Chân dung ‘ông vua’ đi cày ở lễ hội Tịch Điền

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Vua Lê Đại Hành dừng lại ở Núi Đọi, dành thời gian xuống đồng cày ruộng dạy người dân nơi đây cày cấy. Năm nay là năm thứ 5 ‘vào vai’ Đức Ngài, tôi thấy rất vinh dự, tự hào” - lão nông 85 tuổi tâm sự.
Chân dung ‘ông vua’ đi cày ở lễ hội Tịch Điền
“Nhà vua“ cày những luống đầu tiên để mở đầu lễ hội khuyến nông vào mùa xuân. Ảnh: Việt Hưng.

Từ năm 2009, lần đầu tiên lễ hội Tịch Điền được tổ chức lại ở chính nơi vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. Từ đó tới nay, lễ Tịch Điền được xem là “quốc hội” và tổ chức hàng năm vào ngày mùng 7 tháng giêng tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Năm 2013 là năm thứ 5, cụ Đinh Trọng Tế (SN 19229 ở thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vinh dự được “vào vai” nhà vua Lê Đại Hành. Lão nông ở tuổi xưa nay hiếm vẫn quắc thước, nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Nhằm khuyến khích nông dân chăm lo sản xuất, cày cấy, năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành về cày ở Đọi Sơn, mở đầu một phong tục đầu xuân đầy ý nghĩa. Theo người xưa, lễ Tịch điền là ngày hội xuân, khi đó các vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài đường đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp đặc biệt là phát triển nông nghiệp lúa nước. Sau đó, thửa ruộng này sẽ được chăm sóc và sản phẩm sẽ dùng để tế lễ năm sau.

Lễ cày tịch điền được tiến hành đầu tiên tại nước ta dưới thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), sau đó được tiếp tục và trở thành một truyền thống kéo dài đến thời nhà Trần. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xuống ruộng để cày ruộng.

Có 7 người con, nay cụ Tế ở trong một căn nhà cấp 4, cũ kỹ với người con trai thứ 3. “Tôi từng tham gia kháng chiến chồng Pháp rồi lại chống Mỹ ở địa phương. Các con trai đều đi bộ đội, phục vụ đất nước. Cậu con cả là thương binh loại 1. Khi lớn lên, chúng tôi đã nghe các cụ kể về câu chuyện nhà vua từng ở đất này, đi cày khuyến khích nông dân sản xuất. Nay tóc đã bạc hết, tận mắt chứng kiến lễ hội được phục hồi, người già như tôi chẳng có niềm vui nào hơn”, cụ Tế bắt đầu câu chuyện.

Tuy tuổi đã cao nhưng với cụ Tế, việc đi cày không có gì là khó. Nhiều năm gần đây, khi đồng ruộng được cơ giới hóa thì việc “con trâu đi trước, cái cày đi sau” có vẻ xa lạ với con trẻ. “Ngày xưa, việc đi cày chỉ khó khăn khi mang con nghé đi vực mà thôi. Cày ngày cả sào ruộng là chuyện bình thường. Năm 2009, lần đầu tiên tôi vào vai Đức Ngài, lòng bồn chồn lắm. Tôi như được sống trong không khí ngày xưa ấy”, lời cụ Tế.

Cụ Đinh Trọng Tế.

Ở tuổi 85 nhưng cụ Tế vẫn rất quắc thước, nhanh nhẹn. Ngày 28 Tết, cụ vẫn ngồi chẻ lạt, chuẩn bị gói bánh chưng cùng con cháu. 4 năm làm "Đức vua", năm nay là năm thứ 5, cụ Tế vẫn nhớ như in kỷ niệm từng năm một.

“Năm đầu tiên, một con trâu ở trong xã Tiên Ngoại được chọn dẫn đầu đàn. Con trâu ấy rất đẹp. Tôi phải tập với nó mất mấy ngày, cho nó ăn, làm quen với nó. Tôi vẫn nhớ năm ấy, nó được cô họa sĩ người Anh vẽ hình rồng chầu nhật nguyệt và đoạt giải. Tôi chỉ đi cày vài đường phỏng theo nhà vua ngày xưa nhưng vẫn cần có người dắt trâu, cày thẳng như thật vậy”, cụ Tế kể.

Cụ ông 85 tuổi kể về lịch sử ngày lễ hội Tịch Điền ở quê mình với giọng đầy tự hào. Theo cụ, sử sách và người xưa truyền lại nhiều câu chuyện về nhà vua. Vua Lê Đại Hành đã từng ở đất Long Đọi Sơn cùng bầu đoàn một thời gian trước khi ra Thăng Long. “Ở đây, những gốc tích về cánh đồng Lê, khu "ngọc điền" là nơi trồng lúa, gạo ngon nhất cho nhà vua vẫn còn. Nơi vua ở tựa lưng vào núi, nhìn ra phía cánh đồng. Ở ngoài cánh đồng rộng còn có khu tàu ngựa, góc núi vẫn còn có nhà tù... Những dấu tích về 9 con rồng, 9 chiếc giếng nay vẫn còn quanh núi”, cụ Tế kể về lịch sử làng mình xưa.

Cụ Tế năm nay đã có chắt lớn, đứa lớn nhất đã là sinh viên đại học. Với cụ, ngày Tết, ngày lễ là dịp để các con cháu tụ họp về, vui vầy cùng nhau. Dịp ấy, cụ thường xuyên kể lịch sử những di tích, những phong tục tập quán quê nhà để con cháu không bao giờ quên. “Con cháu biết sử, thuộc sử thì mới tự hào về quê hương. Tôi tin, niềm tự hào về nơi quê cha đất tổ ấy sẽ giúp các con, các cháu thành người” - lời cụ Tế.

Trong 4 năm đi cày, cụ đã được gặp Chủ tịch nước. Với cụ Tế, được bắt tay Chủ tịch nước, cùng xuống ruộng đi cày khuyến nông là một niềm vui, niềm vinh dự lớn. "Tôi mong lễ hội này sẽ được thế giới công nhận vì qua tìm hiểu lịch sử, tôi thấy chỉ có nước mình mới làm được như vậy. Đây là một lễ hội có ý nghĩa nhân sinh to lớn, phục vụ công cuộc lao động, sản xuất, phát triển đất nước" - cụ Tế giọng đầy hào sảng.

Lễ hội Tịch Điền năm nay diễn ra từ ngày 14/2 đến 16/2 tức ngày 5 - 7 Tết. Ngày mùng 7 Tết, "Vua" sẽ xuống cày ruộng đúng như truyền thống được bắt đầu cách đây hơn 1000 năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật