Lời nguyền của gia đình nữ tướng cướp miền đông

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những người không biết chuyện nếu gặp bà Tám Lũy ngoài đường bây giờ thì chỉ có thể nghĩ rằng bà là một người nông dân hiền lành, già nua và khắc khổ. Chẳng ai ngờ rằng người đàn bà này là nữ tướng chỉ huy một băng cướp gia đình khét tiếng miền Đông Nam Bộ nhiều năm trước đó.
Lời nguyền của gia đình nữ tướng cướp miền đông
Khách đến thăm bà Tám Lũy vào sáng 14.9.2011
Những ngày lương thiện cuối đời của nữ tướng cướp
Bà Tám Lũy hiện sống trong trang trại của gia đình nằm giữa cù lao xã Phú Đông, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Xưa kia đây là đại bản doanh của băng cướp Tám Lũy, là sào huyện bất khả xâm phạm của đại gia đình tướng cướp này. Nhưng bây giờ, cũng trên mảnh đất đó, bà Tám Lũy dựng một căn nhà nhỏ nuôi vài chục con lợn, vài trăm con vịt, con gà. Sáng sáng, bà nấu cám nuôi lợn, rồi lùa vịt ra đồng chăn. Đến chiều, bà nằm trên chiếc võng đu đưa bên hiên nhà và không ngừng suy nghĩ về cuộc đời mình. Bao nhiêu ngày kể từ khi bà hoàn lương là bấy nhiêu ngày trang trại này rộn lên tiếng lợn, gà, vịt đua nhau kêu cả ngày. Sự sống đã trở về trong trang trại nhỏ nằm giữa cù lao Phú Đông.
Bà Tám Lũy bây giờ đã già nhưng bà nhất quyết không về ở với con cháu. Bà sống một mình trong cái chòi nhỏ giữa cù lao, nuôi lợn, nuôi gà vịt và trồng rau như một người nông dân thực thụ. Bà thích ở một mình vì những lúc rảnh rỗi, bà thường hồi tưởng lại những tội lỗi mình đã gây ra trong quá khứ. Nếu ngày xưa bà là nữ tướng cướp ngang dọc giang hồ, sẵn sàng dạy cả đàn con cháu những điều tàn ác và chỉ huy băng cướp gia đình của mình gây tội ác, gieo rắc nỗi kinh hoang khắp tỉnh Đồng Nai thì bà bây giờ lại là một bà lão nông dân hiền lành đến khó hiểu.
Giờ đến cả con vịt, con gà, bà Tám cũng không dám làm đau. Càng về già, bà càng thấy trân trọng những gì liên quan đến sự sống, sự sinh sôi, nảy nở. Và có thể ngồi ngắm con gà, con vịt đẻ trứng, nhìn chúng ấp nở thành con rồi lớn lên với một niềm say mê kỳ lạ. Đó là lúc lòng bà tràn ngập hạnh phúc và tự do. Nhiều năm để bàn tay nhúng chàm, khi trở về với đời thường, bà là một công dân vô cùng có ý thức Pháp Luật. Đã ở cái tuổi xấp xỉ 80, nhưng mỗi khi nghe quanh vùng có đám thanh niên hư hỏng, phá phách, đua đòi, thỉnh thoảng giở thói trộm cặp, hành hung người, bà đều tìm đền, túm cổ áo chúng và dùng chính cuộc đời mình để dạy cho chúng những bài học về cuộc đời. Những lúc đó, người đàn bà ở cái tuổi 80 vẫn toát lên sự uy lực của một nữ tướng cướp ngày nào.
Khi ra tù, bà đã đếm từng ngày để chờ đợi những đứa con của mình trở về, cùng bà chung tay xây dựng lại mái ấm gia đình đã bị bà phá nát. Rồi ngày đó cũng tới. Những đứa con của bà trở về. Bà và các con mỗi người làm một việc, chọn một nghề để hoàn lương. Có người con của bà đã trở thành những hộ làm ăn khá được chính quyền xã khen ngợi, tuyên dương.
Riêng bà cũng là một nông dân giỏi. Ngày ngày, bà chăm chút đàn heo, đàn vịt của mình. Đến lứa bán đi, bà vẫn ăn uống tằn tiện chứ chẳng dám tiêu pha. Tiền bán heo, bán vịt bà bỏ ống chờ đợi ngày con ra tù để lấy cho chúng một tấm vợ, dựng cho chúng một nếp nhà nho nhỏ. Bà có một nỗi ân hận suốt đời, chính bà là người đã phá hỏng tâm hồn những đứa con của mình. Vì thế, khi bán đàn vịt , đàn lợn, bà thường mơ màng nghĩ rằng bà sẽ dùng nó để tạo cho con cái mình một cuộc sống khác. Đó là những điều mà người mẹ này có thể làm, để giúp đỡ các con mình và về một khía cạnh nào đó là để chuộc lỗi với chúng.
Chân dung hậu duệ của nữ tướng cuớp miền Đông
Ước mơ của bà Tám thì nhiều. Nhưng nghiệp chướng của bà thì chưa hết. Lời nguyền của dòng họ Tám Lũy dường như chưa thể kết thúc. Bởi những đứa con của bà, có những đứa hoàn lương, nhưng có những đứa đã lún sâu vĩnh viễn vào tội ác.
Trong những người con của bà có những đứa đã trở thành những tên tội phạm nổi danh: Sanh “Cụt”, Tùng “Sát thủ”, Thâu “Ròm”, Hoàng “Phổi”. Tùng sát thủ chính là kẻ đã bắn chết trưởng công an xã Phạm Văn Tiếp nhiều năm về trước rồi sau đó t‌ּự sá‌ּt khi bị công an bắt. Những năm cuối đời, bà đón hai đứa con tù tội là Hoàng phổi (tức Nguyễn Văn Hoàng) và Thâu ròm (tức Nguyễn Văn Thâu) về sống cùng, hy vọng chúng xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và làm lại cuộc đời. Nhưng chúng đã chọn cho mình một con đường khác: con đường của máu và tội ác…
Nguyễn Văn Hoàng - tức Hoàng "Phổi" là một trong những đứa con nổi danh nhất của bà Tám Lũy. Ngày đó trong băng cướp Tám Lũy, Hoàng là một trong những tên cướp đóng vai trò chủ chốt. Ngày bé, cùng với những anh em của mình, Hoàng được mẹ cho đi theo đến các sới bạc. Chứng kiến cảnh sát phạt đỏ đen, cảnh ăn tục chửi thề và tiếp nhận đủ những thứ xấu xa trong sới bạc, đầu óc của Hoàng “Phổi” đã bị tha hóa ngay từ khi còn bé. Không được học hành, không được mẹ giáo dục tử tế, Hoàng phổi giống như một cái cây dại không người uốn nắn để rồi nhanh chóng biến thành một cái cây độc.
Khi bà Tám Lũy khởi xướng băng cướp gia đình, Hoàng phổi nhanh chóng nổi lên với sự hung bạo, tàn ác. Với súng đạn, vũ khí có sẵn trong tay, hắn là một tên cướp khát máu, nổi tiếng tàn bạo. Trong những lần đi cướp, hắn sẵn sàng xử lý những nạn nhân không chút run sợ nếu họ có biểu hiện chống cự, hay chỉ là một cử chỉ khiến hắn nóng mắt. Ngày đó, khi được cha là ông Tám Lũy khuyên bảom gắn còn quay lại đánh cả cha và dọa giết ông. Với tên cướp này, đạo đức và tình người là những điều xa lạ và không tồn tại trong cuộc đời hắn.
Hắn cũng có cái kết chung giống như mẹ và các anh chị em của mình. Hắn bị bắt năm 1986. Khi đó, khám xét người hắn, lực lượng công an thu được một bản danh sách không dưới chục người mà hắn đang lên kế hoạch giết. Đó là những người tham gia chiến dịch truy bắt hắn. Hắn bị kết án sau đó với án tù 20 năm.
Đầu năm 1990, Hoàng trốn trại, nhưng sau đó nhanh chóng đã bị bắt lại. Hắn đi tù đến năm 2006 thì được trả tự do. Những ngày còn ở trong trại giam, có những thời điểm, người ta tưởng hắn đã thức tỉnh và thành tâm sám hổi. Bằng chứng là hắn thường tâm sự với cán bộ quản giáo về nỗi nhớ gia đình, về khát khao được tự do, được lấy vợ, sinh con và có một mái ấm thực sự. Hắn không vi phạm kỷ luật như những ngày đầu vào trại nữa mà tích cực cải tạo trong những năm cuối ở tù. Năm 2006 hắn ra tù trước thời hạn gần 3 năm nhờ tích cực cải tạo.
Những ngày đầu được trả tự do, Hoàng "Phổi" trở về cù lao Phú Đông, sống cùng với mẹ. Giống như mẹ, Hoàng đã có một quãng thời gian sống như một nông dân thực thụ. Hắn giúp bà nấu cám heo, tắm cho heo rồi ngày ngày lùa vịt đi kiếm ăn ngoài đồng. Đó là quãng thời gian mà bà Tám Lũy hạnh phúc nhất trong đời. Bà cười nói rộn ràng, mắt long lanh, gương mặt rạng rỡ. Ngày Hoàng phổi mang bạn gái về nhà giới thiệu, bà thấy cuộc đời mình mãn nguyện. Bà chiều cô con dâu tương lai hết mực, thủ thỉ với cô con dâu về chuyện cưới xin sắp tới, về chuyện bà đã bỏ ống heo được bao nhiêu tiền để lo đám cưới. Nhưng ước mơ đám cưới cho cậu con trai Hoàng phổi của bà Tám Lũy đã không thành.
Những đứa con không từ bỏ tội ác và ước mơ không thành của người mẹ
Ngày 12.10.2006, vụ cướp tiệm vàng Kim Hồng (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) gây chấn động dư luận. Ông chủ tiệm vàng Kim Hồng bị bắn chết ngay tại chỗ. Băng cướp sau khi giết người đã cướp đi 70 lượng vàng. Chỉ vài ngày sau, bà Tám Lũy nhận được tin sét đánh: hai người con trai của mình là Hoàng "Phổi" và Thâu "Ròm" chính là những kẻ cầm đầu nhóm  cướp tiệm vàng giết người man rợ đó. Lúc nhận được tin, bà Tám Lũy vẫn đang khấp khởi chờ đợi ngày chuẩn bị đám cưới cho con trai …
Trong thời gian thụ án tù tại trại giam, Hoàng quen với hai đối tượng là Đinh Văn Thắng (sinh năm 1970, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An) và Hà Văn Thành 9 (sinh năm 1971, quê ở Xuân Minh, Quảng Ninh). Trước khi ra tù, chúng đã trao đổi số điện thoại và địa chỉ để hẹn sẽ liên lạc với nhau. Tuy nhiên, ba tên này muốn gặp lại nhau không phải với mục đích động viên nhau hoàn lươnng mà cùng ấp ủ âm mưu tiếp tục quay trở lại con đường tội ác.
Được trả tự do một thời gian, sau những ngày đầu giúp đỡ bà Tám Lũy chăm sóc đàn heo, Hoàng bắt đầu chán cảnh lương thiện. Hắn lên kế hoạch thực hiện các vụ cướp tiệm vàng để có tiền tiêu xài. Lúc đó, thấy cậu em trai Nguyễn Văn Thâu cũng đang chán nản vì không có tiền, Hoàng "Phổi" rủ em đi cướp. Sau khi ra tù, Thâu ròm hành nghề xe ôm. Nhưng dường như cũng không vui vẻ gì với việc kiếm những đồng tiên mồ hôi nước mắt khó nhọc, nên khi anh trai rủ đi cướp, Thâu ròm gật đầu.
Sau khi lên phương án cướp tiệm vàng, hai anh em Hoàng phổi và Thâu ròm hẹn gặp Thắng và Thành. Bọn chúng cử Thắng và Thành qua biên giới mua súng để làm phương tiện gây án. Ban đầu Hoàng phổi và Thâu ròm rủ hai tên đồng bọn đi cướp tiệm vàng ở huyện Chợ Mới, An Giang. Nhưng sau khi trộm một chiếc xe máy ở Chợ Mới làm phương tiện gây án (Thâu “Ròm” là chuyên gia trong lĩnh vực trộm xe – PV), bọn chúng đã thay đổi kế hoạch, từ bỏ ý định cướp tiệm vàng ở Chợ Mới vì thấy kế hoạch không khả thi do không thông thạo địa bàn. Tên Hoàng phổi chính là người đã đề nghị cả nhóm quay về xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai quê hắn để cướp. Tiệm vàng Kim Hồng ngay lập tức rơi vào tầm ngắm của hắn.
Vì là người địa phương nên Hoàng "Phổi" và Thâu "Ròm" không trực tiếp ra tay, bởi là những tên tội phạm chuyên nghiệp, chúng thừa hiểu chúng sẽ  không thoát khỏi sự nghi ngờ của lực lượng công an. Sau khi đã bàn bạc, bọn chúng thống nhất sẽ phân công Thắng và Thành đi cướp, còn Hoàng và Thâu sẽ chờ sẵn ở một điểm hẹn để cùng nhau lên đường tẩu thoát.
Sau khi khảo sát xong xuôi, 20h tối ngày 12.10.2006, hai tên Thành và Thắng chở nhau đến tiệm vàng Kim Hồng ở trung tâm xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Vừa bước vào tiệm, bọn chúng đã rút súng ra bắn nát tủ kính dựng vàng. Bà chủ tiệm vàng Lê Thị Hồng đang đứng đó, không kịp phản ứng, bị bắn một viên đạn suợt qua tai ngất xỉu. Chồng bà Lê Thị Hồng là ong Trương Đệ thấy thế vội hô hoán “cướp cướp”. Ngay lập tức, tên Thắng đã chĩa súng vào người ông Đệ và lạnh lùng bắn một phát trúng tim, khiến ông Đệ chết ngay tại chỗ. Sau khi vơ vét được 70 lượng vàng, hai tên lập tức lên xe máy chạy trốn.
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, ngay sau khi vụ cướp giết xảy ra, lực lượng công an đã tổ chức truy đuổi hai tên cướp này. Tên Thắng và Thành bị bắt ngay sau đó, khi chưa kịp đến chỗ hẹn với hai anh em Hoàng phổi và Thâu ròm. Tuy Hoàng và Thâu không trực tiếp tham gia vụ cướp, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng đối tượng, chưa đầy một tháng sau, lực lượng công an đã bắt được hai đối tượng này, với những chứng cứ không thể chối cãi về vai trò của chúng trong vụ cướp.
Hai người con trai của bà Tám Lũy một lần nữa lại sa lưới Pháp Luật bởi vụ cướp giết gây chấn động dư luận Đồng Nai. Càng chấn động hơn khi băng cướp này có hai hậu duệ của nữ tướng cướp Tám Lũy một thời làm chủ mưu. Sau khi Hoàng "Phổi" và Thâu "Ròm" bị bắt, bọn chúng đã bị truy tố về các tội “giết người cướp tài sản”, “mua bán trái phép chất vũ khi quân dụng” và “trộm cắp tài sản”.
Khi nhận được tin hai người con trai của mình là những kẻ chủ mưu vụ cướp, bà chết lặng người. Đời bà đã chứng kiến nhiều đứa con của mình vào tù ra tội. Nhưng chưa lần nào bà buồn như lần này. Nó là một cú đánh quá mạnh với bà trong những năm tháng về già, khi bà đang thực sự khao khát một cuộc đời lương thiện, vui vầy bên con cháu như bao người già khác.
Nước mắt mẹ tướng cướp
Ngày 14.12.2007, tại trường cấp 2 Phú Đông huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với băng cướp của hai anh em Hoàng "Phổi" và Thâu "Ròm" và đồng bọn. Trong phiên tòa lưu động đó, nhận thức được sự nguy hiểm, manh động của các đối tượng nên một lực lượng lớn các cán bộ chiến sĩ công an đã được cắt cứ  để bảo vệ phiên tòa. Rất đông người dân ở địa phương đã có mặt tại phiên tòa để tận mắt nhìn thấy hai tên cướp trong băng cướp khét tiếng của gia đình Tám Lũy ngày nào.
Bà Tám Lũy là người có mặt tại phiên tòa xét xử lưu động sớm nhất. Ngày hôm đó, bà đứng phía dưới, nhìn hai đứa con của mình đang đứng trước vành móng ngựa mà mặt buồn rười rượi. Nhưng đáp lại ánh mắt đau đớn của mẹ, gương mặt Hoàng ráo hoảnh, lạnh lùng khi nhìn về phía người mẹ già của mình. Khi hai đứa con trai bị tòa tuyên án t‌ử hìn‌h, bà Tám Lũy chết điếng người. Đầu óc người đàn bà lừng lẫy giang hồ một thời đơn giản trước đó nghĩ rằng, vì hai đứa con của bà không trực tiếp gây án nên sẽ không bị xử nặng. Bản án đó, theo một cách nào đó, cũng là bản án tử hình đối với chính bà. Xã hội và Pháp Luật lên án những đứa con gây ra tội ác của bà. Nhưng bà Tám Lũy lại lên án chính mình. Bởi bà là người đã dẫn dắt những đứa con của mình vào đường tội lỗi.
Phiên toà phúc thẩm giữ nguyên bản án t‌ử hìn‌h đối với hai anh em Hoàng và Thâm, nên với bà niềm hy vọng duy nhất cho hai đứa con trai tử tù của bà là quyết định ân xá của chủ tịch Nước. Nhưng bà hiểu, đó chỉ là một niềm hy vọng mong manh.
Ở trong phòng giam tử tù, hai anh em Hoàng "Phổi" và Thâu "Ròm" luôn tỏ ra là kẻ không biết hối cải. Những ngày đầu vào trại, Thâu thường xuyên chửi bới không trừ một ai. Hắn chửi đời, chửi người, chửi cán bộ trại giam, chửi người anh trai bị giam cùng trong khu giam tử tù. Có một đêm giữa năm 2009, chủi mãi cũng chán hắn quyết định trốn trại. Khi đó, kiếm được một mấu sắt sắc nhọn, hắn đã dùng nó để cưa cùm chân rồi đục trần nhà trại giam hòng chui ra ngoài. Nhưng chưa kịp thực hiện âm mưu thì hắn đã bị phát hiện. Hắn bị khống chế và bị  giam trở lại ngay sau đó. Khi hỏi vì sao hắn định vượt ngục, hắn bảo biết chắc vượt cũng không vượt được nhưng làm thế để giải sầu, cho cuộc sống trong phòng giam tử tù đỡ nhàm chán, để những ngày ngồi chờ đợi cái chết không quá đơn điệu.
Những ngày hai người con trai nằm trong phòng giam tử tù của trại giam Công an tỉnh Đồng Nai, bà Tám Lũy vẫn thường xuyên lên thăm nom con. Nếu trước đó bà để ống heo dành tiền cưới vợ cho con thì giờ số tiền trong ống heo đó được bà lấy ra để đi mua quà thăm nuôi hai đứa con đang nằm chờ chết. Không ai hiểu khi đến thăm hai đứa con tử tù, bà nghĩ gì. Nhưng nhìn vào mắt bà, lúc nào người ta cũng thấy nước mắt trào ra. Có lẽ đó là lúc người đàn bà ngang dọc giang hồ một thời ân hận hơn bao giờ hết về tội lỗi trong quá khứ của mình.
Điều mà bà Tám Lũy, nữ tướng cướp miền đông lừng lẫy một thời cảm thấy may mắn nhất là chồng bà – ông Tám Lũy đã qua đời trước khi hai đứa con của bà thực hiện vụ cướp giết và bị tuyên án t‌ử hìn‌h. Ông Tám Lũy qua đời sau khi Hoàng "Phổi" đi tù về vài tháng, và trước khi hắn cùng Thâu ròm gây án cũng chỉ vài tháng.
Cả đời ông Tám sống lương thiện nhưng đến lúc chết vẫn không thể trả lời câu hỏi mình đã gây ra nghiệp chướng gì mà lại sinh ra một đàn con hung bạo đến thế. Ông Tám chết, câu hỏi đó đi theo ông xuống mồ. Bà Tám Lũy thì bảo may mà ông chết để không phải chứng kiến cảnh tượng này. Bởi nếu ông còn sống, có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho bà, vì đã làm hỏng những đứa con của ông. Như bà Tám nói thì ông Tám là người hạnh phúc, vì ông đã kịp ra đi đủ sớm để không phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng nhất. Chỉ có bà Tám là vẫn còn sống đó, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn để ngấm những nỗi đau và sự ân hận đến lúc chết. Bà Tám gọi đó là nghiệp chướng mà bà trả hết kiếp này cũng chưa hết.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật