Cấm mua ô tô bằng tiền mặt: Có khả thi?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo một nghị định, trong đó có quy định về việc cấm mua ô tô bằng tiền mặt.
Cấm mua ô tô bằng tiền mặt: Có khả thi?
Ảnh minh họa

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu nghị định này có khả thi đối với việc mua ô tô thanh toán qua ngân hàng?

Theo Dự thảo Nghị định Thanh toán bằng tiền mặt đang được lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán khi mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô, bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức.

Các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này, khi thanh toán cho tổ chức, cá nhân với số tiền vượt hạn mức thì các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt.

Mục đích quy định này nhằm phòng, chống tình trạng tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước...

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu dự thảo này có thực sự khả thi khi việc sử dụng tiền mặt đã trở thành một thói quen chưa dễ xóa bỏ?

Theo các báo cáo từ phía ngân hàng thì tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong dân vẫn còn khá cao. Năm 2001, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 23,4%.

Những năm sau đó, tỷ lệ này có giảm 1%-2% nhưng lại chững lại trong những năm gần đây. Năm 2008, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 14,6%, năm 2009 là 14,01% nhưng năm 2010 lại tăng lên 14,2%.

Và dù cả nước có hơn 51 triệu thẻ ngân hàng, hơn 14.000 máy ATM và 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ nhưng các tài khoản ngân hàng này chủ yếu dùng để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua thẻ và các tiện ích của ngân hàng.

Thật ra, việc thanh toán bằng thẻ, thông qua hệ thống ngân hàng đã được áp dụng phổ biến ở các nước phương Tây từ rất nhiều năm nay. Ở những nước này, người dân ít sử dụng tiền mặt vì không phải tốn nhiều chi phí cho nhà băng.

Hơn nữa, nhà nước ra quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và có biện pháp, chế tài quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, ở Việt Nam, dù đang khuyến khích dùng thẻ thanh toán nhưng ngân hàng lại áp nhiều mức phí đối với các chủ thẻ.

Đó là chưa kể, khi thanh toán qua ngân hàng, người mua phải mất một khoản chi phí chuyển khoản. Đó là chưa kể, hạ tầng cơ sở các ngân hàng còn kém.

Theo phân tích của một nhà kinh doanh ô tô, việc áp dụng thanh toán qua ngân hàng gây ra rất nhiều phiền toái cho cả người bán và người mua.

Bởi, nếu chuyển khoản trong cùng một hệ thống thống thì chỉ 5 - 10 phút tiền sẽ về, người mua có thể lấy xe ngay. Nhưng nếu khác hệ thống thì phải sau ít nhất 4 tiếng tiền mới về tài khoản công ty, lúc đó, người mua mới có thể nhận xe. Nhưng nếu ngân hàng gặp trục trặc thì việc nhận xe của người dân cũng trục trặc theo.

Trong khi đó, tâm lý của người dân là phải nhanh gọn và đỡ tốn kém. Bởi thế mà nhiều người lo ngại rằng, khi mua ô tô phải thanh toán qua ngân hàng, chẳng biết ngân sách nhà nước có tăng lên không, nhưng rõ ràng các ngân hàng sẽ được hưởng lợi đầu tiên; còn với người mua xe, để không tiếp tay cho việc trốn thuế, họ sẽ phải gánh thêm một khoản phí nữa.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nên thanh toán qua ngân hàng khi mua xe một cách có lộ trình. Không nên ban hành những chính sách chưa sát với thực tế và phải vừa làm vừa điều chỉnh như đã từng diễn ra.

Có như vậy, mới có thể giúp thị trường ô tô phát triển và các doanh nghiệp sản xuất cũng không phải đối mặt với nguy cơ "vỡ kế hoạch".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật