Nửa thế kỷ thăng trầm cùng tiếng sáo

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bị hút hồn bởi cây sáo ngay từ lúc mới chỉ mới 4 – 5 tuổi, NSƯT Triệu Tiến Vượng đã gắn bó cả đời mình với niềm đam mê đó. Ở Việt Nam hiện nay, ông gần như là người duy nhất dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, biên soạn giáo trình cho người học sáo. Biểu diễn, dạy học, làm sáo, viết sách, người nghệ sĩ này như một bản nhạc nhiều cung bậc vút bay theo tiếng sáo mê ly.
Nửa thế kỷ thăng trầm cùng tiếng sáo
Cây sáo là niềm đam mê lớn nhất trong suốt nửa thế kỉ của nghệ sĩ Triệu Tiến Vượng.

Dù đã gắn bó với cây sáo suốt 50 năm qua nhưng mỗi khi thổi sáo, ông lại thấy một niềm vui mới; mỗi lần nghe tiếng sáo, ông lại phát hiện thêm những điều mới mẻ. Bởi vậy, chưa một phút giây nào ông cảm thấy cây sáo hết bí ẩn. Ông bảo "Tiếng sáo dân tộc mình đẹp và mênh mông lắm. Tôi như con cá giữa đại dương, càng bơi càng thấy rộng, càng bơi càng thấy ham thích, bơi mãi mà vẫn chưa thấy hết bến bờ của nó”.
Là một người thầy tâm huyết, ông luôn trăn trở với những bước thăng trầm của âm nhạc dân tộc. Vài năm gần đây, thấy phong trào chơi sáo ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu sôi nổi trở lại, ông vô cùng vui sướng. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là một nỗi lo sợ mơ hồ khi ông chợt nhận ra tiếng sáo mà nhiều người đang chơi không phải là tiếng sáo dân tộc, không mang âm hưởng dân gian Việt Nam…
Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông mới biết được nguyên nhân sâu sa của hiện tượng đó. Không phải vì giới trẻ Việt Nam không yêu nhạc dân tộc, không thích chơi những bản nhạc tha thiết của quê hương mình mà vì trong quá trình học sáo, họ có quá ít cơ hội được tiếp xúc với những tinh hoa của sáo Việt Nam. Phần lớn những người học sáo hiện nay đều tự học qua bạn bè, người thân và tìm tài liệu trên Internet. Trong khi đó, các tài liệu về sáo Trung Quốc từ giáo trình, sách nhạc, đến Video clip biểu diễn... được đăng tải tràn lan trên mạng, nhiều đến nỗi không có sức mà xem, còn những tài liệu dạy về sáo Việt Nam thì gần như không có. Chính vì thế, một cách vô hình, sáo Trung Quốc từng ngày từng ngày ảnh hưởng sâu đậm đến người chơi, ngấm dần vào phong cách của họ từ giai điệu đến kỹ thuật chơi.
Với tấm lòng của một người nghệ sĩ, ông cho rằng đã là người chơi sáo thì phải biết yêu quý, trân trọng những giai điệu tổ quốc mình. Trong đó, người chơi phải thổi vào đó hồn dân tộc để người nghe có thể nhận ra đó là giai điệu mang âm hưởng Bắc Bộ, Trung Bộ hay Nam Bộ khi tiếng sáo cất lên. Bằng tâm huyết cả đời của một người thầy dạy nhạc, bằng niềm đam mê bất tận dành cho cây sáo, NSƯT Triệu Tiến Vượng đã bỏ không biết bao nhiêu công sức để biên soạn nên những cuốn sách, giáo trình vô cùng quan trọng và cần thiết cho người học sáo. Trong tình trạng khan hiếm tài liệu về sáo như hiện nay, mỗi quyển sách của ông đều quý hơn vàng. Những quyển "100 bài tập dành cho sáo trúc” hay "Sách học sáo Mèo” được các bạn trẻ yêu sáo coi trọng như bảo bối. Có những quyển sách chỉ cần 1- 2 năm ông đã viết xong, nhưng có những quyển mất đến vài chục năm mới hoàn thành.
Trong căn phòng khách được trang trí một cách nhẹ nhàng, tinh tế, ông rót cho tôi một bát chè xanh và lôi ra một chiếc túi vải "khổng lồ” đựng hàng trăm cây sáo. Nghe kể về lai lịch của chúng, tôi mới biết để có được một cây sáo ưng ý, ông đã phải mất nhiều công sức đến nhường nào.
Những giáo trình học sáo
do NSƯT Triệu Tiến Vượng biên soạn
Một cây sáo tốt phải đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố về chất lượng âm thanh, sự chuẩn xác của cao độ và đẹp. Để đạt được những yêu cầu đó, cây sáo phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn trúc, nứa. Theo kinh nghiệm mấy chục năm làm sáo của mình, ông ít chọn trúc bởi trúc thường có rất nhiều mắt, ống ngắn khiến độ dày mỏng của thân không đều trong khi đó thân nứa ít mắt hơn, ống dài hơn sẽ cho âm thanh chuẩn hơn. Công đoạn chọn nứa cũng không ít gian nan. Nhiều khi chui rúc cả ngày trong rừng rậm, chịu cảnh gai cào, côn trùng đốt để tìm cho được những cây nứa tốt đem về làm sáo.
Nứa mọc ở mỗi vùng lại cho chất lượng âm thanh khác nhau. Nứa mọc ở nơi khô cằn, tiếng sẽ bị khô. Nứa mọc ở nơi ngập úng, tiếng sẽ bị đục. Chỉ có nứa sống ở nơi có địa hình đẹp, khí hậu tốt, đầy đủ cung bậc thời tiết của cả 4 mùa xuân – hạ – thu – đông mới có được những âm thanh trong sáng tuyệt vời. Bởi vậy, ở Việt Nam, nứa miền Bắc bao giờ cũng cho chất lượng âm thanh tốt hơn ở miền Nam.
Nứa được mang về tiếp tục trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên được cắt ra thành từng ống theo một đường tròn quanh mắt nứa, phải khéo léo để tránh ống nứa bị giập. Sau đó các ống nứa sẽ được dựng đứng trong bóng râm một thời gian khá dài khoảng vài tuần, sau đó phơi nắng nhưng chỉ phơi trong nắng nhẹ lúc sáng sớm hoặc chiều tối đồng thời giở đi giở lại liên tục trong lúc phơi khoảng vài tuần để nứa có được màu sắc đẹp nhất, tự nhiên nhất….
Sau khi khoét lỗ, cho sáo vào luộc trong nước vôi để tiêu diệt, loại bỏ, phòng ngừa tất cả các loại vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến độ bền của sáo. Treo sáo ở nơi thoáng mát để khô tự nhiên. Lúc này, chúng ta mới điều chỉnh âm thanh lần cuối như mình mong muốn. Trải qua nhiều công đoạn là thế, công phu như thế nhưng đôi khi, chỉ vì một lỗi kỹ thuật nhỏ, ông đành phải bỏ đi những thanh nứa ưng ý nhất mà mình đã phải mất 5 năm chờ đợi cho một quá trình tự khô của nó.
Để minh chứng cho chất lượng cũng như "cá tính” của mỗi cây sáo, ông bắt đầu thổi cho tôi nghe những giai điệu quen thuộc của "Bèo dạt mây trôi”, "Người ở đừng về”, "Ru con”, "Lý hoài Nam”... Những ngón tay của ông lướt trên cây sáo như thôi miên khiến tôi không thể theo kịp những chuyển động nhịp nhàng đầy biến ảo của nó. Tiếng sáo ngân nga khiến tôi có cảm giác căn phòng cứ rộng thêm ra mãi và xung quanh mình là những bờ tre, bến nước, con đò, là đồng lúa xanh non là khói chiều bảng lảng... nghe rưng rưng một nỗi nhớ nhà. Tiếng sáo khi cao vút lên tận mây xanh như hàng nghìn con én nhỏ đang tung đôi cánh, khi lại sâu lắng, dịu dàng, thiết tha tình cảm thức dậy muôn vàn những cảm xúc. Nghe tiếng sáo mà như có cả tiếng lòng người thổi sáo…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật