Doanh nghiệp “không chịu lớn”?

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Báo cáo nghiên cứu của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN) 10 năm, đã đưa ra phát hiện đáng chú ý: DN Việt Nam đang có xu hướng co hẹp về quy mô, nhưng lại tăng nguồn vốn.
Doanh nghiệp “không chịu lớn”?
Ảnh minh họa

Theo báo cáo, các DN Việt Nam đang nhỏ dần về quy mô lao động, từ 74 lao động năm 2002 xuống còn 34 lao động, nhưng lại lớn dần về quy mô vốn, từ 23 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Giai đoạn 2002-2011, tổng nguồn vốn của các DN trong nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần, từ 1,4 triệu tỷ đồng của năm 2002 lên 15,3 triệu tỷ đồng năm 2011, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm.

Việc tăng trưởng vốn cao hơn tăng trưởng lao động cho thấy DN đang phát triển dựa nhiều hơn vào vốn. Đây dường như là nghịch lý khi Việt Nam luôn tự coi có lợi thế về nguồn lao động, nhưng sự phát triển của nền kinh tế thời gian qua lại không tập trung khai thác lợi thế này.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, khi chuẩn bị gia nhập WTO, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam “sẽ bơi trong biển tiền”, với quan điểm cho rằng nguồn vốn nước ngoài sẽ đổ nhiều vào Việt Nam, nên tín dụng được bơm ra và DN được chào mời vay. Quan niệm sai lầm này cùng với việc hướng hoạt động đầu tư của DN vào bất động sản, chứng khoán, làm giàu dựa trên phá rừng, tài nguyên, quan hệ thân hữu... đã khiến nhiều DN “sau một đêm nhận được miếng đất đã trở thành siêu tỷ phú mà không cần làm gì”.

Từ đó, những DN không có năng lực cạnh tranh và ngay cả DN lớn cũng không có sản phẩm gì cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “DN phải có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và giàu chính đáng, cũng như hướng tới hội nhập sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Như vậy mới có thể tăng trưởng bền vững” - ông Doanh nói.

Năng lực cạnh tranh yếu, phát triển không bền vững đã dẫn đến tỷ lệ DN thua lỗ giai đoạn 2002-2011 rất cao, đến 30% vào năm 2006 và 41,7% năm 2011.

Lo ngại về thực trạng kinh doanh của DN Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo đến năm 2018, hiệp định thương mại tự do ASEAN với Trung Quốc (ACFTA) sẽ được thực hiện hoàn toàn, có nghĩa thuế suất hàng Trung Quốc sẽ còn rất thấp.

Đây là thách thức rất lớn với DN, bởi hiện nay hàng Trung Quốc đã tạo sức ép cạnh tranh lớn với hàng hóa trong nước. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết gần đây có hiện tượng nhiều DN trong ASEAN đang đổ bộ vào Việt Nam để tận dụng các ưu đãi thuế quan sắp tới khi thực hiện ACFTA.

Phát hiện thứ 2 được nhóm nghiên cứu của VCCI đưa ra: “Việt Nam đang thiếu hụt lực lượng DN có quy mô vừa, khi loại hình này chiếm 2,1% tổng số DN cả nước. Các DN này thường có xu hướng thu hẹp quy mô lao động, ít khi phát triển lên thành DN có quy mô lớn về lao động”.

Tuy nhiên, DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng lên giai đoạn 2002-2011, từ 90% lên 95,6%. Trong đó, có đến 2/3 DN là siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Tỷ trọng DN siêu nhỏ ngày càng tăng, từ 53% năm 2002 lên 65,6% năm 2011. DN quy mô vừa và lớn luôn chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm, năm 2011 tỷ lệ này lần lượt là 2,1% và 2,4%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật