Nhắm hờ đôi mắt

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuổi thọ hôn nhân ngày một ngắn ngủi, đôi khi còn ngắn hơn cả hợp đồng thuê nhà.
Nhắm hờ đôi mắt
Đôi khi chúng ta quá khắt khe với tình yêu mà mình đang có (Ảnh minh họa)

Cách đây vài tuần tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại 6h sáng, quá kinh khủng cho một nàng cú đêm lúc nào cũng thức đến giữa khuya. Chưa kịp càu nhàu thì đầu dây bên kia, giọng của chị đã nức nở vang lên “Chị sẽ ly dị chồng em ơi. Bên nhà nội muốn giành cháu đích tôn. Em có cách nào để chắc chắn chị được nuôi thằng T. không?”. T là con trai chị, 28 tháng. Luật ly hôn có chỉ ra nếu con cái dưới 3 tuổi sẽ được trực tiếp giao cho người mẹ nuôi dưỡng. Nhưng thật sự rất khó để khuyên chị rằng hãy kết thúc cuộc hôn nhân càng nhanh càng tốt để có được lợi thế này.

Chị kết hôn ngay khi tốt nghiệp đại học, với mối tình đầu. Yêu nhau hơn 5 năm, hai người bị thực tế hôn nhân đánh cho tơi tả. Đơn giản chỉ là chuyện anh thường trích ½ lương để đưa mẹ, thay vì đưa hết cho vợ. Còn chị thì đinh ninh mẹ chồng làm vậy là quá tham lam. Thế là từ tranh cãi chuyển thành chiến tranh lạnh, rồi “leo thang” thành vũ lực và kết thúc bằng cảm giác “Chị không thể sống trong cùng căn nhà với những con người ngang ngược đó nữa”. Từng có một khoảng thời gian tôi đâm sợ các cuộc gặp gỡ cà phê tám chuyện với hội chị em phụ nữ. Vì quá mệt mỏi với những câu chuyện về người đàn ông của đời họ, những người yêu – ngư‌ời tìn‌h – người chồng. Những câu chuyện ngập tràn sự thất vọng. Bằng cách nào đó, họ đã gặp được những con người vô tâm, hờ hững, không có chí cầu tiến, vô trách nhiệm, lăng nhăng, keo kiệt, Sở Khanh, hèn nhát… Ai cũng có một kịch bản, mà trong đó họ đóng vai nữ chính với trái tim tả tơi. Một người bạn vô cùng ngọt ngào của tôi, người luôn lạc quan và không thể sống thiếu tình yêu – một hôm bỗng thở dài tuyên bố: Đàn-ông-thật-xấu và Tôi-không-tin-vào-đàn-ông-nữa. Tuổi thọ hôn nhân ngày một ngắn ngủi, đôi khi còn ngắn hơn cả hợp đồng thuê nhà mà hai vợ chồng kí khi quyết định sống cùng nhau. Đó là một phần lý do mà càng ngày người ta càng chần chừ trước quyết định gắn bó cùng ai đó. Bởi hoang mang trước năng lực giữ gìn lâu dài mối quan hệ ấy. Hoang mang rằng mình mong một mái ấm mà lại gặp những hiên nhà, hay tệ hơn, gặp… một cái toilet (nơi người ở trong thì muốn ra mà người ở ngoài thì muốn vào).

Thế rồi hôm qua, tình cờ tôi xem được chương trình phỏng vấn diễn viên Ichimura Masachika, 63 tuổi, một tên tuổi lớn của giải trí Nhật Bản. Khi được yêu cầu dùng 3 từ để chỉ ra những điều đáng yêu nhất của vợ, ông trả lời rằng – chỉ 1 từ là đủ. Là “everything” – tất cả mọi thứ. “Không phải vì cô ấy hoàn hảo, mà là tôi phải yêu cả những điều đáng ghét của cô ấy”. Tất nhiên, không phải người đàn ông nào cũng đủ sức làm chồng yêu mình đến vậy. Nhưng ông đã nhắc nhở tôi nhớ về một điều vô cùng quan trọng: Đôi khi chúng ta quá khắt khe với tình yêu mà mình đang có. Ta đòi hỏi “everything” đều hoàn hảo, mà không nhận ra trong cái toàn bộ chắc chắn chứa đựng cả những thứ không như ý. Cầu toàn trong công việc có thể đem lại nhiều thành công, nhưng cầu toàn trong tình cảm sẽ đem đến nhiều mệt mỏi.

Bí quyết của một cuộc hôn nhân bền vững không phải là hai người cực kì hoàn hảo sống với nhau, mà là… một chiếc ly thủng (Ảnh minh họa)

Tôi lại nhớ câu chuyện về một cô nàng có chồng ngủ ngáy siêu to, và lại còn nghiến răng nữa chứ. Cô ấy kể rất hài hước, rằng một lần đang ngủ thì nằm mơ thấy ác mộng. Mặt đất chao đảo, núi lửa phun trào tạo ra những âm thanh kinh thiên động địa. Giật mình ngồi bật dậ‌y th‌ì nhận ra, cái tiếng núi lở đất rung kia phát ra từ chồng mình. Thời gian đầu, cô ấy cáu tiết lắm. Cứ than thở rằng mình chỉ mong được như “em Vàng Anh” – ngủ một đêm ngon giấc. Rồi cô mặt nặng mày nhẹ với chồng, mắng anh là Trư Bát Giới đầu thai. Cô hận mình sao ngày xưa dám cưới một anh dư cân, lại hút thuốc để bây giờ phải khổ sở thế này. Sau khi cáu kỉnh đủ, thì một ngày cô ngồi nghĩ – mình có còn muốn sống với chồng nữa không? Có! Vậy tại sao ngày nào mình cũng nghĩ đến những chuyện không vui về chồng mình? Vậy là từ đó, cô nàng tìm cách thích nghi. Ngủ với chiếc ipod mở nhạc hòa tấu. Đổi đầu nằm. Đổi giường ngủ. Yêu cầu anh chồng thức chờ cô ngủ trước. Vậy là yên ổn, và cảm thấy thoải mái. Tất nhiên, giải pháp nào cũng có hạn chế và vẫn có đêm cô nằm mơ thấy thiên tai, nhưng cô ấy không còn tức tối với chồng nữa. Sống cùng nhau đôi khi đơn giản là thế này: Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề, tại sao phải lo lắng. Nếu bạn không thể giải quyết nó, lo lắng có ích gì? (Shantideva – Bồ Tất Hạnh).

Có người lại bảo rằng, chính vì yêu nên mới kì vọng và nếu ngừng hi vọng, phải chăng cũng là lúc buông tay. Thế nên càng vun đắp cho hôn nhân, đổi lại chính là cảm giác mệt mỏi chán chường… Nghe bi kịch nhỉ? Nhưng tôi lại nghĩ, chính vì dễ thất vọng về nhau nên ta mới phải không ngừng kì vọng. Kì vọng để tạo ra một sự tuần hoàn liên hồi nhằm cứu vớt cảm giác thất vọng. Để tạo nên những cơ hội thứ hai cho nhau. Nếu hôm nay anh ấy quên hôn bạn khi đi làm, hãy chủ động dành cho anh ấy một nụ hôn khi về nhà. Nếu hôm nay anh ta để bạn đợi chờ trong bữa tối, hãy nhớ đến lúc anh ấy vì bạn mà nấu thức ăn. Nếu anh ấy đã từng phản bội bạn, thì hãy cứ mỉm cười trước những bù đắp đang có – như thể chúng có xuất phát điểm 100% từ tình tình yêu, chứ không phải sự đền tội. Bí quyết của một cuộc hôn nhân bền vững không phải là hai người cực kì hoàn hảo sống với nhau, mà là… một chiếc ly thủng. Chiếc ly của sự chịu đựng, mà từng giây phút ở bên nhau chúng ta đã không ngừng cất giữ vào đó những sự thất vọng, đau khổ, tổn thương dành cho nhau. Để đến khi một giọt nước nhỏ cũng làm tràn ly, ta không còn chọn lựa nào khác là xóa bỏ hết tất cả những tình cảm dành cho nhau. Đó cũng là lý do mà đôi khi, chúng ta bị tấn công bởi chính sự sâu sắc tinh tế của mình. Thôi thì hãy cứ đục thủng chiếc ly ngay từ đầu, để những lỗi lầm trôi tuột vào hố đen trí nhớ và không có cơ hội đầ‌u độ‌c mối quan hệ tốt đẹp mà ta đang có. Để những hạt sạn trong cuộc hôn nhân biến thành cát trên sa mạc, thay vì cát trong đáy mắt. Bằng cách nhắm hờ mắt. Trong bộ phim Alice ở phố Cheongdamdong, cặp đôi chính trong phim đến từ hai thế giới quá khác biệt. Chàng muốn tìm thấy tình yêu thuần khiết từ một cô gái trong sáng, còn nàng ngoài tình ra còn cần một cơ hội để đổi đời. Cả hai đã có giây phút vỡ mộng về nhau, nhưng rồi vẫn có một cái kết hạnh phúc. Lời thoại cuối phim chính là “Kết thúc thực sự của Alice lạc vào xứ sở thần tiên, không phải là Alice bừng tỉnh khỏi giấc mộng. Mà là nhắm hờ đôi mắt, chỉ tin một nửa vào những chuyện kỳ diệu mà chúng ta gặp phải. Tuy biết chỉ cần mở mắt ra, mọi thứ sẽ trở về hiện thực”.

Hãy chấp nhận sự thật rằng không có ai chung một thế giới với người khác – dù đó có là người đã hứa nắm tay bạn đến phút cuối cùng. Và điều chúng ta có thể làm, chính là nhắm hờ mắt. Không phải để lãng quên thực tại, mà để dung hào hai thế giới với nhau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật