Mỹ nghệ than đá - Vẻ đẹp từ lòng đất

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ lâu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ than đá đã được biết đến như những sản phẩm lưu niệm vô cùng độc đáo riêng có ở đất mỏ Quảng Ninh. Nó được coi là món đồ lưu niệm hoàn hảo không thể thiếu đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hạ Long - Quảng Ninh.
Mỹ nghệ than đá - Vẻ đẹp từ lòng đất
Đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Quyết
Truyền thống một làng nghề

Lang thang khắp các ngõ phố cũ và lấm lem bụi than nằm sâu trong các vách đồi, vách núi của Hạ Long, tôi mới tìm được đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Quyết, người đang lưu giữ và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ than đá truyền thống đã từ rất lâu đời của dòng họ. Khi được nghe tôi giới thiệu là phóng viên, anh Quyết với nụ cười sáng chói lộ rõ trên khuôn mặt đen nhẻm vì bụi than, hồ hởi giới thiệu về tác phẩm vừa mới hoàn thành của mình. Những đường nét mềm mại và tinh xảo của tác phẩm được phân tích như chính giọng nói nhẹ nhàng của anh vậy.
Đã 3 đời nhà anh theo cái nghiệp này và đó cũng là niềm tự hào của cả dòng họ. Khắp các cửa hàng lưu niệm lớn nhỏ của thành phố du lịch đều trưng bày các sản phẩm có nguồn gốc từ xưởng sản xuất của anh. "Để có được một tác phẩm than đá hoàn thiện đòi hỏi cả một chuỗi sáng tạo của người thợ mà chủ yếu làm bằng thủ công. Có thể kể đến khâu đầu tiên như chọn than, mà phải chọn được hòn than đẹp, già, bóng và không bị nứt nẻ. Sau đó là có ý tưởng sáng tạo phù hợp, rồi phác thảo lên hòn than. Vì than đá thường rất giòn nên người thợ phải biết chọn dao gọt làm sao cho phù hợp, sau đó tạo những đường nét tinh xảo, làm mềm và đánh bóng cho sản phẩm. Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận..." - nghệ nhân Nguyễn Tuấn Quyết tự hào chia sẻ.
Anh Quyết kể rằng: Khi Quảng Ninh vẫn còn là hai tỉnh tách rời - Quảng Yên và Hải Ninh, làng nghề thủ công mỹ nghệ than đá đã có rồi, lúc đó nghệ nhân cơ bản chỉ là những người thợ mỏ. Sau những giờ làm việc mệt nhọc trên công trường, hầm mỏ... những người thợ chọn những hòn than đẹp mang về nhà và tự gọt giũa theo trí tưởng tượng của mình. Sau đó họ khoe những tác phẩm của mình, rồi tặng nhau nhân dịp lễ, tết.... Dần dần những món quà chân chất đó đã trở thành những món đồ trưng bày không thể thiếu trong mỗi gia đình thợ mỏ. Và làng nghề được bắt đầu từ đó.
Cho đến bây giờ, những học sinh trong vùng không đi tiếp các cấp học cao hơn đều ở lại với xưởng sản xuất của gia đình anh, và niềm vui đó dường như vẫn còn được giữ nguyên vẹn...
Gìn giữ và phát triển

Sản phẩm mỹ nghệ bằng than đá ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu, tính thẩm mỹ do bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tài hoa, là một sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng mỏ Quảng Ninh. Đặc biệt, khi Quảng Ninh đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới với kỳ quan Vịnh Hạ Long.
Vậy mà, cũng đã có lúc nghệ nhân Tuấn Quyết cảm thấy nản lòng. Bước vào thời buổi kinh tế thị trường, các gia đình khác trong làng nghề lần lượt bỏ nghề và đi làm giàu bằng những công việc dễ dàng khác, còn lại mình anh bơ vơ chống chọi và cống hiến cho nghề. Nhưng lòng yêu nghề, ước muốn bảo tồn nghề gia truyền đã không cho anh nghĩ đến việc "ruồng bỏ" những hòn than được mệnh danh là vàng đen này... Thế là anh quyết định mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư máy cắt, đồ nghề, đào tạo những lớp thợ mới... Biết bao khó khăn đi qua đôi bàn tay khô ráp, biết bao mồ hôi và đôi lúc có cả những giọt nước mắt, phần vì mưu sinh cho gia đình, phần vì phụ cấp cho thợ, nguyên liệu giờ phải mua lại, mà sản phẩm thì chưa thể xuất đi vì tay nghề của lớp trẻ chưa cao.
Rồi mọi khó khăn cũng qua, giờ đây thầy trò anh đã phần nào đứng vững được với nghề. Hiện nay xưởng sản xuất của anh rộng hàng ngàn mét vuông, có hàng trăm thợ làm việc không quản nắng mưa. Không chỉ là đủ ăn, đủ nuôi sống gia đình và thợ, mà với anh đó còn là một tự hào và thành công lớn trong đời khi đã gìn giữ được cái nghề mà gần như đã mất đi trong tâm thức của nhiều người thợ mỏ vùng than.
Một sản phẩm mỹ nghệ bằng than đá

Cần hơn thế nữa

Quảng Ninh có những làng nghề danh tiếng, sản phẩm xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhưng việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho làng nghề còn thiếu, chủ yếu là tự phát nên hiệu quả còn chưa cao. Vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng, lấy danh tiếng truyền thống để thay thế cho việc quảng bá thương hiệu làng nghề… Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, cách làm này không mấy thành công. Trong khi đó, sản phẩm mỹ nghệ than đá đã có mặt ở nhiều công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu của cả nước.
Thiết nghĩ, làm sao để những người tâm huyết như anh Quyết và bao người nữa không giảm niềm say mê, sáng tạo với nghề mỹ nghệ than đá? Nên chăng, việc tạo điều kiện để những người yêu nghề tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề, sự đầu tư và quảng bá thương hiệu luôn là điều cần thiết, một hướng đi mới và một sự quan tâm đúng mức cho sự phát triển, nhất là trong chiến lược dài hơi để xây dựng sản phẩm du lịch từ những sản phẩm truyền thống của Quảng Ninh cũng như của nhiều làng nghề trên cả nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật