Ảnh giải cứu tàu Mỹ ở biển Đông

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những hình ảnh độc về quá trình cứu hộ con tàu dò mìn của Hải quân Mỹ mắc cạn ở rặng san hô Tubataha, Philippines.
Ảnh giải cứu tàu Mỹ ở biển Đông
Tàu USS Guardian mắc cạn ở rặng san hô Tubataha.

Hôm 17/1, tàu quét mìn USS Guardian (MCM-5) của Hải quân Mỹ đã bị mắc cạn tại rặng san hô Tubataha, cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 640km.

Tàu phá mìn USS Guardian thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đang trên đường tới cảng tiếp theo trong lịch trình thì xảy ra vụ mắc cạn. USS Guardian là tàu lớp Avenger của hải quân Mỹ có chức năng tìm kiếm và phá hủy mìn. Chiếc tàu 1367 tấn, dài 68m này được đóng vào tháng 5/1985 và chính thức đi vào hoạt động tháng 12/1989.

Vụ mắc cạn không gây ra thương vong nào cho thủy thủ đoàn và các sĩ quan trên tàu. Những người này đã được đưa ra khỏi tàu sau khi nó mắc cạn ở rặng san hô Tubataha.

Sau khi xem xét các phương án khả thi, Hải quân Mỹ đề xuất kế hoạch tháo gỡ tàu USS Guardian thành nhiều phần.

Ông James Stockman, người phát ngôn Hải quân Mỹ trả lời hãng thông tấn AP cho biết, việc tháo dỡ tàu USS Guardian nhằm giảm thiểu tác động đến rặng san hô Tubbataha. Ông cũng cho biết phía Philippines cũng đang xét xét kế hoạch này.

Trước đó, Hải quân Mỹ có kế hoạch nâng USS Guardian bằng cần trục lên một sà lan và đưa về bến cảng nhưng kế hoạch này có thể gây ra nhiều thiệt hại cho rặng san hô Tubataha.

Hải quân Mỹ đang điều tra vụ tai nạn khiến cho Chính phủ Phillippines và cơ quan bảo vệ môi trường đang rất lo lắng về mức độ thiệt hại của các rặng san hô.

Tổng thống Phillippines Benigno Aquino cho biết Hải quân Mỹ phải giải thích cách đưa tàu ra khỏi khu mắc cạn và sẽ phải bị phạt vì gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đô đốc Thomas Carney, chỉ huy lực lượng hậu cần Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương  cho biết Mỹ sẽ điều tra tất cả các nguyên nhân dẫn đến vụ mắc cạn bao gồm lỗi bản đồ kỹ thuật, điều kiện thời tiết biển cũng như trạng thái của các thiết bị định vị trên tàu.

Đại sứ Mỹ tại Phillippines, ông Harry K. Thomas, đã xin lỗi phía Phillippines và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với nước này nhằm tháo gỡ tình hình.

Trước đó, Hải quân Mỹ đã di dời nhiều nhất có thể các đồ vật khỏi USS Guardian để giúp con tàu nhẹ bớt và đã hút dầu, dung môi và những chất khác có thể gây hại cho môi trường.

Dưới đây là một số hình ảnh về quá trình giải cứu tàu MCM-5:

Đội đánh giá tình hình thuộc đội cứu hộ Hải quân Mỹ lên tàu USS Guardian ngày 23/1.
Đội đánh giá tình hình Hải quân Mỹ đang làm việc trêu tàu USS Guardian.
Hàng hóa được chuyển ra khỏi USS Guardian ngày 27/1.
Ngày 28/1, tàu kéo Malaysia Vos Apollo đang loại bỏ các chất độc hại từ tàu USS Guardian. Tàu Vos Apollo được Hải quân Mỹ ký hợp đồng để loại bỏ nguyên liệu từ chiếc tàu mắc cạn nhằm tránh những ảnh hưởng đối với rặng san hô.
Khoảng 56.000 lít nguyên liệu đã được Vos Apollo chuyên chở khỏi USS Guardian.
Ngày 28/1, tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) đang nhận các trang thiết bị được chuyển đi từ tàu mắc cạn USS Guardian.
Trang thiết bị trên tàu USS Guardian đang được thủy thủ đoàn chuyển lên boong tàu.
Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Tom Carney đang bàn biện pháp giải quyết vấn đề tàu mắc cạn với chỉ hủy lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines Commodore Eric Evangelista và chỉ huy tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Corregidor - đại tá Lobatan trên tàu USS Mustin (DDG 89).
Ngày 2/2, thợ lặn từ tàu USNS Salvor (T-ARS 52) đang chuyển các trang thiết bị từ tàu USS Guardian (bên trái) sang các tàu khác.

Theo bà Grace Barber, một quan chức tại phòng quản lý công viên, ban quản lý Công viên Hải dương Rặng san hô Tubbataha đã xác định ít nhất tàu Hải quân Mỹ đã vi phạm 3 điều khoản pháp lý.

Cụ thể, tàu USS Guardian không được phép đi vào khu vực, không trả phí ra vào và gây cản trở công việc của các nhà quản lý công viên.

Bà Barber cũng cho biết Mỹ có thể bị phạt 300 USD mỗi m2 rặng san hô bị hư hại. Chưa thể đưa ra đánh giá thiệt hại nếu như tàu Mỹ chưa di dời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật