Thách thức ô nhiễm trên sông Sê Rê Pốk

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiến hành lấy mẫu nước xả thải của Công ty cồn Đại Việt kiểm tra, xét nghiệm cho thấy chất thải vượt tiêu 1-5 lần
Thách thức ô nhiễm trên sông Sê Rê Pốk
Một cửa nước thải của Khu công nghiệp Tâm Thắng thải ra sông Sêrêpốc

Sông Sê Rê Pốk chảy qua thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, đoạn giáp ranh với huyện Chư Dút, tỉnh Đắc Nông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Tâm Thắng (KCN), huyện Chư Dút xả thải. Điều đáng bàn ở đây là việc ô nhiễm trầm trọng dòng sông đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng và người dân địa phương biết rất rõ, nhưng vẫn tồn tại như để thách thức dư luận.

Theo phản ánh của chính quyền và người dân huyện Chư Dút, tỉnh Đắc Nông, phóng viên Đài TNVN đã có mặt tại Nhà máy sản xuất cồn Đại Việt thuộc KCN Tâm Thắng, huyện Chư Dút để tìm hiểu thực tế việc có hay không việc đơn vị này xả thải gây ô nhiễm sông Sê Rê Pốk. 

Làm việc với lãnh đạo Nhà máy, ông Dương Việt Hùng, Phó giám đốc khẳng định: Từ khi xây dựng năm 2006, đơn vị đã chủ động đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải với khối lượng bể chứa là 26.000 m3 với hệ thống lắng, lọc, bể biogas khá đồng bộ.

Tuy nhiên, qua những gì chúng tôi thấy được, hệ thống xử lý nước thải ở đây hầu như ngừng hoạt động. Bể lắng đã được đơn vị này để khô khá lâu và cho máy xúc múc nham nhở, bụi đen bay mù mịt. Nhưng khi đề nghị được tìm hiểu thêm hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, ông Hùng đã từ chối với lý do: Nhà máy cần bí mật về công nghệ!

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên tới thôn 11, xã Tâm Thắng, nơi có dòng suối hứng chịu nước thải của các nhà máy. Tại cửa suối đổ ra dòng sông, nguồn nước nhờ nhờ đục, giống như màu nước thải máy cồn Đại Việt. Ô nhiễm khiến dòng sông bốc mùi nồng nặc. Thế nhưng, ông Dương Việt Hùng, Phó giám đốc Nhà máy sản xuất cồn Đại Việt cho rằng, không riêng gì doanh nghiệp mình phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra: “Tất nhiên trong quá trình xử lý thì có mùi hội của khí biogas. Ở KCN có rất nhiều nhà máy, rất nhiều mùi hôi. Mùi hôi đó xuất phát từ nhà máy nào thì chưa rõ ràng. Theo tôi khoảng cách hôi đó không đáng. Tất nhiên bảo vệ môi trường chung mỗi nhà máy đều có một trách nhiệm. Vấn đề mùi hôi đó xuất phát thế nào, chúng tôi đề nghị các cơ quan chính quyền làm cho rõ”.

Các hộ dân sống cạnh đường dẫn nước thải cho biết: Mỗi ngày các nhà máy từ KCN Tâm Thắng xả thải hai đến ba lần, chủ yếu vào thời điểm rạng sáng, chiều tối và nửa đêm. Mỗi lần như vậy, người dân không chỉ ở Tâm Thắng, mà cả thị trấn Ea Tlinh, huyện Chư Dút, cũng bị tr‌a tấ‌n bởi ô nhiễm.

Chị Võ Thị Nhung ở thôn 11, xã Tâm Thắng và anh Vũ Hữu Hạnh, ở thị trấn Ea Tling, huyện Chư Dút, cho biết: “Ở đây mùi thối không chịu được, nhất là về đêm.  Đêm đến nhà máy xả nước xuống. Mùi thối nhức đầu không chịu nổi".

“Cứ khoảng 6, 7 h chiều cho tới đêm không khí nặng mùi sú uế, rất khó chịu. Mùi này ảnh hưởng nhiều đến hô hấp. Còn các vấn đề bệnh tật khác người dân cũng chưa biết sẽ thế nào. Ở KCN này về mùa nắng mà sản xuất thì chỉ có nhà máy cồn thải ra chất thải đó, bã của mía đường cũng vậy. Cả vùng Chư Dút rất hôi”.

Trước việc bức xúc của người dân về việc các công ty xả chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, ngày 28/1 Sở TN -MT tỉnh Đắc Nông đã tiến hành lấy mẫu nước xả thải của Công ty cồn Đại Việt để kiểm tra, xét nghiệm và cho thấy Công ty này đã xả chất thải vượt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 lần cho phép. Ngày 1/3, Sở TN- MT tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định xử phạt hành chính Nhà máy cồn Đại Việt. Cùng với đó, UBND tỉnh Đắc Nông cũng có văn bản yêu cầu đơn vị này ngưng việc xả thải và nhanh chóng có biện pháp xử lý. Thế nhưng, đơn vị này vẫn phớt lờ và tiếp tục lén lút xả thải.

Ngày 11/3, Phòng TN-MT huyện Chư Dút tiếp tục có công văn gửi Sở TN-MT và khẳng định: Nhà máy cồn thuộc KCN Tâm Thắng đã thải vào môi trường mùi hôi thối rất khó chịu, mùi bay lên nồng nặc, thường xuyên diễn ra lặp đi lặp lại cả ngày lẫn đêm. Phòng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắc Nông sớm vào cuộc và có biện pháp giải quyết. Và trong khi chờ, dòng Sê Rê Pốk, người dân phía hạ lưu và nhân dân xã Tâm Thắng, thị trấn Ea Tlinh, huyện Chư Dut, tỉnh Đắc Nông, vẫn phải sống chung với ô nhiễm nặng nề.

Không chỉ có nhà máy cồn Đại Việt, mà nhiều nhà máy ở khu công nghiệp Tâm Thắng, tỉnh Đắc Nông cũng xả thải gây ô nhiễm môi trường như: Nhà máy đường Đắc Nông, các nhà máy sản xuất phân vi sinh…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật