Phân luồng học sinh sau trung học: Địa phương vào cuộc

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một thực tế là, địa phương nào, các tổ chức cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đến phân luồng thì làm được và làm hiệu quả. Và hiện không ít địa phương với những cách làm sáng tạo đã đem lại không khí mới cho bức tranh phân luồng.
Phân luồng học sinh sau trung học: Địa phương vào cuộc
Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương thực hành trên trang thiết bị hiện đại

Khi các địa phương thực sự vào cuộc

Nhiều năm qua, TPHCM đã tổ chức ngày hội thanh niên với nghề nghiệp, triển khai xuống đến quận, huyện, thu hút trên 40 nghìn học sinh tham gia mỗi năm. Đi sau, nhưng ngày hội này của Hà Nội cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt học sinh THPT đến dự và được tư vấn hướng nghiệp. Tiền Giang là tỉnh đi đầu trong việc thành lập 3 trường trung cấp chuyên nghiệp công lập trên địa bàn cấp huyện với mục tiêu vừa phân luồng học sinh, vừa đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương. Một số trường phổ thông dân tộc nội trú ở Lào Cai và Bắc Kạn có kinh nghiệm phối hợp rất tốt với Hội Khuyến học Việt Nam để dạy nghề nông nghiệp cho học sinh như trồng nấm, ghép cây ăn quả, chăn nuôi..., góp phần gắn nhà trường với việc làm.

Đặc biệt, để gắn học chữ với học nghề, một số địa phương đã chủ động sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp (KTTHHN) và Trung tâm dạy nghề vào làm một như Tây Ninh, Phú Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Đắc Lắc...

Ông Nguyễn Linh – Trưởng phòng GDTX tỉnh Quảng Ninh, cho biết, ngoài việc thể chế hóa công tác chỉ đạo về phân luồng đào tạo sau THCS; xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thúc đẩy phân luồng (hiện học sinh thuộc các xã khó khăn kết hợp học BTVH với học nghề hoặc học TCCN của tỉnh được trợ cấp 140.000 đ/tháng), một trong các giải pháp sáng tạo được tỉnh thực hiện là xây dựng các mô hình tổ chức cơ sở giáo dục đào tạo, xây dựng các mô hình đào tạo nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm học sinh để thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh sau THCS.

Nhiều mô hình đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp phổ thông có kết quả vững chắc

Từ năm 2011, Quảng Ninh đã thành lập các Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX trên cơ sở ghép 2 chức năng của Trung tâm GDTX và Trung tâm KTTHHN. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 13 Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX cấp huyện và 2 Trung tâm cấp tỉnh. Do có sự kết hợp các nhiệm vụ và phối hợp sức mạnh của đội ngũ giáo viên nên việc hướng nghiệp được tăng cường về chuyên môn và mở rộng diện tác động, đặc biệt là có sự tác động sớm từ bậc THCS trong cả hệ chính quy và hệ GDTX. Mô hình này cũng được UBND tỉnh giao thêm các nhiệm vụ đào tạo nghề ngắn hạn.

Năm 2006, Quảng Ninh thí điểm mô hình đào tạo “Phối hợp dạy chương trình GDTX cấp THPT với đào tạo TCCN hoặc trung cấp nghề”. Mô hình này được thực hiện song song tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề có đào tạo TCCN và trung cấp nghề và tại các Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở GDTX đặt trong 4 trường ĐH, CĐ trên địa bàn…

Ông Nguyễn Linh cho hay, do phần lớn thời gian được học tập tại địa phương nên đây là mô hình đào tạo đã và sẽ có tác dụng tốt cho việc phân luồng sau THCS vì nó phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh sau THCS; tận dụng được nguồn lực giáo viên; tiết kiệm chi phí của cơ sở đào tạo và gia đình học sinh; gắn chặt với nhu cầu lao động của cộng đồng; phối hợp chặt chẽ sự quản lý của cơ sở đào tạo với gia đình và xã hội; đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo cả về trình độ học vấn phổ thông và trình độ đào tạo nghề nghiệp.

Dù đã một số kết quả đạt được về phân luồng nhưng với Quảng Ninh cùng các tỉnh, thành khác trên cả nước, bài toán phân luồng vẫn chưa thực sự có lời giải “đẹp”. Với những khu vực vùng khó, học sinh tốt nghiệp THCS đúng độ tuổi (15 tuổi) về thể lực thường quá nhỏ, kinh tế lại khó khăn nên ngại đi học tại các trường chuyên nghiệp, chưa kể hệ thống các trường nghề tại các vùng này còn ít ỏi. Trong khi đó, khu vực đô thị và vùng kinh tế phát triển, các trường THPT ngoài công lập mở ra rất nhiều nên hầu hết trẻ tốt nghiệp THCS đều muốn và dễ dàng được nhận vào học THPT.

Nhiều học sinh nữ tốt nghiệp THCS chọn nghề may công nghiệp làm con đường phát triển tương lai

Trưởng Phòng GD Thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Lai Châu Hoàng Xuân Thạnh cho biết, khó khăn nhất đối với tỉnh hiện nay trong công tác phân luồng, ngoài vấn đề nhận thức của xã hội, của phụ huynh và học sinh còn là trình độ hạn chế của đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp và đặc biệt là thị trường lao động đối với tỉnh chưa có nhiều. Hiện toàn tỉnh Lai Châu chỉ có một trường CĐ cộng đồng (mới đi vào hoạt động từ năm 2008), 1 trường Trung cấp Y tế và 1 trường Trung cấp nghề. Việc liên kết giữa các trường và doanh nghiệp còn hạn chế. “Học sinh học nghề ra trường không xin được việc làm, đó là một lý do khiến tỷ lệ phân luồng học sinh THCS vào học TCCN rất thấp” -  ông Hoàng Xuân Thạnh cho hay.

Cần có sự thống nhất trong chỉ đạo

Theo ông Nguyễn Linh –  nên ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo thống nhất và quy định cụ thể trong toàn bộ hệ thống từ trung ương tới địa phương về phân luồng học sinh, đặc biệt là phân luồng sau THCS. Bên cạnh đó, thống nhất sự chỉ đạo gắn bó hơn nữa giữa hệ thống giáo dục phổ thông với hệ thống dạy nghề để tạo điều kiện liên thông giữa các luồng đào tạo...

Cùng quan điểm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường đề nghị thêm cần nghiên cứu để có thể giao trách nhiệm cho các trường chuyên nghiệp có đào tạo TCCN và dạy nghề tham gia cụ thể hơn vào việc phân luồng học sinh, thông qua việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh từ đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS; xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp trong nhà trường; xây dựng và triển khai bồi dưỡng giáo viên hướng nghiệp; tổ chức để cơ sở dạy nghề, người sử dụng lao động tham gia hướng nghiệp.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Phạm Văn Khanh kiến nghị, ngành giáo dục cần cụ thể hóa lộ trình, bước đi định hướng việc phân luồng học sinh sau THCS. Nên chăng đến năm 2015-2020 còn khoảng 65-60% học sinh sau THCS vào THPT, 40-35% đi vào các luồng còn lại và tăng dần tỷ lệ HS sau THCS vào TCCN, dạy nghề so với hiện nay. Bộ GD&ĐT cần có chương trình quốc gia hoặc chương trình mục tiêu cho phát triển GDNN, đặc biệt là tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cải tiến công tác GDHN tại các trường trung học. Ở những nơi có điều kiện chuyển dần chức năng, nhiệm vụ giáo dục KTTHHN từ các trung tâm KTTHHN hiện nay về các trường phổ thông. Về lâu dài, các trường THPT, THCS phải đảm nhận công tác giáo dục KTTHHN cho học sinh của mình. Những nơi có điều kiện nên sáp nhập trung tâm GDTX cấp huyện với các cơ sở khác như Trung tâm KTTHHN, trung tâm dạy nghề để nâng cao tính hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật