Nghị lực mãnh liệt của nữ sinh nghèo học giỏi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở tuổi 18, những bất hạnh cứ liên tiếp ập xuống đầu Vân. Từ một cô bé ’ăn chưa no lo chưa tới’, Vân buộc phải trở thành trụ cột gia đình.
Nghị lực mãnh liệt của nữ sinh nghèo học giỏi
Giây phút hạnh phúc hiếm hoi của Vân khi mẹ em (áo hoa) tỉnh táo
Là sinh viên khá, giỏi liên tục trong bốn năm của cả hai khoa Tiếng Anh và Tiếng Trung của Đại học Hà Nội, tự trang trải chi phí cho mình và nuôi em gái ăn học bằng tiền học bổng và làm thêm, đồng thời là một cán bộ Đoàn năng nổ… thành tích của Vũ Thị Cẩm Vân (Xã Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội) có thể chưa thật sự nổi bật so với nhiều bạn trẻ, nhưng đủ làm người khác “nghiêng mình”  khi biết được chặng đường đầy nước mắt mà cô gái nhỏ nhắn ấy đã và đang bước đi.
Bờ vai nhỏ chồng chất những nỗi đau
Vào đúng thời điểm Vân chuẩn bị thi đại học, người bố (ông Vü Xuân Viên) ngày càng trở nên ốm yếu do các thứ bệnh lâu nay tích tụ trong người và phải nghỉ làm, còn người mẹ (bà Lương Thị Tuyến) bỗng nhiên có những dấu hiệu bất thường về thần kinh, hay nói lảm nhảm những điều vô nghĩa. 

Mặc dù là chị lớn trong nhà nhưng được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ nên Vân không bận tâm nhiều đến những chuyện vừa xảy ra. Em chỉ nghĩ đơn giản rằng sẽ cố gắng học thật tốt, thi trúng vào khoa tiếng Anh Đại học Hà Nội để bố mẹ vui lòng, rồi sức khoẻ sẽ dần hồi phục. Và em đã làm được điều mong mỏi suốt 12 năm đèn sách.

Tại một góc yên tĩnh trong sân trường, Vân tranh thủ xem lại bài vở trước giờ lên lớp.

Nhưng niềm vui trở thành tân sinh viên không giúp Vân nguôi ngoai được nỗi lo âu, bởi bố mẹ em ngày càng đau yếu hơn. Ở nội trú trong KTX ĐH Hà Nội mà đều đặn mỗi tuần 3, 4 lần Vân phải đi xe buýt về Phú Xuyên thăm nom bố mẹ và em gái (em gái Vân lúc đó mới học lớp bốn).
Một buổi sáng khi đang học trên giảng đường, cô sinh viên năm thứ hai nhận được tin dữ từ người hàng xóm: bố Vân đang được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 19-8. “Nghe tin đó, em chết điếng người! Vừa khóc em vừa lao đến bệnh viện. Mẹ đã bệnh tật, em gái em thì còn quá nhỏ, em hiểu rằng từ nay mình phải làm chỗ dựa cho cả gia đình!”- Vân bồi hồi kể lại.
Thời gian bố nằm viện cũng là những ngày tháng Vân phải ngược xuôi qua lại như con thoi giữa bệnh viện và giảng đường. Họ hàng chẳng có ai, do bố mẹ Vân vốn là người gốc Thái Nguyên về Hà Nội lập nghiệp. Cơm nước, thuốc men, phục vụ sinh hoạt cá nhân và động viên an ủi bố đều do một tay Vân cáng đáng. 

Dáng người mảnh mai, nhỏ bé của Vân càng gầy sọm đi vì lo âu trĩu nặng. “Nhiều hôm từ bệnh viện về trường, vào lớp rồi mà đầu óc em trống rỗng, không thể tập trung vào bài học. Hình ảnh người bố đang vật lộn giành giật từng phút giây của sự sống trên giường bệnh cứ bám riết em…!”.
Cùng thời gian đó, ở nhà, bệnh tâm thần của mẹ Vân ngày càng nặng, mọi người phải đưa bà vào điều trị ở bệnh viện Tâm thần Trung Ương (Thường Tín, Hà Nội). Vân bộn bề trong nỗi lo về bệnh tình của cha mẹ.
Nằm điều trị được hai tuần thì bố Vân qua đời. Nén chặt nỗi đau vào lòng, chị em Vân dành hết sự quan tâm, săn sóc cho mẹ. Nhìn mẹ ngơ ngẩn vào ra phòng bệnh như người mộng du, hai chị em không dám báo hung tin, sợ bà bị sốc, bệnh sẽ càng trầm trọng hơn.
Nhà chỉ còn hai chị em nương tựa vào nhau. Dù mới hơn 10 tuổi, em gái Vân đã chung lưng đấu cật cùng chị gánh vác công việc gia đình, tự nấu ăn và chạy đi chạy lại bệnh viện trông nom mẹ đỡ cho chị, để chị có thời gian học bài…
Liên tiếp những rủi ro xảy đến, căng thẳng, mệt mỏi khiến Vân gần như kiệt sức. “Những ngày đó, em như muốn quỵ xuống. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ và em nhỏ chỉ còn biết trông cậy vào mình, em lại cố gượng dậy”.
Bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha cô sinh viên nhỏ bé. Một lần, không chịu nổi cơn đau đầu, Vân đi khám tại bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ kết luận, em bị bệnh động kinh toàn thể do di truyền từ mẹ. Không tin nổi vào tai mình, Vân quyết định khám lại ở bệnh viện Tâm thần Trung Ương, nơi mẹ em đang điều trị. 

Sau một loạt các xét nghiệm, kết quả vẫn không thay đổi. “Hoá ra bệnh đau đầu bấy lâu nay của em là biểu hiện của bệnh động kinh này. Các bác sĩ nói, em phải điều trị lâu dài bằng thuốc. Chứng đau đầu chỉ là biểu hiện nhẹ của bệnh, thế mà mỗi lần cơn đau xuất hiện, đầu em đã như muốn nổ tung, chỉ cần quên uống thuốc một bữa thôi là em không thể làm gì được!”, kể đến đây, khoé mắt Vân đỏ hoe, rưng rức.
Sức mạnh từ mái ấm gia đình
Khó khăn, bất hạnh đã không thể cản bước được cô sinh viên ngoại ngữ ấy, mà trái lại càng khiến Vân thêm quyết tâm cao hơn. Bằng nghị lực và niềm tin vào chính bản thân mình, Vân từng bước vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tích đáng nể. 

Hiện là sinh viên năm cuối của hai khoa Tiếng Anh và Tiếng Trung của ĐH Hà Nội (chỉ những sinh viên đạt điểm khá ngay từ năm thứ nhất mới được cho phép học song ngữ), bốn năm qua, Vân đều đạt học bổng sinh viên khá, giỏi của cả hai khoa. Ngoài ra, Vân còn đạt học bổng Sinh viên nghèo vượt khó của trường, học bổng Toàn cầu của Mỹ… 

Nhờ những học bổng này và thu nhập từ các buổi làm gia sư, dịch tài liệu thuê... Vân có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt và học tập cho cả hai chị em.

Không những học giỏi, Vân còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, tích cực trong các hoạt động Đoàn, Hội của nhà trường, được bạn bè, thầy cô tin yêu, nể phục. “Chính tình yêu và trách nhiệm với gia đình đã cho em sức mạnh!”, Vân bộc bạch.
Giờ giải lao của những buổi học cuối cùng thời sinh viên, nhìn Vân cười đùa hồn nhiên giữa bạn bè, thật khó có thể hình dung những gì cô gái nhỏ bé ấy đã và đang phải trải qua. 

Chia sẻ với chúng tôi ước mơ bình dị của mình, ánh mắt Vân chợt nhìn xa xăm như đang dõi về phương trời mơ ước: “Em chỉ mong sao năm nay ra trường em có việc làm ngay để kiếm được tiền chăm sóc mẹ và nuôi em gái ăn học. Em cầu mong mẹ chóng khỏi bệnh! Những lúc tỉnh táo, mẹ em vẫn thường hỏi bố đi đâu sao không vào thăm mẹ”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật