nước luôn mở cửa với những con người ủng hộ lợi ích của dân tộc, do vậy những ai đi ngược lại chủ trương chính sách của nhà nước, kéo ngược lại lịch sử tất sẽ phải chấp nhận đứng ngoài cuộc.

Sau một thời gian dài công tác tại Ủy ban, ông nhận thấy điều băn khoăn lớn nhất khi kiều bào quay trở lại Việt Nam là gì?

Điều băn khoăn lớn nhất của bà con khi qua trở lại Việt Nam chính là việc không có đủ giấy tờ để chứng minh có Quốc tịch Việt Nam, một yêu cầu cơ bản trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hồi hương, cư trú, sở hữu nhà cửa, đầu tư kinh doanh. Bởi trước năm 1975 trong giấy khai sinh không có mục Quốc tịch (hoặc mục Quốc tịch bỏ trắng nếu trên đó ghi tên Việt Nam – PV). Thêm vào đó nhiều người đã mất giấy tờ trong khi di chuyển, thậm chí là bỏ hết khi đặt chân đến nước ngoài, bởi lúc đó chính bản thân họ cũng không nghĩ sẽ có lúc quay trở lại Việt Nam. Chỉ đến bây giờ khi hồi hương đã trở thành mong muốn cháy bỏng họ mới thở dài nuối tiếc.

Do vậy, hiện nay trong số 4,5 triệu kiều bào thì số người không đủ giấy tờ hợp lệ để làm thủ tục hồi hương chiếm tới khoảng 70% đến 80%. Điều này đã khiến rất nhiều kiều bào muốn hồi hương sống tại Việt Nam nhưng đành phải chờ đợi cho đến khi có sự bổ sung, sửa đổi cần thiết.
Giáo sư, tiến sĩ Đặng Lương Mô - một nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã trở về Việt Nam làm việc

Ủy ban đã và sẽ có những hành động gì để giải quyết vấn đề này thưa ông?

Với vai trò của mình, Ủy ban đang từng bước kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về những vướng mắc trên thực tế và điều chỉnh bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 trong các kỳ họp Quốc hội sắp. Bên cạnh đó Ủy ban cũng đang tiến hành tổng hợp và đưa ra những kiến nghị, tham mưu cho Thành ủy, UBND TP. HCM những chính sách đối với kiều bào theo hướng có lợi nhất với những mong muốn hợp pháp của bà con.

Thưa ông, trong năm 2013 UBVNVONN sẽ có những chương trình, mục tiêu gì để đất nước và bà con kiều bào ngày một gần hơn?

Trong năm 2013 Ủy ban sẽ sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiều bào xây dựng kế hoạch hành động đi vào thực chất hơn nữa. Ngoài ra Ủy ban sẽ xem xét cả về luật pháp và tình cảm để đưa ra những biện pháp nhằm giúp kiều bào gắn bó với quê hương, làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương, chính sách và tình hình của đất nước, từ đó cùng chung tay xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật