Bên kia bán cầu não hỏi tóc còn mấy sợi ?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao năm nay, mình có một nỗi sướng âm ỉ mà không tiện kể cùng ai, vì sợ mang tiếng “xấu bụng” (dù có những điều “xấu” Pháp Luật không cấm, mà cả lương tâm cũng không cấm nốt, thế mới hư!).
Bên kia bán cầu não hỏi tóc còn mấy sợi ?
Ảnh minh họa

Nhưng thề là mình luôn cảm thấy sướng điên lên được, khi gặp lại những người đó, hay ít ra, là nhìn thấy ảnh họ trên Facebook và thậm chí là trên báo (trong trường hợp người kia “có số, có má”). Khi, bỗng dưng là có một mẫu số chung không hẹn mà cùng thế này (thế mới biết: Trời thế mà hay!): Phàm những tay không chịu cưới mình, về sau, không chóng thì chầy, không sớm thì muộn, bất kể thành đạt hay không thành đạt, còn trẻ hay đã già, đã yếu hay đang khỏe, kiểu gì cũng bị… hói!

Mà lại còn hói theo đúng tỉ lệ thuận với mức độ phụ tình với mình thì mới sướng: Càng tay nào nợ mình nhiều nhất (có anh cứ phải gọi là Chúa Chổm!), tiến sát giờ G nhất (mà vẫn không chịu cưới mình) thì y như rằng, tay ấy hói nặng nhất (những trường hợp T.Tâm này được mình xếp vào danh mục sự kiện tự nhiên quý hiếm: “Nhật thực toàn phần”). Và ngược lại, anh nào ít tội nhiều công nhất (nhưng chung quy lại cũng là vẫn không chịu cưới mình) thì chỉ dừng ở mức hói cục bộ (điều chỉ có thể mô tả bằng ngôn ngữ giàu tính khu biệt của trường phái lập thể?).

Thế nên, thỉnh thoảng, điện thoại mình lại nhận được những tin mật báo đến là dễ chịu: “Hot news: Đang có cơ hội diện kiến T ở chỗ họp báo. Tin buồn: (Nghe nói) vẫn chưa bỏ vợ. Tin vui: Tình hình là “tóc gió (mỗi lúc một) thôi bay!”. Buồn là thế nào, sung sướng gì cái cảnh đêm đêm xoa đầu người hói (thà “người sói” thì còn đi một nhẽ nhé!), nên hết sức bình thản nhắn lại: “Làm ơn xem giúp, bên kia bán cầu não hiện còn mấy sợi?”. Đề ra khó đến nỗi (chứng tỏ số tóc trung thành với chủ dẫu sao cũng còn là đáng kể - tin này mới là buồn!), nên người đưa tin hứa sẽ chụp ảnh từ phía sau (sau khi zoom ống kính hết cỡ). Rồi khi về, sẽ hạ hồi phân giải bằng một phần mềm phân tích hình ảnh đặc biệt (chắc phải nhờ bên khoa học Hình Sự!).

Nhưng dù là còn một hay vài sợi, thì tính đi tính lại, việc mấy tay kia không chịu cưới mình nhìn chung chỉ đưa lại một lợi ích nhỏ nhoi cho họ, là tiết kiệm thời gian và dầu gội đầu (theo nguyên lý “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng”). Chấm hết! Mà thiệt hại thì vô thiên lủng. Chuyện! Mất tóc là mất tất cả! Huống hồ còn là mất mình! Cái này triết học phương Tây bảo rồi: Kẻ nào không nhận ra được giá trị của mình là ngu. Mà ngu thì cho “chúng nó” chết (à quên, trong trường hợp của mình là… hói)!

Thế nên, mỗi lần may mắn được diện kiến những kẻ hiện nay là đương kim sở hữu mấy gã hói kia, thì thay vì nhìn xem vòng 2 của “chúng nó” ngấn mỡ thế nào (sau khi làm máy đẻ), thề là mình chỉ nhìn tay (dĩ nhiên là nhìn trộm). Là để xem cái bàn tay đêm đêm phải di chuyển trên những vầng trán hói thê lương kia nó hoang hoải, mòn mỏi và tàn tạ đến mức nào trước khi lết được đến và gục ngã trước những ốc đảo tóc (trong khi tay tớ thì lại được đi những đường quyền mê man và huyền bí giữa mê cung nhé!). Thật đúng là một nghịch lý xứng đáng làm bối cảnh cho Henryk Sienkiewicz viết tiếp phần 2 “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”!

Ấy vậy mà có một người, lại thoát, dù người đó cũng... không chịu cưới mình! Chỉ vì tận đến giờ, người đó vẫn chưa lấy vợ (Đã bảo, mà không tin, đố tìm được ai hơn mình!). Dù thực ra thì cũng không phải là vì hắn không tin, mà là của đáng tội, hắn bị mình bỏ. Và đó là cuộc tình vẻ vang nhất trong chuỗi tình trường nhiều đau khổ của mình (mà triết học phương Tây cũng đã từng tổng kết là: “Người tỏ tình vĩ đại, kẻ thất bại lão thành”), khi đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời mình được hào sảng chia động từ “to say goodbye” ở thể chủ động. Dù đó là người xứng đáng nhất trong số, người làm mình nhớ lâu nhất và vẫn còn rung động nhiều nhất, mỗi khi nhớ đến hay gặp lại (thực ra chỉ là bằng những cú nhấp chuột). Có thể vì hiện nay anh ấy (là người duy nhất trong số) không (hay là chưa?) hói. Cũng có thể, chỉ có anh ấy mới xứng đáng với danh hiệu “Người không đáng bị hói”? Và còn tóc là còn
tất cả?

Nên nếu là để ước, thì tới giờ này, thề là mình cũng chỉ ước có bấy nhiêu thôi: Được thêm lần nữa đi lại những vệt tay miên man trên mái đầu cứng như rễ tre kia (dấu hiệu cho thấy nam tính và dự báo nguy cơ thành đạt) – như một gái hư (vì thế là phản bội chồng còn gì!), xong rồi đứng dậy ra về (Thề!) và sống tiếp cuộc đời gái đảm (sau khi phản bội nửa vời). Nhưng truyền thuyết nghe đâu cũng sẽ lại kể rằng: Chỉ cần tay mình chạm đến cửa rừng kia, thì ngay lập tức, bằng ấy tóc sẽ chẳng nói chẳng rằng lả đi và rụng xuống trong chớp mắt. Hệt cái cách chén bạch đàn Trương Chi tan đi trong tay nàng Mị Nương vậy. Vì sao ư? Vì đó là tóc thương tóc nhớ (như chính chén thương chén nhớ), nếu không muốn nói là tóc thiêng, chén thiêng. Một thứ tóc đẳng cấp hơn hẳn loại tóc tính tóc toán, tóc đo tóc đếm… như thường thấy ở những người hói, để mà đáng bị rụng!

Và đó là lý do khiến mình cho đến nay vẫn còn giữ được mình, trừ khi các nhà khảo cổ khai quật được một cuốn lịch khác của người Maya và cho biết, vẫn còn một ngày tận thế khác, không xa ngày hôm nay là mấy…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật