“Đuổi” xe trên đường cao tốc

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phát hiện thấy bị ghi hình vi phạm, tài xế cho xe lao vút đi trong sự ngỡ ngàng của khách rồi bất ngờ thoát ra khỏi đường cao tốc Ninh Bình – Cầu Giẽ, chấp nhận một hành trình dài hơn là đi vòng ra quốc lộ 1A và phải trả thêm phí tại trạm Nam Cầu Giẽ.
“Đuổi” xe trên đường cao tốc
Xe dừng đỗ trên đcường cao tốc. Ảnh: Ảnh do VEC cung cấp

Chiều 3.3, chiếc xe khách của nhà xe A.K biển số 29B. 015… chạy tuyến Thanh Hoá – Mỹ Đình chở đầy khách vừa từ quốc lộ 10 vào đường cao tốc Ninh Bình – Cầu Giẽ thì bật tín hiệu “trao đổi khách” với một xe cùng chiều chạy Thanh Hoá – Giáp Bát. Hơn mười khách được chuyển sang xe kia để về bến Giáp Bát đồng thời bốn khách được chuyển lên xe này để về Mỹ Đình. “Giao dịch” này được diễn ra khá chóng vánh ngay trên đường cao tốc. Sở dĩ nhà xe buộc phải có giao dịch này vì trước đó, để vét khách, nhà xe đã treo biển “Giáp Bát” dù xe này không được vào bến Giáp Bát. Và để giữ khách, nhà xe buộc phải đổi khách cho nhau để hành khách được về đúng bến như nhà xe trót thông báo mà khách không phải trả thêm phí. Theo lời phụ xe, “đấy là việc cơm bữa. Bị bắt là chuyện hên – xui nên cứ phải làm mới giữ được mối”.

Phụ xe nói chưa dứt lời thì ở làn đường đối diện một chiếc xe “tuần tra giao thông” xuất hiện. Chiếc xe khách liền rồ ga lao về phía trước. Lực lượng tuần tra giao thông chỉ kịp giơ máy ảnh ghi lại biển số xe vi phạm.

Dẫu đã thoát được xe tuần tra, song theo nhân viên nhà xe tên Sơn, nếu vượt qua trạm phí Vực Vòng sẽ có chốt cảnh sát giao thông (CSGT) “đón lõng” nên tài xế được lệnh “trốn” khỏi đường cao tốc. Thế nên, dù vừa phải trả phí đường cao tốc 90.000 đồng song tài xế bất ngờ rời khỏi đường cao tốc, rẽ trái vào đường Nguyễn Hữu Tiến (thị trấn Đồng Văn, Duy Xuyên, Hà Nam) rồi mất thêm phí tại trạm Nam Cầu Giẽ để chọn hành trình quốc lộ 1A dài hơn chục kilômet thay vì tiếp tục đi đường cao tốc về Pháp Vân.

Hả hê vì trốn được chốt cảnh sát, mà theo tài xế xe khách là có thể mất đến “vài củ” (triệu), anh liền rút điện thoại gọi cho một tài xế xe khác: “Thoát được không”? rồi quay ra nói chuyện với phụ xe: Có chốt nhưng không bị xử mày à. Không hiểu mấy ông này là mấy ông nào, chụp làm gì?

Cảnh sát giao thông chưa mặn mà?

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người mặc đồng phục chụp ảnh xe vi phạm trên chiếc xe “tuần tra giao thông” là nhân viên công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc (VEC O&M), thuộc tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam – (VEC).

Ngày 5.3, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, ông Bùi Đình Tuấn, giám đốc VEC O&M cho hay, việc vi phạm đón trả khách trên đường cao tốc diễn ra rất phổ biến và gây nguy hiểm cho các phương tiện khác dù số lượng xe vi phạm bị các tổ tuần tra của cục CSGT đường bộ đường sắt (C67) trực tiếp xử lý rất nhiều. Thậm chí có tình trạng xuất hiện “sàn giao dịch” để trao đổi khách giữa các xe với nhau. Vì thế, theo ông Tuấn, trong khi chờ đợi hệ thống giám sát và quản lý qua hình ảnh được hoàn thành (dự kiến đầu quý 2 này) thì VEC O&M đành phải dùng biện pháp thủ công là chụp hình xe vi phạm rồi gửi hình ảnh (qua email) đồng thời thông báo qua bộ đàm, điện thoại cho chốt CSGT kế tiếp về biển số xe, lỗi vi phạm… để CSGT trực tiếp xử lý chứ nhân viên “tuần tra giao thông” của VEC không có quyền và không được xử lý vi phạm. “Việc chủ yếu là cảnh báo để đuổi xe vi phạm về dừng đỗ, đón trả khách ngay trên làn đường cao tốc, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Đây là hoạt động thường xuyên trong chương trình phối hợp của đơn vị khai thác đường với C67. Chúng tôi cũng đã làm tờ rơi cảnh báo về việc phạt nguội này cho các lái xe và hướng dẫn điểm đón trả khách tại nút giao Vực Vòng và Liêm Tuyền. Việc này sẽ được thông báo bằng tờ rơi vào tuần tới để lái xe được biết”, ông Tuấn nói.

Trên tờ rơi được VEC O&M chuẩn bị công bố, đơn vị này cũng cảnh báo việc xử phạt bằng hình ảnh này sẽ do CSGT xử lý khi xe ra khỏi đường cao tốc, với mức phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày theo nghị định 71.

Ông Tuấn cũng nói thêm rằng, dù C67 không có trách nhiệm phản hồi về việc xử lý (nếu sử dụng hình ảnh và thông tin do đơn vị khai thác tuyến đường cung cấp), tuy nhiên, theo quan sát của VEC, đã có nhiều xe vi phạm qua thông báo bằng hình ảnh và điện thoại đã bị lực lượng CSGT xử lý.

Tuy vậy, đại diện đội tuần tra kiểm soát của C67 phụ trách tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cho hay, việc dùng hình ảnh (do VEC ghi hình và gửi về) để phạt nguội chưa được nhiều vì còn lo ngại tính pháp lý và xác thực của hình ảnh do đây là đơn vị... ngoài ngành công an cung cấp. Vì vậy, có thể hiểu rằng, ngay cả khi VEC đưa hệ thống giám sát bằng hình ảnh vào hoạt động trên toàn tuyến trong quý 2 này thì việc sử dụng nó hay không, sử dụng mức độ nào còn phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng CSGT!

Đối với việc xử lý xe vi phạm qua hình ảnh và phương tiện nghiệp vụ trên tuyến này, theo ghi nhận của phóng viên, cũng đã được lực lượng CSGT thực hiện trước đó, từ tháng 8.2012, song chủ yếu là do các đội tuần tra cơ động của C67 phối hợp với công an các địa phương thực hiện, được đặt tại các vị trí ngay sau các trạm thu phí của VEC.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật