Cầu thủ Võ Nhật Tân (ĐT.LA): Không hối hận với niềm đam mê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng bóng đá nhưng đây đơn giản vẫn là nghề nghiệp mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho cuộc đời của Võ Nhật Tân, chàng trai sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Cầu thủ Võ Nhật Tân (ĐT.LA): Không hối hận với niềm đam mê
Nhật Tân (áo trắng) đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp cầu thủ. Ảnh: Nhật Anh

Đá bóng để lo cho gia đình

Sinh trưởng trong một vùng quê nghèo ở thị trấn thị trấn Gò Công Tây, những mảnh ruộng và mặt sân bêtông là nơi nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ của cậu bé Võ Nhật Tân từ khi còn là một học sinh tiểu học. Cùng với những trận bóng đá trên truyền hình, niềm đam mê với bóng đá của Tân đã ăn vào máu thịt từ khi đó.

Rất nhanh chóng, sự đam mê và năng khiếu với trái bóng của Nhật Tân đã giúp cầu thủ nhí này lọt vào mắt xanh của thầy Châu, người trực tiếp nắm đội bóng của huyện. Bước ngoặt cuộc đời đến với Nhật Tân năm 13 tuổi, khi còn là học sinh trung học, Nhật Tân được các thầy trong đội năng khiếu U13 Tiền Giang triệu tập.

Lúc này, cả gia đình Nhật Tân mới té ngửa khi biết con mình có năng khiếu bóng banh. Song để được lên thị xã Tiền Giang tập trung cùng bè bạn, ba mẹ Nhật Tân đã ra yêu sách cho con trai mình “có đá banh sao thì đá nhưng phải tốt nghiệp được cấp 3 để tương lai có chuyện gì còn theo học ngành nghề gì thêm được”.

Nhật Tân nhanh chóng gật đầu và cậu bé chưa đủ tuổi v‌ị thà‌nh niê‌n chấp nhận xa gia đình để đi theo tiếng gọi của niềm đam mê. Hồi tưởng lại kỷ niệm ngày đó, ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Nhật Tân đã có suy nghĩ phải đi đá bóng để kiếm được tiền để lo cho gia đình.

Có lẽ, cậu bé là con út trong một gia đình nông dân có 4 anh em đã thấy được những vất vả của bố mẹ hàng ngày lam lũ trên cánh đồng, tất bật kiếm từng đồng để lo cho các con ăn học cho bằng người ta.

Từ đó, ý thức quyết tâm thành danh nhờ đá bóng luôn thôi thúc Tân chăm chỉ tập luyện lẫn thi đấu. Suy nghĩ già trước tuổi đó của Nhật Tân dường như đang được khắc họa trên gương mặt của chàng trai sinh năm 1988.

Sự nghiệp nhiều “thăng” nhưng cũng lắm “trầm”

Cho đến lúc này, Nhật Tân vẫn không thể quên công ơn của thầy Đỗ Văn Minh, HLV trực tiếp của mình ở đội trẻ Tiền Giang. Nhờ sự uốn nắn cặn kẽ của thầy, Nhật Tân chứng tỏ sự tiến bộ từng ngày. Cũng chính ông thầy này đã dẫn dắt lứa thế hệ tài năng của bóng đá Tiền Giang (cùng với Nhật Tân là Long Giang, Phúc Hiệp, Thanh Hải…) vô địch giải U21 quốc gia báo Thanh Niên 2006 tại Đà Nẵng. Tại giải này U21 Tiền Giang đã trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ có chất lượng cho bóng đá Việt Nam và cũng trong năm đó, niềm vui ập đến với riêng cá nhân Nhật Tân. Sau khi có tên trong thành phần U21 báo Thanh Niên Việt Nam vô địch U21 quốc tế năm đó bằng trận thắng Thái Lan 1-0, Nhật Tân có tên trong thành phần ĐT U23 Việt Nam tham dự vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 và SEA Games 24. Lần đầu tiên được gọi vào ĐTQG khi đó, Nhật Tân nhớ như in cảm giác hồi hộp khó tả và cả cái lo lắng, bỡ ngỡ trong buổi trở thành tuyển thủ QG. Suy nghĩ hàng ngày hiện lên trong đầu Tân là “không biết sức mình có trụ lại được ĐT không hay lại bị trả về”. Thế nhưng, với quyết tâm và nhiệt huyết có thừa của tuổi trẻ, Nhật Tân đã khẳng định được bản lĩnh của mình trên sân tập. Nhật Tân được lọt vào mắt xanh của HLV Alfred Riedl và luôn là sự lựa chọn số một ở hành lang bên phải của U23 Việt Nam.

Song cuộc đời cầu thủ của Nhật Tân cũng có những khoảnh khắc thăng trầm. Niềm vui đến nhanh nhưng rồi trong thoáng chốc cũng ra đi. Những ngày tập trung cùng U23 Việt Nam là một ký ức dù vui nhưng cũng đầy nỗi buồn với cầu thủ sinh năm 1988. Sau thất bại ở vòng loại Olympic Bắc Kinh, giải đấu quá tầm với của bóng đá Việt Nam, các CĐV đặt kỳ vọng vào U23 Việt Nam ở SEA Games 24. Nhưng rồi, tại giải đấu đó, đội bóng dưới sự dẫn dắt của HLV Riedl đã có những ký ức đáng quên. Bị Myanmar loại ở bán kết, thua tan nát Singapore trong trận HCĐ. U23 Việt Nam trắng tay, HLV trưởng Riedl bị buộc phải từ chức … Những câu chuyện buồn ở ĐT cứ thế kéo dài. Cái tên Nhật Tân sau giải đấu đó cũng không xuất hiện nhiều ở các đợt tập trung của ĐTQG hay ĐT U23 QG nữa.

Chức vô địch U21 QG giúp Tiền Giang ra mắt một thế hệ tài năng, những cầu thủ trẻ khi đó ngay lập tức được lên đội một để tham dự các giải đấu đỉnh cao trên sân cỏ VN. Nhưng sự hiện diện ở sân chơi đỉnh cao của bóng đá Tiền Giang chỉ kéo dài đến năm 2010, mùa giải đội bóng miền Tây rơi xuống hạng Nhì và chính thức giải thể. Bản thân Nhật Tân khi ấy đã hết hợp đồng đào tạo với CLB và cuộc đời chàng trai gốc Gò Công Tây chuyển sang một trang mới với việc đầu quân cho ĐT.LA.

Cái giá 1,8 tỷ đồng tiền lót tay mà bầu Thắng chấp nhận bỏ ra để chiêu mộ Nhật Tân trong 3 năm đã được cầu thủ này dùng vào những việc rất ý nghĩa. Tân bỏ 400 triệu để sắm cho mình một miếng đất ở thị xã Gò Công, phần còn lại để sang 2 cái sạp ở chợ thị xã để vợ buôn bán và gửi một ít ở ngân hàng. Chứng kiến cảnh khốn khó của ba má từ nhỏ, dễ hiểu khi Nhật Tân không phung phí số tiền lớn trong lần đầu được chuyển nhượng của mình. Và cũng đúng như cái mơ ước thuở hàn vi là đá bóng để phụ giúp gia đình, hàng tháng, Nhật Tân vẫn gửi tiền đều đặn về nhà để “ba má an hưởng tuổi già. Năm nay cả 2 đều đã 60 rồi. Ba má cũng chỉ biết em đá bóng chứ cũng không có thời gian rảnh mà đi coi em đá. Thời gian là dành cho ruộng đồng hết rồi”.

Ở một khía cạnh khác, đây cũng là thời điểm hạnh phúc nhất của cuộc đời Nhật Tân. Có cơ ngơi, vợ con đủ đầy, có thể lo cho gia đình chu đáo, nhưng trong sự nghiệp quần đùi áo số thì đấy lại là thời điểm đáng buồn nhất với Nhật Tân. Năm 2010, Tiền Giang rớt xuống hạng Nhì và giải thể thì đến năm 2011, mùa bóng đầu tiên gắn bó với ĐT.LA, đội bóng của Nhật Tân lại rớt xuống hạng Nhất. 2 năm đội bóng mình đầu quân rớt liền 2 hạng đấu là một ký ức buồn khó phai nhạt với Tân. Nhưng ý thức cầu tiến nghề nghiệp đã thôi thúc khiến Nhật Tân không bỏ cuộc. Ở mùa giải 2012, ĐT.LA đoạt ngôi vô địch một cách thuyết phục để trở lại V-League 2013. Đó là công sức của tập thể, nhưng Nhật Tân chắc chắn là một người hùng trong chiến công đó. Với 24/26 trận có tên trong đội hình xuất phát, trừ 2 trận ngồi ngoài vì thẻ phạt, cầu thủ gốc Tiền Giang giúp hàng thủ của ĐT.LA trở thành thành trì vững chắc nhất giải hạng Nhất 2012. Nhỏ người nhưng khả năng lên công về thủ đều đặn, không ngại va chạm và đá tốt 2 bên cánh giúp Nhật Tân rất tự tin và không ngại va chạm với bất cứ tiền đạo nào. Chưa hết, mùa giải 2012 còn để lại một ấn tượng khó phai trong đời cầu thủ với Nhật Tân. Mới đây, chàng trai gốc Tiền Giang là cầu thủ đầu tiên nhận được giải thưởng “Fair-Play” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, với “chiến tích” dũng cảm tổ giác kẻ đòi mua bán độ trong trận đấu giữa ĐT.LA và F.Tây Ninh năm ngoái. Khi được hỏi Nhật Tân có sợ người xấu trả thù chuyện này không, chàng “Hai Lúa” Nam Bộ này thẳng thắn chia sẻ: “Có gì mà sợ anh. Từ khi chưa về ĐT.LA, em đã thích cách làm bóng đá trong sạch của bầu Thắng. Khi vào sân, em luôn tâm nguyện phải chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Phần thưởng này sẽ khích lệ em cống hiến hết sức cho nghề nghiệp của mình”.

Chuyên môn đã được khẳng định, giờ đây một vị trí hậu vệ biên ở “Gạch” đã được đóng đinh cho Võ Nhật Tân. Sau nhiều bôn ba, số phận cũng đã giúp chàng trai sinh năm 1988 sống lại hoài bão chinh phục giải đấu cao nhất Việt Nam, một mục tiêu lớn trong nghề nghiệp mà cậu bé Nhật Tân ngày nào hằng ấp ủ. Nghiệp quần đùi áo số chưa bao giờ phụ Nhật Tân. Và có thể vì thế nên cầu thủ này cũng quyết tâm dành trọn vẹn những gì tốt đẹp nhất cho nghề của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật