Thư gửi ba mẹ từ Tokyo trong ngày Tết

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Này em, có gói bánh không, chị có lá để trong ngăn đá từ năm ngoái đấy?”… Bánh ạ! Nhớ giọng mẹ quá! “Vợ chồng cái con mày đi rồi, mẹ chỉ gói một nồi thôi. Đào hả, mẹ mua rồi. Mùng 3 cả nhà về quê… Tết bên đó thế nào?”.
Thư gửi ba mẹ từ Tokyo trong ngày Tết
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chúc Tết bà con người Việt (ảnh: Tuệ An)

“Tết bên đó thế nào?”.

Ai cũng hỏi con câu này mẹ ạ. Cả chị L.A., chị mà cho con lá dong người nhà gửi cho chị từ năm ngoái ấy, cũng hỏi con như vậy. Nhưng cũng như con thôi, chị ấy biết Tết bên này là như thế nào mà. Thế nên con viết cho ba mẹ nhé, con sẽ kể cho ba mẹ về Tết ở bên này.

Ba mẹ kính mến, Tết bên này…





Cộng đồng người Việt đón Tết tại ngôi chùa ở Tokyo (ảnh: Tuệ An)

Em L. làm dâu bên này gần 8 năm rồi, em ấy nói cho con biết là từ hơn 140 năm nay, Nhật Bản không dùng lịch ta nữa, họ chỉ có Tết theo lịch dương thôi. Mình sống bên này, mình cũng chung vui với cái Tết của người Nhật, nhưng người Việt vẫn tìm đến nhau, ăn cái Tết Việt Nam trên tinh thần. Thế nên hôm mùng 1 Tết Tây, con cùng rất nhiều người Việt đổ về ngôi chùa gần ga Hamamatsucho ở Tokyo để gặp nhau.

“Chị là Q, chị mang họ chồng được 18 năm rồi. Tết Tây năm nào chị cũng đến chùa đây, để được nói tiếng nói của người Việt mình, được làm nghi lễ cầu bình an cho gia đình. Còn Tết âm lịch ư, bên này đâu có đâu em” - chị gái xinh xắn mới quen mắt đỏ hoe khi nói với con về Tết, ba mẹ ạ.

“Cho dù không ăn Tết Việt Nam, nhưng nỗi nhớ người thân, anh em, cha mẹ, nhớ không khí tết quê mình - có thể một năm qua, công việc bận rộn làm mình quên đi - nhưng Tết đến, nỗi nhớ lại trở về, chị nôn nao lắm. Nên gần 20 năm rồi, năm nào cũng thế, chị cũng canh đúng ngày đó, giờ đó, không bao giờ quên, để gọi điện về chúc Tết cha mẹ, hỏi thăm anh em. Rồi ngậm ngùi một chút thôi, xong rồi lại tất bật với con cái, rồi lại công việc và cuộc sống bên này ấy mà”.

Ba mẹ ạ, trong những ngày này, cứ chỗ nào nói tổ chức Tết truyền thống là chỗ đấy có gia đình con. Chùa ở Hamamatsucho do một Hoà thượng người Nhật (quan hệ rất gần gũi với Việt Nam) trụ trì, nhưng sư cô ở đây là người Việt, nên năm nào nơi này cũng là điểm hẹn của cộng đồng người Việt. Có người đến quanh Tokyo, nhưng có chị từ nơi cách xa Tokyo hàng tiếng đồng hồ đi tàu Shinkasen. Trong chùa treo rất nhiều ảnh Hoà thượng và sư cô thăm Việt Nam, được Thủ tướng Việt Nam tiếp đón. Năm nay, sau khi chúc Tết Nhật Hoàng, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cũng ghé chùa để chúc Tết bà con.

Đấy là con đang kể Tết dương lịch vừa qua.

Còn Tết truyền thống năm nay, Sứ quán mình tổ chức đặc biệt hơn hẳn mọi năm ba mẹ ạ. Tết nhằm Chủ Nhật 10/2/2013, nhưng Đại sứ quán kết hợp với Tổng hội người Việt Nam tại Nhật Bản cùng tổ chức Tết cho người Việt Nam vào ngày 17/2/2013.

Sự kiện lớn hơn mọi năm, vì năm nay là năm có nhiều ý nghĩa quan trọng, năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Năm hữu nghị Nhật - Việt. Anh Phan Hữu Duy Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, mail cho con nói rằng, sự kiện này “chỉ mới diễn ra lần thứ hai kể từ năm 1976 đến nay”.

Con đang chờ đợi được gặp gỡ mọi người. Người Việt đang sống xa quê hương, nhiều khi quá bận rộn, không có dịp để ngồi lại cùng nhớ lại cái Tết của ta...

Giới sinh viên thì tổ chức đón Tết truyền thống từ hôm 20/1. Hát hò giao lưu vui vẻ lắm. Nhìn các bạn ấy tất bật chuẩn bị, tất bật hát hò, tất bật cười nói, tất bật vui, sao con thấy trẻ trung quá. Con nhớ những cái Tết vô lo vô nghĩ khi bên mẹ...

Con gặp lại L. ở đây. Cái cô mà lấy chồng Nhật gần 8 năm con vừa kể ở trên ấy. “Già rồi mà còn đàn đúm với sinh viên”. Hai chị em nhìn nhau cười.
Các bạn sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đón Tết truyền thống sớm (ảnh: VYSA)

L. nói chuyện với con: “Hai năm làm sinh viên bên này, gần 8 năm sống với gia đình chồng, vẫn không quên được mùi Tết... Chị nhớ N. Không (nhà em ấy ở Sendai, cái khu vực mà bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa năm 2011), mẹ em ấy cứ giục cuống lên, về đi con. Bay về ù một cái là đến. Nhưng chị tính, còn công việc, còn con cái học hành… (Lại công việc.) Con không sao đâu, năm sau con sẽ về. N. nói thế, rồi sau đó lại điện thoại cho em gào lên, em thèm Tết quá chị ơi…”

Em L. nói với con, năm nay em dẫn người chồng Nhật về quê ăn Tết. “Em sẽ dẫn anh ấy đi chọn đào, và hướng dẫn anh ấy cả cách chọn gà cúng nữa, để cho anh ấy biết chọn được cành đào hoặc con gà trống biếu bố mẹ vợ ngày Tết phải như thế nào, và phải vất vả như thế nào. Hì hì...”.

Rất vui là em ấy có một người chồng Nhật, nhưng như anh ấy nói, anh thấy mình “nhiều chất” giai Việt hơn. Những cô dâu Việt bên này mà con biết, ai cũng nhiệt tình và hồ hởi, và đặc biệt, ông chồng của ai cũng có cái gì đó thật vồn vã và dí dỏm.

“Này em, có gói bánh không, chị có lá để trong ngăn đá từ Tết năm ngoái đấy?”

Tiếc quá, ba mẹ biết rồi đấy, con có bao giờ gói bánh chưng đâu, đành từ chối chị L.A. vậy. Không biết ai cho chị ấy một cái bánh chưng ấy, chị ấy “up” lên facebook, cả nhóm phụ nữ chúng con xúm vào, khen nức nở. Nhìn thấy cái bánh thôi, mà như thấy Tết quê mình rồi.

Ba mẹ kính yêu,

Từ quê mình, Tết đã rộn ràng đỉnh điểm trên Facebook từ cả nửa tháng qua, rồi lắng lại mấy ngày cận Tết (ba mẹ có biết facebook không?). Chắc các em con, bạn bè con, sau những than thở về khó khăn đi lại, tiền nong eo hẹp, đau đầu vì cân đối thu chi… đã lại vui vẻ tất bật với Tết, toe toét khoe chọn được chậu quất tứ quý, khệ nệ sách những giò, những thịt, những bánh kẹo, rồi tất tả đón con trong ngày cuối cùng của năm, mẹ nhỉ (như mẹ bao năm qua vẫn thế).

Con nghe hoài, thành cứ tưởng mình vẫn đang ở quê. Đêm nằm mơ dắt tay “người ấy” lội xuống ruộng hoa. Giầy đầy đất, tóc áo tả tơi, mà mặt con roi rói…

Tết rồi… Giờ này chắc L. đã ở Hà Nội, chắc đã phải mua gà cho bố mẹ vợ xong rồi, đang chen nhau đi mùa đào cho mà xem. Em N. chắc vẫn sáng dậy làm obento cho chồng, rồi đưa con đi học, rồi đi làm thêm… Chị L.A. không biết có gói nốt số lá trong tủ lạnh không nữa…

Còn con phải đi làm đây, cho kịp giờ tàu.

Như mẹ nói, khi yêu, chỉ cần nghĩ về nhau là đủ… Tết năm tới nhất định con sẽ về. 40 tuổi rồi, con sẽ ngồi học gói bánh chưng. Mẹ bảo cho con nhé.

À, mà Giao thừa, ba mẹ nhớ đợi điện thoại của con...

Con yêu ba mẹ,

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật