Chưa thích hợp để áp dụng mô hình Thị trưởng

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Đức cho biết, dù mô hình thị trưởng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý đô thị nhưng ở ta chưa thể áp dụng mô hình này.
Chưa thích hợp để áp dụng mô hình Thị trưởng
Ông Nguyễn Hữu Đức
PV: Được biết, trong 3 phương án cho mô hình chính quyền đô thị, Bộ Nội vụ chọn phương án 1. Ông có thể cho biết những lý do dẫn đến sự lựa chọn này?
Ông Nguyễn Hữu Đức: Tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận,  huyện, phường gần 4 năm, đến nay Bộ Nội vụ đã trình chính phủ và các thành viên chính phủ cho ý kiến về việc tổng kết này. Qua điều tra dư luận xã hội học thì có đến 79% người được hỏi ở 10 tỉnh thí điểm đồng tình không tổ chức HĐND. Ở những địa phương không tổ chức thí điểm cũng có trên 70% người được hỏi cũng đồng ý không tổ chức HĐND. Vì vậy, trong 3 phương án xây dựng về mô hình chính quyền đô thị, chúng tôi lựa chọn phương án 1 và đề nghị nhân rộng việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ra cả nước.
Theo phương án 1,  sẽ áp dụng thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường rộng ra trong phạm vi cả nước. Trong Đề án chúng tôi cũng đưa ra đề xuất mới là, ở quận, huyện, phường cũng không tổ chức Ủy ban hành chính (UBND hiện nay) mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn quận, huyện, phường. Như vậy, theo phương án 1, khu nội thành, nội thị chỉ có một cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban hành chính), không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính trực thuộc (quận, phường). Khu vực ngoại thành, ngoại thị chỉ tổ chức cấp chính quyền ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện. Các đơn vị hành chính quận, huyện, phường không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và Ủy ban hành chính) sẽ tổ chức Ban đại diện hành chính của thành phố tại địa bàn quận, huyện và ban đại diện hành chính quận tại địa bàn phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.
Ông có tin rằng, việc áp dụng mô hình theo phương án 1 sẽ giúp hiệu lực quản lý nhà nước tăng hơn so với hiện nay?
- Về vấn đề này, qua tổng kết đã cho thấy một số điều hành của UBND được kịp thời, thông suốt và phù hợp với mô hình đô thị. Thực tế cho thấy dù  không tổ chức HĐND ở 10 địa phương trên cả nước các đơn vị này vẫn đảm bảo được sự ổn định.
Nhưng việc bớt đi HĐND ở 3 cấp, cũng có nghĩa là bớt đi các cơ hội được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như khúc mắc, bức xúc của người dân?
- Tôi không cho rằng như vậy. Bởi khi không tổ chức HĐND ở 3 cấp này thì chúng tôi đã đề xuất tăng thêm 2 ban là ban Dân nguyện và Quản lý đô thị và tăng thêm số đại biểu của HĐND cấp tỉnh để tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách ở những nơi không còn tổ chức HĐND. Những cơ quan này sẽ tăng cường trách nhiệm nhằm đảm bảo phản ánh kiến nghị người dân vẫn kịp thời. Ngoài các cơ quan trên, việc giám sát, phản biện của nhân dân cũng sẽ được tăng cường thông qua hệ thống MTTQ các cấp, cũng như các đoàn thể chính trị xã hội.
Hiện, có nhiều ý kiến tỏ ra hào hứng với phương án thứ 3 - thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là Tòa Thị chính. Đứng đầu Tòa Thị chính là Thị trưởng. Vì sao phương án này không được Bộ Nội vụ lựa chọn?
- Khi thiết kế các mô hình cho chính quyền đô thi, chúng tôi đã nêu lên những xu hướng phát triển của các đô thị các nước cũng như thực tiễn ở Việt Nam. Mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam là trong đô thị có nông thôn và trong nông thôn lại có cả các đơn vị hành chính đô thị. Thực tiễn hình thành đô thị của Việt Nam có khác các nước. Vì vậy, trong quá trình vận hành với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, thì cần có bước đi thích hợp nên chúng tôi đề xuất chưa chọn mô hình này.
Vậy Bộ Nội vụ sẽ kiến nghị về mô hình chính quyền đô thị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như thế nào? thưa ông!
- Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các văn kiện của Đảng, các Hiến pháp và các văn bản quy phạm Pháp Luật liên quan đến chính quyền địa phương; kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, các đặc điểm của đô thị phân biệt với nông thôn, các đặc thù của đô thị Việt Nam hiện nay, đánh giá hiện trạng tổ chức chính quyền địa phương (trong đó có chính quyền đô thị) và tham khảo kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của các nước. Chúng tôi đề nghị chế định trong Hiến pháp một điều về chính quyền địa phương gồm chính quyền đô thị và nông thôn.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật