Hiểm họa tội phạm làm giả “sổ đỏ”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả được lực lượng Công an thành phố phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của loại tội phạm này. Không chỉ cá nhân mà các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của sổ đỏ giả.
Hiểm họa tội phạm làm giả “sổ đỏ”
Đinh Thị Đạt cùng tang vật

Nhận diện tội phạm làm sổ đỏ giả

Ngày 26-3-2013, Công an quận Kiến An bóc gỡ một đường dây chuyên làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cuối năm 2010, Đinh Thị Đạt (sinh năm 1971, ở số 31, đường Anh Đào, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vay của anh Bùi Dũng Tiến (sinh năm 1961, ở phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) 2,8 tỷ đồng để đầu tư làm ăn nhưng bị thua lỗ hết. Đến cuối năm 2012, Đạt nhờ một số đối tượng là người Hải Phòng làm các loại giấy tờ giả gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) mang tên Đạt; hợp đồng mua bán đất có giá trị hơn 72 tỷ đồng và các giấy tờ giả khác, để thể hiện khả năng kinh tế, tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ trong vài ngày, Đinh Thị Đạt nhận được đủ giấy tờ giả theo yêu cầu gồm: 3 giấy CNQSDĐ 517m2, cùng quyền sử dụng nhà, các tài sản gắn liền khách sạn Quang Vinh và căn hộ 26B đường Lê Duẩn (quận Kiến An), đứng tên Đinh Thị Đạt; 2 hợp đồng Tổng công ty Toyota mua thửa đất trên của Đinh Thị Đạt với giá 72,38 tỷ đồng, mỗi hợp đồng 2 bản; 1 bộ biên bản giả, nội dung biên bản Tổng công ty Toyota giao cho Đạt 1,4 tỷ đồng tiền đặt cọc mua thửa đất 517m2 vào đầu tháng 1-2013.

Có bộ giấy tờ giả như thật trong tay, Đinh Thị Đạt đưa cho anh Bùi Dũng Tiến 1 bản hợp đồng mua bán đất và 1 biên bản giao tiền nhằm tạo niềm tin để anh Tiến không đòi nợ nữa. Số còn lại, Đạt đặt vấn đề vay anh Cao Minh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thoa (ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) 2,8 tỷ đồng. Đạt còn đề nghị chị Thoa mở tài khoản ở ngân hàng, để khi Tổng công ty Toyota trả tiền mua đất sẽ chuyển thẳng số tiền vay vào tài khoản của chị Thoa. Việc vay tiền được thỏa thuận chia làm 2 lần. Ngày 20-3-2013 giao nhận 1,3 tỷ đồng và 22-3-2013 giao nhận số còn lại...

Khi thị Đạt đang làm thủ tục rút tiền từ tài khoản của vợ chồng anh Minh tại Ngân hàng CPTM Sài Gòn (thành phố Hạ Long), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an quận Kiến An) bất ngờ xuất hiện bắt quả tang. Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn làm rõ: Đinh Thị Đạt với thủ đoạn tương tự, đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị Phạm Thị Huyền (ở số 26 đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gần 3 tỷ đồng; lừa đảo, chiếm đoạt của anh Bùi Dũng Tiến (sinh năm 1961, ở phường Yết Kiêu, cùng thành phố Hạ Long) 2,8 tỷ đồng.

Làm thế nào để phòng ngừa sổ đỏ giả ?

Theo các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an quận Kiến An), đường dây làm giả sổ đỏ nói trên rất tinh vi, các đối tượng có thể làm giả một phần, song có lúc chúng làm giả hoàn toàn (con dấu, chữ ký của các cơ quan cấp sổ đỏ đều được làm giả). Có khi trên một quyển sổ, chúng cùng lúc sử dụng nhiều phương pháp làm giả khác nhau. thủ đoạn làm giả thường là dùng "sổ đỏ" thật, cho lên máy scan để lấy bản mẫu. Khi đã có phôi, chúng đưa lên máy tính, chèn các nội dung cần thiết rồi sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp sổ đỏ. Có trường hợp quyển sổ đỏ là thật nhưng toàn bộ thông tin ghi trong đó đều đã bị đối tượng thay đổi, tẩy xóa... Với các thủ thuật trên, việc phát hiện và phân biệt được giả, thật không dễ dàng. Từ thực tế các vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trên cho thấy, nạn nhân của sổ đỏ giả, không chỉ là cá nhân mà còn là các cơ sở kinh doanh lớn như ngân hàng, các công ty và tổ chức tín dụng…Trong các vụ án có thủ đoạn tương tự, việc phát hiện tội phạm thường quá muộn, thông thường là khi các giao dịch đã hoàn thành nên người bị hại rơi vào tình trạng "chờ được vạ thì má đã sưng"…

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, để tránh gặp sổ đỏ giả, những người có nhu cầu giao dịch, kể cả cá nhân và các tổ chức, cần phải biết nguồn gốc nhà ở, đất đai. Ngoài việc đến vị trí đất và căn hộ ghi trên sổ đỏ để xác minh cũng nên tới văn phòng nhà đất của quận, huyện kiểm tra các vấn đề như tranh chấp, thế chấp, đặt, cho, chuyển nhượng… Trong trường hợp sổ đỏ có liên quan đến việc ủy quyền, phải đến văn phòng công chứng, kiểm tra xem hợp đồng chuyển nhượng đúng là được thực hiện ở phòng công chứng này không. Nếu giao dịch tiến hành thành công thì nên tiếp tục thực hiện ủy quyền ngay tại phòng công chứng đó…

Việc phát hiện sớm và ngăn chặn loại tội phạm làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, trong đó có sổ đỏ giả hiện nay là rất cần thiết. Người dân và các cơ quan, doanh nghiệp tự phòng ngừa, bản thân họ tránh được thiệt hại, phía cơ quan điều tra cũng không phải tốn nhiều công sức trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý loại tội phạm này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật