Sau 30/6: Vẫn chủ động kiểm soát, tránh biến động giá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Sau thời điểm 30/6, Chính phủ có phương án cụ thể về giá”- Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí như vậy bên lề phiên họp Quốc hội, cuối tuần qua

Bộ trưởng Tài chính khẳng định, Chính phủ sẽ chủ động kiểm soát, không để biến động về giá ảnh hưởng tới người dân.

Chủ động đối phó

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: Mục tiêu của ta hiện nay đang ưu tiên chống lạm phát. Nên phải “chịu đau”, ngân sách vẫn phải gánh mức bù lỗ, xăng, dầu lớn. Nhưng về lâu dài thì không mãi thế được.

Ông Ninh cho biết, thời điểm sau 30/ 6, Chính phủ cũng đang có tính toán. “Chính phủ sẽ tính toán phương án cụ thể, tùy tình hình giá cả, chiều hướng diễn biến. Việc này phải bàn kỹ chưa thể nói ngay được”- Bộ trưởng Tài chính nói.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết là mức bù lỗ giá dầu từ đầu năm tới nay do giá dầu thế giới tăng đã là khoảng 4 nghìn rưởi tỷ đồng (4 tháng đầu năm). Còn hai tháng vừa rồi, Chính phủ vẫn đang tính toán tiếp.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng, cũng ảnh hưởng tới giá dầu thô của ta xuất khẩu ra ngoài, Bộ trưởng Tài chính nói, đương nhiên phải tính toán cụ thể. Nhưng ta cũng đang có lợi thế là giá dầu lên, xuất khẩu sẽ có lợi.

Trên cơ sở tính toán khoản thu được và với cái chi ra, để cân đối tổng thể. Từ đó sẽ có phương án cụ thể. Lợi thế của mình là có dầu thô xuất khẩu với số lượng khá lớn, khoảng 15 triệu tấn/năm - đó cũng là nguồn hỗ trợ, bù cho xăng dầu.

Nhưng không thể bù lỗ vô lý

“Lợi thế của mình là có dầu thô xuất khẩu với số lượng khá lớn, khoảng 15 triệu tấn/năm - đó cũng là nguồn hỗ trợ để bù lỗ cho xăng dầu”.Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.

Trao đổi với báo chí về việc nếu không tăng giá thì sức ép vẫn ở phía trước, còn bù giá thì vẫn vô lý, và Nhà nước cũng chỉ có thể chịu đựng đến một mức nào đó, Bộ trưởng Tài chính nói: “Đúng như vậy, nếu vẫn giữ giá như thế này là không có lợi”.

Ông phân tích, thứ nhất, nó phản ánh hạch toán kinh tế không chuẩn, các ngành sử dụng đầu vào không chỉ xăng dầu; thứ hai là bao cấp tràn lan, thậm chí tạo ra cả buôn lậu, kiểm soát rất khó.

Cho nên lâu dài, theo Bộ trưởng Ninh, dứt khoát phải theo giá thị trường. Chúng ta lựa chọn định hướng đó, phải điều hành theo thị trường. Ông Ninh cũng lo ngại rằng, mỗi lần tăng giá xăng dầu thì nhiều mặt hàng cũng “ăn theo”, khó kiểm soát. Nhưng đầu vào tăng thì tác động đến các mặt hàng khác. Vấn đề là tăng như thế nào cho hợp lý và kiểm soát được tình hình không tát nước theo mưa.

Về giải pháp, Chính phủ phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ khác nữa, chứ không chỉ áp dụng một giải pháp nào đó có thể thực hiện được. Ví dụ, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, các đầu mối nhập khẩu. “Trung ương phải kiểm soát, các bộ, ngành địa phương cũng phải kiểm soát mới được”- Bộ trưởng Ninh nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật