Stanislav Petrov - người ngăn chặn chiến tranh thế giới lần thứ ba

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung tá quân đội Xô viết Stanislav Yefgrafovich Petrov sinh năm 1939, chủ nhân của giải thưởng Công dân thế giới đặc biệt và Giải thưởng Dresden, là người đã có công ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm năng giữa Liên Xô và Mỹ năm 1983.
Stanislav Petrov - người ngăn chặn chiến tranh thế giới lần thứ ba
Ảnh minh họa

Ca trực chiến lịch sử

Ngày 26 tháng 9 năm 1983, Stanislav Petrov, khi đó đang mang hàm trung úy, nhận ca trực chiến của mình tại một trạm quan trắc vệ tinh quân sự nằm ở phía Nam Moskva, Nga. Trách nhiệm của anh là theo dõi hệ thống màn hình vi tính cảnh báo sớm nguy cơ sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chống Liên Xô. Trong trường hợp xấu nhất, anh có toàn quyền khởi động cả hệ thống tên lửa hạt nhân đánh chặn của Liên Xô chống Mỹ.

Vừa đúng nửa đêm theo giờ Moskva - trên đất Mỹ vẫn còn là chiều chủ nhật, ngày 25 tháng 9 - hệ thống cảnh báo sớm mà Petrov đang theo dõi đột nhiên phát tín hiệu báo động - phía Mỹ đã phóng một quả tên lửa vào hướng Liên Xô. Anh đã chủ động bỏ qua lệnh báo động này, không khởi động hệ thống tên lửa đánh chặn của Liên Xô, từ nhận thức sự vô lý trong hành động phóng duy nhất một quả tên lửa - bởi phía Mỹ nếu thật sự muốn bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân chống Liên Xô hẳn sẽ phóng không phải một, mà là rất nhiều tên lửa đồng thời. Báo động phát ra có lẽ là từ lỗi của hệ thống vi tính.

Một giây sau, tín hiệu báo động lần thứ hai phát ra. Hệ thống cảnh báo cho biết bốn tên lửa đã xuất phát từ Mỹ hướng về phía Liên Xô. Petrov vẫn cho là hệ thống máy vi tính đã bị hỏng, nhưng anh không có căn cứ nào để khẳng định điều này, và càng không thể xem thường sự việc nữa. Hệ thống radar trên mặt đất của Liên Xô thì rất kém hiệu quả, bởi bằng hệ thống này không thể quan sát và phát hiện các tên lửa vẫn khuất dưới đường chân trời.

Thêm vào đó, thời gian đối với anh giờ đây là vô cùng quý giá. Anh chỉ có vài ba phút ngắn ngủi để báo lên cấp trên để quyết định có khởi động hệ thống đánh chặn hay không. Sĩ quan trực chiến đóng vai trò tối quan trọng trong quyết định này. Giả sử Petrov báo cáo lệnh báo động là thật, dựa trên các phân tích tình huống của hệ thống vi tính anh đang theo dõi, thì cấp trên cũng sẽ không xem xét độ chính xác của báo cáo anh đưa ra.

Tin tưởng vào trực giác của mình, Petrov báo cáo: Lệnh báo động giả, nguyên nhân là hệ thống vi tính trục trặc. Và anh đã đúng. Sau này người ta mới xác định được nguyên nhân của sự cố này là do hệ thống quan trắc đã nhận được một lượng lớn ánh sáng mặt trời bị các đám mây phản xạ, và nhầm nó với sự hiện diện của tên lửa phóng từ phía đối phương.

Phản ứng của thượng cấp đối với quyết định của Petrov trong ca trực đó là rất dễ hiểu: Họ liên tục thẩm vấn anh và tổ chức một cuộc điều tra rất chi tiết về những điều đã xảy ra trong cái đêm đáng nhớ đó, để tìm thấy một trục trặc trong phần mềm, và khắc phục nó một cách mau chóng.

Trung uý Petrov không được khen thưởng, cũng chẳng bị phạt, chỉ bị nhận một lời phê bình nhẹ nhàng nhất: Trong hệ thống theo dõi anh đã không ghi chép dòng nào về sự kiện không xảy ra này. Anh trả lời: Ghi thế nào, nếu như một tay anh phải cầm điện thoại, còn tay kia phụ trách một thiết bị thông tin nội bộ khác?

Sau ca trực đó binh nghiệp của Petrov trở nên không suôn sẻ. Anh bị thuyên chuyển đến các vị trí công tác ít quan trọng hơn, và chỉ ít lâu sau thì nhận quyết định giải ngũ. Hiện anh đang nghỉ hưu trí.

Thời kỳ căng thẳng mới của “chiến tranh lạnh”

Vụ báo động giả mà Petrov có liên quan xảy ra trong thời kỳ mà quan hệ Liên Xô - Mỹ đang nổi lên những căng thẳng mới được liên tưởng tới những sự việc tương tự như đã xảy ra hồi thập niên 1960.

Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và Ronald Reagan chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã mở ra một vòng xoáy căng thẳng mới của “chiến tranh lạnh”.

Đầu năm 1982, hai nhóm tàu chiến dẫn đầu là tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Mỹ lượn lờ gần khu vực Kamchatka và đi vào vùng Biển Okhotsk, nơi đây là căn cứ chính của các tàu ngầm tên lửa hạt nhân Liên Xô.

Vào cuối tháng 3/1983, ba tàu sân bay của Hải quân Mỹ cũng tiến vào vùng biển quanh quần đảo Aleutian và tiến hành tập trận trong vòng ba tuần tại đây.

Tháng 4/1983, 6 máy bay A-7 đồng loạt tiến sâu vào không phận Liên Xô ở khoảng cách từ 2-30 km và tiến hành ném bom giả định lên quân đảo Novay Zemly - khu vực chuyên tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân đặc biệt của Liên Xô.

Để đáp trả những hành động khiêu khích này, cũng trong tháng 4/1983, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô đã thông qua các biện pháp khẩn cấp, trong đó các máy bay tiêm kích MiG-31 hiện đại hơn được điều đến các căn cứ trên các quần đảo Kuril và Sakhalin thay thế các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 và MiG-23 ngăn ngừa các hành động khiêu khích có thể.

Đỉnh điểm của căng thẳng là sự kiện diễn ra ngày 1/9/1983. Bộ đội phòng không Liên Xô đã bắn rơi một máy bay chở khách Boeing 747 mang số hiệu KAL-007 bay chuyến New York - Soul của Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air xâm phạm không phận Liên Xô, làm 269 người thiệt mạng.

Theo nguồn tin của CNN, qua sự việc này KGB đã gửi một thông điệp cho người của họ đang hoạt động ở phương Tây, cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Đổ thêm dầu vào lửa, giới lãnh đạo Mỹ công khai gọi Liên Xô là “Đế chế ma quỷ” một cách đầy khiêu khích.

Trong hoàn cảnh đó, khi xảy ra vụ báo động kia, giả sử Petrov có coi đó là nguy cơ thật sự, rồi thượng cấp của anh nhận báo cáo và coi đó là đúng, một cuộc chiến tranh hạt nhân vô căn cứ giữa Liên Xô và Mỹ hoàn toàn có thể đã bắt đầu. Nhưng thật may mắn, bằng trực giác của mình, anh đã ngăn chặn cuộc chiến tranh trước khi nó xảy ra.

Niềm vinh dự muộn mằn

Sự việc xảy ra trong ca trực của Petrov mãi tới năm 1998 mới được tiết lộ trong hồi ký của Đại tướng Yuri Votintsev, và sau đó xuất hiện cả loạt bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, và hành động của anh mới được quần chúng biết đến một cách rộng rãi.

Ngày 21/5/2004 tại Moskva, Hiệp hội các công dân toàn thế giới, một tổ chức quốc tế có trụ sở ở San Francisco đã trao cho Petrov giải thưởng Công dân thế giới cùng với cúp và khoản tiền thưởng tượng trưng là 1.000 USD. Đây có thể coi như một sự thừa nhận công lao của anh trong việc ngăn chặn một thảm hoạ toàn cầu.

Tháng 1/2006 Petrov được mời sang Mỹ, nơi ông được vinh danh tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York. Hiệp hội các Công dân toàn thế giới trao cho ông giải thưởng Công dân thế giới đặc biệt. Ngày hôm sau Petrov đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Walter Cronkite tại trụ sở CBS. Nội dung cuộc phỏng vấn này, các chuyến đi của Petrov trên đất Mỹ cùng với một phim tư liệu nhan đề “Người đã cứu thế giới” được xuất bản vào cuối năm 2006.

Tiếp theo, Petrov được những người sáng lập giải thưởng Dresden vinh danh. Bà Heidrun Hannusch nói với Đài tiếng nói nước Nga về lý do trao giải thưởng của tổ chức này cho Petrov: “Theo ý kiến của chúng tôi, chiến công của ông Stanislav Petrov là một trong những hành vi quan trọng nhất trong những thập kỷ gần đây đã góp phần duy trì hòa bình. Đặc điểm giải thưởng của chúng tôi khác biệt ở chỗ nó được trao tặng không phải cho người giải quyết xung đột, mà ngăn chặn xung đột. Và trên thực tế ông Petrov đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh thế giới thứ III, chắc chắn ông xứng đáng với giải thưởng này”.

Giải thưởng Dresden được thành lập ở Dresden vào năm 2010 và được tổ chức hàng năm vào ngày 17/2 tại nhà hát opera nổi tiếng của thành phố Dresden. Vào ngày này năm 1945, không quân Anh - Mỹ gần như phá hủy hoàn toàn thành phố. Giải thưởng đầu tiên được trao cho Mikhail Gorbachev vì những đóng góp của ông nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Giải lần hai được trao cho nhạc trưởng và nghệ sĩ dương cầm Daniel Barenboim vì những đóng góp trong việc giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel, và lần ba cho nhiếp ảnh gia chiến trường James Nachtwey.

Lễ trao giải luôn luôn có một ý nghĩa biểu tượng, và trong trường hợp của Petrov tính biểu tượng đó tăng gấp hai lần. Bà Heidrun Hannush tiết lộ: “Một nữ công dân 25 tuổi của Dresden sẽ trao giải thưởng cho ông Petrov. Cô gái này thuộc về thế hệ mà nếu không có ông Stanislav Petrov thì có thể không có mặt trên đời. Và tôi nghĩ rằng hành động của ông nên được xem xét từ quan điểm này. Nếu ông Petrov có quyết định khác, cả thế giới sẽ bị hủy diệt”.

Về phần mình, Petrov không tự đánh giá hành động của mình có ý nghĩa quá lớn, hay bản thân mình là một người anh hùng trong ca trực lịch sử đó. Trong một cuộc phỏng vấn, anh nói: “Tất cả những gì xảy ra đều không thành vấn đề đối với tôi. Đó là công việc thường ngày của tôi. Do tình cờ mà tôi có mặt trong ca trực đó để làm công việc của mình. Suốt mười năm người vợ quá cố của tôi đã không biết gì về chuyện đó, và khi cô ấy hỏi: “Anh đã làm gì?” tôi cũng chỉ nói: “Anh có làm gì đâu”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật