Phố ông đồ: Mua giấy xin chữ?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy năm gần đây, phố Văn Miếu được các thư pháp gia và du khách gọi tên là phố ông đồ dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Phố ông đồ: Mua giấy xin chữ?
Thư pháp gia Kiều Quốc Khánh viết tặng chữ cho con gái một người bạn

Anh Nguyễn Quang Thắng, một trong những thư pháp gia trẻ có mặt tại phố ông đồ cho biết, cách đây tầm hơn chục năm, anh và một số người bạn là những người đầu tiên ra phố Văn Miếu ngồi viết chữ “thuê” cho khách. Hồi đó, các anh bị dẹp liên tục, chứ không như bây giờ, phố đã được quy hoạch thành một khu  tấp nập những người xin và cho chữ. Nói về từ xin và cho này, cũng đã có khá nhiều tranh cãi, nhưng có lẽ, nghĩa của nó, chắc chắn đã thay đổi nhiều theo thời gian.

Nhiều người biết đến việc xin và cho chữ như một nét đẹp trong văn hóa của người Việt tự ngàn xưa, khi ông cha ta xem trọng chữ nghĩa và truyền thống hiếu học, coi chữ nghĩa là của bậc thánh hiền và những người văn hay chữ tốt đều rất được kính trọng. Khi đó, “ông đồ” là cách gọi khác để chỉ những người dạy học trong làng xã. Bây giờ, người ta cứ thấy ai viết thư pháp thì đều gọi đó là ông đồ.

Hình ảnh ông đồ được thể hiện khá rõ nét trong một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên mà có lẽ hầu như ai cũng biết. Tìm hiểu về điều này, phải gắn với hoàn cảnh lịch sử mới hiểu rõ tại sao ông đồ khi đó phải trải chiếu ra lề đường viết chữ thuê .

Đầu xuân giữ lộc, viết tặng thư .

Còn khái niệm “cho” hay tặng chữ lại được thể hiện rõ hơn qua tác phẩm “Chữ người tử tù” của Huấn Cao. Nói về điều này để thấy rằng, việc cho chữ và xin chữ  phải được đặt vào trong một mối quan hệ tình cảm nhất định, và trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định, chứ không phải là một phong trào, càng không phải là một việc phổ biến. Thứ phổ biến ở đây là, những người trọng chữ nghĩa, kính nhân cách của ông đồ và muốn dùng chữ như một thứ để treo cho sang, thì thuê ông đồ viết, và sau khi ông đồ cho chữ, thì xin chữ đó mang về, rồi cảm tạ bằng một thứ gì đó. Có nghĩa là, chữ xin ở đây, khi đó được hiểu một cách tế nhị hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng không có nghĩa là được cho một cách tuyệt đối. Tất nhiên, sự cho và xin chữ ngày xưa, mang nhiều ý nghĩa và trọng hơn về mặt tinh thần, tấm lòng, văn hóa.

Một góc nhỏ trên phố ông đồ.

Bây giờ, khi ra Phố ông đồ, nhiều người, kể cả người cho hay người xin đều tự biết một điều rằng ý nghĩa đó đã không còn nguyên vẹn nữa. Ít nhất nó đã thực tế hơn, thực dụng hơn, và đôi khi, thương mại hơn. Cũng có những người không gọi đây là Phố ông đồ, vì cho rằng gọi như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa về hình ảnh ông đồ xưa. Họ nhìn nơi đây như một “chợ chữ”. Vì, việc cho hay xin chữ đều có giá.

Giá cả của từng bức thư pháp cũng khác nhau tùy theo chất liệu và khổ giấy. Trung bình, một bức khổ 30x60cm với chất liệu giấy thường hoặc giấy xuyến chỉ Trung Quốc có giá từ 100.000 -200.000 đồng/bức. Các loại biểu cuốn, giấy bồi có giá từ 200.000 – 600.000 đồng/bức. Một đôi câu đối giấy thường, có cuốn bo hai đầu, chưa bao gồm khung có giá 500.000 đồng/đôi. Ngoài ra, các ông đồ cũng sáng tạo thêm các dạng thức khác của thư pháp, như móc đeo chìa khóa giá 5.000 đồng/cái, có in sẵn các chữ: Trí, Tâm, Tuệ, Duyên, Tài, Phúc, Đức, Nhẫn... Rồi có cả thư pháp trên đá, thư pháp trên gỗ đồng, thư pháp kết hợp thư họa, hoặc thư pháp trên sơn mài. Một bức tranh hoa mẫu đơn, hoặc trúc vẽ bằng bút lông có viết thêm thư pháp thường có giá 400.000 – 500.000 đồng/bức. Thư pháp trên sơn mài giá khoảng 3 triệu đồng/bức. Ngoài ra, nếu đóng khung, thì cũng tùy khung và khổ giấy mà tính giá.

Trong khuôn viên sân Thái học Văn Miếu, du khách phải xếp hàng để mua giấy với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/tờ và được phát một phiếu có ghi sẵn số bàn. Sau đó, du khách cầm tờ phiếu đó đến bàn ông đồ và xin chữ. Đây là hình thức tế nhị hơn: Mua giấy và xin chữ.

Cũng dễ hiểu tại sao bây giờ, các ông đồ không thể cho chữ được nhiều người dù trong mình cũng đầy chữ nghĩa, dù đã được đào tạo đạt đến trình độ văn hay chữ tốt, và những du khách không dám xin không chữ, dù thực sự kính trọng chữ nghĩa, muốn gửi gắm quyết tâm và ước nguyện của mình qua con chữ để phấn đấu theo đuổi trong một năm. Bởi để viết được những chữ như “rồng bay phượng múa” đó, các ông đồ cũng phải bỏ ra khá nhiều công phu, kể cả tiền bạc.

Đơn giản nhất là chỗ ngồi. Bình thường thì ở con phố đó, chẳng ai được ngồi, có chăng là nơi để trông giữ mấy chiếc ô tô. Nhưng ngày Tết, mỗi viên gạch ở đó đều được quy ra thành tiền. Cứ 4 viên được chia thành một suất, mỗi suất 2.000.000 đồng. Một suất chỉ vừa kê đủ một cái bàn nhỏ, nên các ông đồ thường mua 2 suất, thậm chí nhiều hơn, rồi ngồi thành một chỗ hoặc nhiều người ngồi. Năm nay, phố ông đồ nhìn có vẻ đẹp hơn, đỡ lụp xụp hơn bởi có đơn vị cung cấp khung sắt căng bạt. Mỗi bộ khung như thế lắp đặt cho một suất có giá 1 triệu đồng. Rồi tiện thể, họ cũng cung cấp luôn bóng điện, chỉ thắp sáng vào khoảng 6-8g tối.

Thứ tốn nhiều tiền bạc nhất của các ông đồ là văn phòng tứ bảo bao gồm: Bút, nghiên, giấy, mực. Có những cái bút chỉ vài nghìn đồng hoặc vài chục nghìn đồng, nhưng cũng có những cái bút vài triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Bởi bút là thứ đứng đầu trong văn phòng tứ bảo, khó mà viết được chữ đẹp nếu không có một cái bút tốt. Nhưng bút, nghiên thì thường được sắm từ trước, đã gắn bó lâu dài với các ông đồ và dùng được lâu dài. Mực thì không tốn quá nhiều, nhưng giấy và những thứ đi kèm (khung, túi đựng, ống…) thì lại phải mua với số lượng lớn và nhiều chủng loại. Có nhiều loại giấy khác nhau, với kích cỡ và chất liệu khác nhau, theo đó mà giá cả cũng khác. Có ông đồ, riêng tiền giấy, biểu và khung đã tốn 100 triệu đồng.

Cùng với sự thay đổi của thời cuộc, nên chăng cũng có cái nhìn thoáng hơn, phù hợp hơn trong vấn đề cho và xin chữ này. Vì dù có phải bỏ tiền ra mua chữ, hay là mua giấy mực và được cho chữ, thì nhiều người cũng rất vui mừng và biết ơn ông đồ, vì đã được tư vấn, giải thích và tặng những chữ, những câu thơ rất có ý nghĩa cho cả một năm.

Những điều này, đôi khi, có tiền chưa chắc đã mua được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật