Đừng biến Tết Nguyên Đán thành… mùa tàn phá thiên nhiên

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đêm giao thừa Tết Nguyên Đán cận kề, PV “dạo” một vòng cung qua trung du bán sơn địa Phú Thọ, dọc Sơn La, về Mộc Châu, Mai Châu, Hòa Bình.
Đừng biến Tết Nguyên Đán thành… mùa tàn phá thiên nhiên
Ảnh minh họa

Đường đông, khúc cua nào cũng nguy hiểm bởi sự “bát nháo kiểu du xuân”, nhưng chính điều đó lại là bằng chứng về thêm một mùa xuân vui rộn rã. Kinh tế khó khăn, chi tiêu cắt giảm héo hắt đóng băng ở đâu đó. Song, với mận đào thì sự tưng bừng còn “nhiệt thành”, hào phóng hơn năm cũ rất nhiều.

Từ trung du Ba Vì (Hà Nội) ngược trung du Phú Thọ, đào đã rợp sắc các thôn bản. Nhiều cụ già áo nâu, lưng còng, răng đen nhức, ẩy cái xe cải tiến chở um tùm những đào phai, đào bích lộng lẫy sắc hoa ra chợ cuối năm. Ngược đèo Cón, qua Phù Yên, Bắc Yên, đủ trăm hoa đua sắc. Rừng mận hoa trắng phủ voan như sương khói ở Lóng Phiêng, huyện Yên Châu còn ngơ ngác. Thì Mai Châu, Hang Kia – Pà Cò đã tắc cả đường tỉnh lộ, quốc lộ bởi nườm nượp kẻ mua người bán “đào rừng”.

Nhiều nhất là đoạn quốc lộ 6 huyền thoại từ Mộc Châu về Mai Châu, người đi Châu Mộc chiều sương ấy, họ họp chợ ngay ở lòng lề đường nhé. Những cây đào cổ thụ rêu phủ xanh rì cành, gốc. Thân to bằng bắp đùi người lớn, nhiều “cụ” đào khổng lồ mấy chục triệu đồng, không xe cá nhân nào chở nổi, phải dùng xe cẩu của người bán cẩu thằng về Hà Nội mới xong. Người bán hồ hởi: anh cứ thanh toán một nửa tiền; em thuê xe cẩu rước về tận nhà anh, dọc đường “lo lót” kiểm lâm (?) em phụ trách tất.

Than ôi, thú chơi đào tết, đào rừng giờ đã trở thành nạn “đào” (đào tận gốc trốc tận rễ!) bỏ rừng già rồi. Lạc mình giữa chốn tiên cảnh của rừng mận rừng đào Lóng Phiêng xa ngái (một xã vùng hỏe lánh của huyện Yên Châu), tôi bỗng bồi hồi lo đám trọc phú bất chấp lương tâm với đất trời sẽ sớm “phát hiện ra” rừng đào trong xó núi này, rồi xông vào xỉa tiền rước tất cả hoa lá về nhà mình. Họ sẵn sàng cạo trọc rừng của dân của chung thiên nhiên xứ sở, cốt sao việc đón xuân của họ có được một cây đào đại thụ rồi “vểnh râu khoe mẽ”.

Điều đó có công bằng không? Có nên khuyến khích không? Chỉ số hạnh phúc không thể đo bằng sự chiếm đọat có gì đó bạo tàn kia được, mà nó phải được đong đếm bằng cả cảm giác vì cộng đồng, cảm giác về lòng nhân ái với con người và với thiên nhiên. Nhìn cảnh người dân xã Pà Cò bắc thang, bắc cáng và khênh kiệu để leo lên chặt cành, cẩu một đại thụ đào đem bán trong nỗi ngạc nhiên của đám du khách châu Âu, bỗng dưng tôi thấy đau đớn. Nhìn các xã vùng sâu vùng xa, trẻ em nheo nhóc, người lớn lũ lượt khênh đào ra vây kín quốc lộ để bán, tôi không trách những người vì kế sinh nhai, vì lo Cái Tết mà phải vất vả “cạo cả vườn, cạo cả rừng” đem bán nhiều lắm.

Tôi trách cái thị trường đào Tết đã tràn lướt, càn lấn “bóc” đi tất cả. Ngoái lại thấy những rừng đào trọc lốc sau nhiều năm “ngưng tụ hương sắc đất trời”, không ai không thấy xót xa. Vì đâu nên nỗi? Lỗi bởi mùa xuân đã về!

Ông bà ông vải chúng ta nghìn năm trước có lẽ đã chơi đào, chơi mai cảnh ngày Tết, nhưng thú chơi nó thanh bình, lịch lãm, tỉa tót lắm. Chặt cành thôi, bứng cây nhỏ thôi, hay là thế nào đó, chứ không phải nhổ cả đào đại thụ cho lên xe cẩu, không phải là chặt trụi cả một thung lũng mơ màng khênh về phố thị như thế này.

Và, có lẽ nhiều người còn tranh luận về việc đốn đào cổ thụ, nhổ trụi đào rừng về chơi xuân. Chúng tôi xin gửi về đây một chùm ảnh để ngày xuân ta cùng bàn thảo:

Rừng đào rừng mận mơ màng ở Yên Châu và Mộc Châu (tỉnh Sơn La).
Một gốc đào chuẩn bị đem bán.
Bà con người Mông náo nức bó đào thành từng “cục” để ô tô đến chở đi bán đại trà.

Gốc đào nhiều năm tuổi cũng... ra chợ.
Thêm một cây đào được bứng gốc.

Bà con người Mông náo nức bó đào thành từng “cục” để ô tô đến chở đi bán đại trà.

Trước ống kính của chúng tôi, chủ của các gốc đào rừng to đùng này hứa sẽ bỏ tiền thuê xe cẩu, lót tay “lực lượng kiểm tra”,  mang được “đào rừng” về tận nhà khách ở Hà Nội. Mỗi gốc đào trị giá hơn 10 triệu đồng. Thử hỏi, rừng đào nổi tiếng Mộc Châu sẽ đi về đâu?
Du xuân, thấy lòng nặng trĩu. Thậm chí chúng tôi trở về sau một vòng cung đón xuân Tây Bắc mà không nỡ chất lên nóc xe một cành đào nào cả. Cạo trọc thắng cảnh bao năm huyền thoại của quê hương xứ sở, cõng nó về nhà mình chơi vài ngày rồi vứt ra bãi rác, nhẫn tâm quá chăng?
Một bà cụ ở trung du Phú Thọ, chăm chút, tỉa từng cành đào nhỏ, cho lên xe cải tiến ẩy ra chợ Tam Nông bán kèm theo lời chúc phúc dành cho người mua. Thật ấm lòng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật