Đề xuất ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự kiến ưu đãi mức thuế suất thuế TNDN đối với tổ chức tài chính vi mô là 20% nhận được sự đồng tình của dư luận. Bởi trên thực tế, tổ chức này những năm qua đã phát huy rõ vai trò đáp ứng nhu cầu vốn cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và DN siêu nhỏ.
Đề xuất ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô
Nhiều phụ nữ thoát nghèo nhờ vay vốn từ tổ chức này. Ảnh Internet.

Theo Bộ Tài chính, trên thực tế có một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư nhưng chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế cần thiết, trong đó có tổ chức tài chính vi mô, được bổ sung vào diện ưu đãi tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN.

Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định về ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô do đây là loại hình doanh nghiệp xã hội mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Tại Việt Nam hiện mới có 2 tổ chức được thành lập và hoạt động theo mô hình này là Quỹ tình thương thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và M7.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hoạt động của các tổ chức này có nhiều điểm đặc thù so với các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân như chủ yếu hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, cung cấp dịch vụ tới tận tay cá nhân, thông qua đó kết hợp đào tạo, hướng dẫn, giúp đỡ cá nhân nâng cao năng lực, tự hoạt động để xoá đói nghèo, vì vậy có ý nghĩa xã hội lớn. Với ý nghĩa đó, năm 2011, Chính phủ đã quy định cho phép tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức thuế suất như mức đang áp dụng đối với các quỹ tín dụng nhân dân (20%) tại Nghị định số 122/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 124/2008/NĐ-CP.

Để chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ sở pháp lý trong thực hiện, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 Luật thuế TNDN, theo đó bổ sung quy định tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 20% trong suốt thời gian thực hiện bằng với mức ưu đãi đang áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, cùng với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 20%.

Như vậy về mặt bản chất thì tài chính vi mô là gì? Tại sao Nhà nước phải áp dụng bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với tổ chức tài chính vi mô kể từ kỳ tính thuế TNDN năm 2012.

Mặc dù đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng khái niệm tài chính vi mô vẫn còn tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.

Tài chính vi mô thể hiện vai trò quan trọng chính như một công cụ cho hỗ trợ người nghèo. Ở Việt Nam, khách hàng của tài chính vi mô là người nghèo tại thời điểm vay vốn có thu nhập bình quân tháng dưới 200.000 đồng (đối với khu vực nông thôn) và dưới 260.000 đồng (đối với khu vực thành thị). Thực tế đã cho thấy, tài chính vi mô có thể giúp người nghèo tăng thu nhập, đặc biệt phụ nữ, tạo lập hoạt động kinh doanh bền vững và giảm khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.

Được biết, cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô theo hướng quản lý chặt chẽ nguồn vốn tại các tổ chức này. Tổ chức tài chính vi mô có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; đồng thời, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật