Gặp người sở hữu báu vật hoàng tộc Chăm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dư luận ở Lâm Đồng thời gian qua không ngớt đồn đại về những báu vật hoàng tộc Chăm đang được một nhà sưu tầm đồ cổ ở Đà Lạt sở hữu. ...
Gặp người sở hữu báu vật hoàng tộc Chăm
Ảnh minh họa

Người đó là ông Nguyễn Đăng Thanh, hiện ngụ tại phố Hoàng Diệu, Đà Lạt – hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Theo dư luận thì ông Thanh hiện đang sở hữu 3 món cổ vật thuộc hoàng tộc Chăm... 

Đồ vật của vua Chăm

Về tấm xà rông được cho là trang phục của vua Chăm, ông Thanh tỏ ra dè dặt: “Giới đồ cổ thì nói vậy. Còn tôi, tôi chưa khẳng định một cách chắc chắn rằng đó là tấm xà rông trang phục của vua Chăm. Nhưng chắc chắn là nó rất quý, và có liên quan đến cộng đồng người Churu ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – những người từng được hoàng thân quốc thích của vua Chăm giao giữ những đồ vật của triều đình khi chạy lên đây trong lịch sử xa xưa”. Theo ông Thanh, ông đã mua lại tấm xà rông này từ một người bạn cũng chuyên sưu tầm đồ cổ là ông Kim Tú Hiệp ở khu phố 1, phường 2, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ông Đăng Thanh cho biết cụ thể hơn: “Ông Hiệp nói rằng món đồ quý này được ông mua lại của một người dân ở xã Pró, huyện Đơn Dương. Người dân đó là hậu duệ của một dòng tộc người Churu được hoàng tộc người Chăm ngày xưa gửi gắm những đồ vật để cất giữ dùm”. Chúng tôi quan sát: Tấm xà rông có chiểu rộng 95cm và dài 174cm; được dệt bằng lụa tơ tằm, khá mịn và có trang trí nhiều hoa văn với nhiều màu sắc khá sặc sỡ. “Ngoài tấm xà rông này, gia đình nọ còn giữ hai đôi đũa mạ vàng và một chiếc bằng bạc có trang trí hình 2 người khiêng vua”.

Về bộ chiêng arap, ông Thanh nói rằng cách nay chưa lâu, trong một chuyến đi chơi ở Ninh Thuận, ông vô tình gặp được một gia đình người Churu ngỏ lời bán bộ chiêng 12 chiếc mà theo họ nói là “truyền từ đời này sang đời khác”; là bộ chiêng được sử dụng trong các dịp lễ hội của hoàng triều Chăm. “Tôi không rành lắm về cồng chiêng nhưng nghe nói thế, tôi đã không đắn đo khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đổi lấy” – ông Thanh nói. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, bộ chiêng mà ông Thanh cho rằng chiêng arap có liên quan đến hoàng tộc Chăm này gồm 12 chiếc chiêng bằng (không có núm), đặt trùng khít lên nhau từ nhỏ đến lớn. Điều đáng tiếc, theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học thì chiêng arap là chiêng quý đặc trưng của người Bana và Jarai – hai tộc người có gốc gác liên quan đến người Chăm. Nó gồm 8 hoặc 9 chiếc chiêng và ít nhất là 3 chiếc cồng (cồng có núm ở giữa, phân biệt với chiêng phẳng). Ở bộ chiêng được cho là chiêng arap mà ông Thanh hiện đang sở hữu không có chiếc cồng nào.

Theo ông Thanh thì đây là bộ chiêng được ông mua của một gia đình người Churu nhưng gia đình người Churu ấy ở Ninh Thuận chứ không phải ở Lâm Đồng. Theo các nhà dân tộc học, người Churu chính là một bộ phận người Chăm ở Nam Trung Bộ trong lịch sử đã ly khai khỏi cộng đồng Chăm để đi về phía núi. Do vậy, khi nói đến địa phận cư trú chủ yếu của người Churu thì phải nói đến vùng đất Nam Tây Nguyên ngày nay. Tất nhiên không loại trừ khả năng có một bộ phận người Churu sau đó quay lại vùng đất cũ của mình là Ninh Thuận để sinh sống; trong đó có dòng tộc lưu giữ bộ chiêng arap liên quan đến hoàng triều Chăm mà ông Thanh đã mua được. 

Ông Nguyễn Đăng Thanh khẳng định mình đang sở hữu ba món “hàng độc” liên quan đến hoàng triều Chăm.

Dao lệnh của vua

Với chiếc dao lệnh: Con dao dài khoảng 25cm, bản rộng khoảng 3cm (chỗ lớn nhất); được đúc bằng đồng có mạ vàng. Dao được đặt trên một giá đỡ cao khoảng 13cm; giá đỡ cũng được đúc bằng đồng và mạ vàng. Điều đáng nói, cả con dao và giá đỡ đều được trang trí bằng những hoa văn khá cầu kỳ. Trong hoa văn ấy, khá dễ nhận ra biểu tượng hoa sen, lửa… - những biểu tượng đặc trưng của hoa văn trang trí Chăm. Điều đáng nói nữa, gọi là “dao” nhưng vật dụng này không dùng để sử dụng như một con dao bình thường mà nó mang tính chất “trang trí” là chính. Từ đặc điểm này, giới cổ vật suy luận rằng đó là “dao lệnh”. Đồng thời, theo ông Thanh, con dao được mua từ một gia đình người Churu ở Đơn Dương, lại là một gia đình thuộc dòng họ được hoàng thân Chăm xưa kia gửi gắm những đồ vật của hoàng triều để cất giữ dùm nên nhiều người cho rằng đó là “dao lệnh” của vua Chăm trao cho một tướng lĩnh nào đó.

“Trong một chuyến đi thăm người bạn ở Đơn Dương, tôi vô tình tiếp cận được gia đình còn lưu giữ bộ dao lệnh này. Chỉ cần nhìn sơ qua, tôi biết là nó rất có giá trị. Nếu không liên quan gì đến vua Chăm thì chỉ bản thân bộ dao cổ này cũng đã có giá trị rất lớn rồi” – ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Đăng Thanh là một trong những hội viên của CLB UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng có thâm niên “chơi” cổ vật hơn hai mươi năm nay. Hiện trong tay ông có hơn 10.000 hiện vật sưu tầm được, trong đó có rất nhiều hiện vật liên quan đến đời sống và văn hóa các dân tộc ít người, đặc biệt là các hiện vật của người Chăm và các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên. “Trong hàng vạn hiện vật trong tay, tôi quý nhất là 3 món “hàng độc” này!” – ông Thanh nói. Tuy nhiên, những món “hàng độc” ấy có thực sự “độc” không, có thực sự là hiện vật của vua Chăm hoặc hoàng triều Chăm hay không thì còn phải chờ sự thẩm định của cơ quan chức năng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật