Tăng biện pháp cưỡng chế vi phạm tiền thuế của Nhà nước

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Tài chính công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Theo đó, sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp cưỡng chế áp dụng cho các quyết định hành chính thuế ngay từ khâu thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp Luật về xử lý vi phạm hành chính thuế ...
Tăng biện pháp cưỡng chế vi phạm tiền thuế của Nhà nước
CBCC Cục Thuế TP. Vinh- Nghệ An thực hiện cưỡng chế thuế một DN vi phạm. Ảnh: Internet.

Theo Bộ Tài chính, các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm: Người nộp thuế đã quá thời hạn tự giác chấp hành, quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định hành chính thuế mà không chấp hành quyết định hành chính thuế, không khắc phục hậu quả, không nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào NSNN hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn thì bị cưỡng chế thi hành trong các trường hợp sau đây: Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp theo quy định; Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế đã hết thời hạn gia hạn nộp vào NSNN theo quy định; Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế nhưng chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền nợ vào NSNN đối với người nộp thuế có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn;

Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính đã hết thời hạn cơ quan Thuế cho phép nộp dần tiền thuế nợ hoặc người nộp thuế vi phạm cam kết nộp dần tiền thuế nợ; và  tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế đã quá thời hạn quy định chấp hành xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cụ thể, đối với từng biện pháp cưỡng chế, Bộ Tài chính quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan như: KBNN, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản; tổ chức, cá nhân trực tiếp trả tiền lương, tiền công hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; Trách nhiệm của chính quyền nơi đối tượng bị cưỡng chế đóng trụ sở kinh doanh hoặc nơi cư trú, cơ quan đăng ký quyền sở hữu...

Đơn cử như: KBNN, ngân hàng cung cấp các thông tin cần thiết bằng văn bản về số hiệu tài khoản, số dư của đối tượng bị cưỡng chế mở tại đơn vị mình trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thuế. Đồng thời, có trách nhiệm phong toả tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

Đối với biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương, tiền công hoặc một phần thu nhập thì chỉ áp dụng trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà không tự giác chấp hành quyết định hành chính thuế. Theo đó, tổ chức, cá nhân trả lương cho đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ tiền lương, tiền công hoặc các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá  30% tổng số tiền lương, tiền công của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế phát sinh, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

Đối với quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, Bộ Tài chính quy định rõ trách nhiệm của chính quyền nơi đối tượng bị cưỡng chế đóng trụ sở kinh doanh hoặc nơi cư trú, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của Pháp Luật cho cơ quan thực hiện cưỡng chế trong việc xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế.

Tuy nhiên, có những tài sản sau đây không được kê biên như:  Đối với đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là cá nhân thì nhà ở duy nhất của cá nhân bị cưỡng chế và gia đình. Trường hợp cá nhân bị cưỡng chế có nhiều nhà ở thì phải xác minh rõ kê biên ngôi nhà có giá trị đủ để thanh toán tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt và chi phí cưỡng chế; Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân bị cưỡng chế và gia đình....

Đối với đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là cơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì không được kê biên trang thiết bị phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường; Cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng... Đối với đối tượng bị cưỡng chế là cơ quan Nhà nước, tổ chức hoạt động bằng nguồn vốn do NSNN cấp thì không kê biên các tài sản do NSNN trực tiếp cấp mà yêu cầu tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thực hiện quyết định cưỡng chế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật