Android: Cái chết được báo trước?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong vài năm trở lại đây, Android là một trong những cái tên được nhiều người nhắc tới. Một tương lai tươi đẹp mở ra cho hệ điều hành (HĐH) tuyệt vời này. Thế nhưng, mọi chuyện dường như không phải vậy.
Android: Cái chết được báo trước?
Ảnh minh họa
Android đang dần biến mất
Tại Triển lãm Di động Thế giới (MWC) 2012, Android là trung tâm của sự chú ý bởi hệ điều hành này không chỉ vượt qua iOS về thị phần di động mà còn là nền tảng mà bất cứ nhà phát triển ứng dụng nào cũng muốn hướng tới.
Thế nhưng tại MWC 2013, cái tên Android đã gần như hoàn toàn biến mất. Nếu bạn đọc các tin tức và quảng cáo về HTC One, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cái tên Android. Còn tại buổi ra mắt Galaxy S4 của Samsung, cái tên Android hầu như không được đả động tới. Nếu có thì người ta cũng chỉ nhắc đến một HĐH Android 4.2 chẳng có gì khác biệt, có chăng là về số hiệu của nó. Họ hướng sự chú ý về Tizen, một HĐH mới “nào đó” của Samsung, sẽ sớm được ra mắt cùng với các siêu phẩm của họ.
Andy Rubin sẽ không còn phát triển Android nữa.
Và thậm chí, Andy Rubin, cha đẻ của Android, gần đây đã không còn tham gia phụ trách phát triển Android nữa mà chuyển sang phát triển một dự án mới của Google. Điều gì đang khiến Andy quay lưng lại chính đứa con cưng của mình? Có thể bạn còn đang ngạc nhiên về sự thật này. Và có lẽ số lượng người biết nguyên nhân tại sao sẽ còn ít hơn nữa.
Bạn có nhận ra đây là Android của Google?
Thế nhưng, nếu nhìn từ bên ngoài, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một sự thật rằng: Android không còn là một công cụ tối ưu của Google nữa. Dù rằng đây vẫn đang là một HĐH phổ biến nhất thế giới hiện nay. Theo số liệu thống kê, cứ 5 người dùng smartphone thì có tới 4 người đang sử dụng HĐH Android. Và người ta ngầm mặc định rằng Android là điều hiển nhiên phải có đối với những chiếc smartphone và họ dường như chẳng còn chút hứng thú nào để khám phá.
Android đã không còn đột phá như trước
Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, Android đã góp phần làm cho sự xuống dốc của Nokia lẫn BlackBerry trở nên nhanh hơn bao giờ hết. Apple, một kẻ từng thống trị thế giới smartphone cùng với HĐH iOS nổi tiếng cũng bị lép vế trước hào quang của Android. Android cũng góp phần làm cho chặng đường đến với vinh quang của Microsoft trở nên xa xăm hơn khi họ phải vật lộn với HĐH Windows Phone từng ngày.
Trong khi đó, Android từng bước đưa tên tuổi Samsung đến với toàn thế giới. Thậm chí một “hiệu sách điện tử” như Amazon cũng có thể chế tạo ra những chiếc máy đọc sách và tablet của riêng mình nhờ vào Android.
Mẫu tablet mới của Amazon với phiên bản Android đã tùy biến.
Thế nhưng thị phần rộng lớn không có nghĩa là do người dùng ưa thích HĐH này. Có một xu hướng cho thấy càng ngày càng có ít người dùng Android có hứng thú “nghịch ngợm” với chiếc smartphone của họ. Họ sử dụng một chiếc smartphone Android giống như đang tận hưởng cảm giác Symbian khi xưa vậy. Có lẽ thứ duy nhất thuyết phục họ mua một chiếc smartphone Android là một mức giá phải chăng cho một vẻ bề ngoài không kém phần bóng bẩy và mạnh mẽ. Mọi thứ dường như chẳng có chút nào liên quan đến Android cả.
Google đang mất dần sự kiểm soát Android
Dù Android giúp Google củng cố một cách vững chắc vị thế thống trị của mình về tìm kiếm cũng như quảng cáo trên nền tảng di động, tuy nhiên, bạn cũng có thể nói điều tương tự như vậy với iPhone và iOS. Còn trong thực tế, càng lúc Google càng có ít quyền lực đối với HĐH này. Mới đây nhất, HĐH đình đám này dường như bị "lờ" đi một cách cố ý trong lễ ra mắt Galaxy S4.
Samsung đã cố tình "lờ" đi cái tên Android.
Mà lẽ ra Samsung phải cảm ơn những gì Android đã mang lại cho hãng: biến Samsung từ một kẻ chân ướt chân ráo chập chững trên thị trường smartphone trở thành một gã khổng lồ như ngày hôm nay. Thế nhưng, với những gì mà Samsung đã thể hiện, không sớm thì muộn, một phiên bản khác biệt hoàn toàn với Android sẽ được ra mắt và chỉ làm cho cái chết của Android nhanh hơn mà thôi. Amazon cũng chẳng khác biệt là mấy khi mà hãng này từ trước đến nay chỉ sử dụng những gì tinh túy nhất của Google mà thôi.
Chúng ta cũng biết đến những cái tên khá nổi trong thời gian gần đây như Huawei hay ZTE. Vâng, cho dù những smartphone ở Trung Quốc có là 100% Android đi nữa thì hẳn bạn cũng biết Google sẽ chẳng thể “yên thân” ở đất nước 1,3 tỷ dân này. Chỉ cách đây vài năm, chính Google đã từng bị chính quyền nước này“hắt hủi” một cách đầy cay đắng.
Mặt khác, có lẽ bởi sự quá “dễ dãi” với người dùng mà Google đang mất dần sự kiểm soát của mình với HĐH này. Với mỗi nhà sản xuất di động, họ đều tìm cách thay đổi Android theo cách của riêng mình. Còn với người dùng, việc root các thiết bị Android xem ra cũng chỉ mất 30 phút là xong.
Trong một tương lai không xa, chắc chắn di động sẽ là nền tảng không thể thiếu cho cuộc sống hiện đại. dịch vụ di động sẽ trở thành một thị trường tiềm năng cho bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào. Tuy nhiên, việc mất đi sự kiếm soát vào HĐH của mình sẽ khiến cho các nguồn thu từ dịch vụ của Google bị sụt giảm nghiêm trọng, mất đi lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Đó là một kết cục đáng buồn mà có lẽ chẳng ai mong muốn.
Hướng đi nào cho Google?
Đã đến lúc Google cần đối diện với sự thật phũ phàng: Android đã lên đến đỉnh của nó. Có thể, đây là lúc Google nên cắt giảm việc cung cấp mã nguồn mở cho tất cả mọi người, chỉ nên giới hạn phạm vi xuống còn 2 cái tên là Samsung và Amazon. Hoặc Google nên tập trung tất cả nguồn lực cho Motorola, nhà phát triển di động vừa mới sát nhập cách đây không lâu. Hoặc để mặc Android chìm vào quên lãng và bắt đầu một thế hệ mới, một sản phẩm mới giống như Android 8 năm trước đây.
Android đã trở thành một tượng đài trong làng công nghệ thế giới.
Sự ra đi của Android là một điều được dự báo từ trước bởi HĐH này đang thống trị đến mức có thể tự giết chết chính mình. Android chỉ đơn giản là những thứ “bên trong” còn trong thời đại ngày nay, cái người ta cần là những thứ bóng bẩy và hào nhoáng bên ngoài. Những món hàng Louis Vuitton đắt là do yếu tố “độc” của nó, nhưng nếu bạn thấy các sản phẩm LV ở khắp mọi nơi, liệu chúng ta còn cần mua LV nữa không?
Dẫu sao, Android đã trở thành huyển thoại, cái tên Android sẽ còn được nhắc đến như là một trong những tượng đài đầu tiên của ngành công nghiệp di động. Android chết đi để một cái gì đó mới và tốt hơn thay thế. Với những thay đổi lớn lao mà Google mang đến cho cuộc sống từ trước tới nay, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào "gã" khồng lồ này trong một tương lai không xa.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật