Người mẹ bị AIDS nuôi con từ tiền bán m‌a tú‌y

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến khi phải nằm trong trại và nghĩ về đứa con trai chịu nhiều thiệt thòi do mất cha, mẹ vào tù, Oanh mới cảm thấy day dứt và ăn năn.
Người mẹ bị AIDS nuôi con từ tiền bán m‌a tú‌y
Hạnh phúc khi được gặp mẹ và con trai.

Phạm nhân Trần Thị Oanh ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, cô lớn lên với nhiều ước mơ và hoài bão. Năm Oanh vừa hết lớp 9, bố mẹ cô ly dị. Nỗi buồn về một gia đình không toàn vẹn luôn khiến Oanh day dứt dù cô hiểu rằng, sự chia tay ấy là cái kết được dự báo trước.

Trong suốt những ngày tháng trước đó, cô luôn phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, giày vò, làm khổ nhau. Biết là như vậy, nhưng Oanh vẫn thèm một cuộc sống bình yên, một gia đình hạnh phúc. Không chịu nổi cú sốc đầu đời, cô bỏ học giữa chừng. Rất nhiều thầy cô, bè bạn đã cảm thấy tiếc nuối cho Oanh, vì cô học khá, nhất là môn văn.

Có lẽ chính vì thế mà khi tình yêu đến với Oanh, cô đã đón nhận như để khỏa lấp đi nỗi buồn từ sự đứt gánh hôn nhân của cha mẹ. Sau khi bỏ học được vài năm, Oanh vội vã lao vào cuộc tình với một người đàn ông hơn cô 12 tuổi. Ngày ấy, dù gia đình không ủng hộ chuyện hôn nhân vì Oanh còn quá trẻ, nhưng cô gái 1‌8 tuổ‌i vẫn nhất định kết duyên cùng người đàn ông ấy.

Từng chứng kiến và là nạn nhân trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, nên Oanh luôn tự nhủ phải chắt chiu, nâng niu hạnh phúc gia đình. Với ý thức vun vén cho tương lai, cô đã không ngại vất vả ngày đêm chạy chợ. Chồng cô, tuy chỉ là người thợ hồ với thước gỗ, bàn xoa nhưng cũng biết chắt chiu cùng vợ xây lo cho tổ ấm. Oanh từng nghĩ, hạnh phúc của mình chỉ cần đến thế. Cô không thể ngờ rằng, ngọn lửa hạnh phúc vừa mới nhen lên đã sớm lụi tàn.

Tất cả bắt đầu kể từ khi đứa con đầu lòng của hai vợ chồng cô ra đời. Cô ôm con ở nhà, mọi lo toan trong gia đình dồn cả vai chồng, cuộc sống trong gia đình nhỏ bắt đầu sóng gió. Mấy tháng sau, chồng cô sau một lần đi khám bệnh thì phát hiện đã nhiễm virus HIV. Anh mắc căn bệnh thế kỷ qua mấy lần vui vẻ với khách làn‌ּg chơ‌ּi. Nghe tin đó, Oanh như người chết đi sống lại. nghiệt ngã thay, chính cô cũng bị lây căn bệnh chết người đó từ chồng.

Mong níu giữ cuộc sống cho chồng, trong nhà có thứ gì bán được tiền Oanh đều bán hết để lo chuyện thuốc thang. Nhưng dù cố gắng chạy chữa bao nhiêu, chồng cô cũng không tránh khỏi lưỡi hái tử thần. Chồng mất, gia đình chồng hắt hủi, Oanh ôm đứa con còn đỏ hỏn về sống nhờ nhà mẹ đẻ.

Không đầu hàng số phận, cô đã tìm hiểu và xin tham gia lớp học đồng đẳng khi có dự án tuyên truyền ở thành phố Lạng Sơn. Nhưng sau một năm, dự án kết thúc. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của Oanh từ việc tham gia dự án cũng không còn nữa. Bí bách và túng quẫn, cô quyết định nhờ mẹ trông con để lên thành phố bán hàng rong. Những lúc rảnh rỗi, cô còn đi rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn để kiếm thêm tiền.

Mấy người bạn rủ Oanh đi bán hàng cho các tàu du lịch ở Hạ Long. Cô gật đầu đồng ý. Công việc mới giúp Oanh có điều kiện kinh tế tốt hơn, cô chăm lo cho bản thân, gửi tiền đều đặn về cho mẹ chăm sóc đứa con trai. Cứ vài tháng, cô lại về thăm nhà, thăm con một lần.

Mấy năm trời lăn lộn để mưu sinh, có tiền nhưng đong đầy nước mắt, Oanh quyết định trở về quê khi con trai vừa tuổi đến trường. Cô mở một quán nước nho nhỏ ở gần nhà. Tuy chén trà, điếu thuốc chỉ giúp mẹ con cô đắp đổi qua ngày, thế nhưng đổi lại Oanh có thể gần con và không phải sống cuộc đời trôi dạt trên sóng nước.

Cuộc sống của Oanh sẽ lặng lẽ trôi đi nếu như cô chấp nhận dừng chân. Nhưng vì quá lo cho cuộc sống sau này của con, Oanh nhận lời bán lẻ m‌a tú‌y cho các con nghiện ở địa phương. Chỉ sau vài lần giao dịch, cô bị bắt và lĩnh án 5 năm tù.

Lúc đó, Oanh tưởng như tất cả đã chấm hết. Tinh thần suy sụp, cộng thêm ý nghĩ sẽ bị HIV quật ngã bất cứ lúc nào khiến cô gần như kiệt quệ. Cô nghĩ mình sẽ chết, sẽ mòn mỏi trong trại giam mà không còn cơ hội gặp mặt đứa con trai. Nhưng được sự quan tâm của Ban giám thị Trại Tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn đối với những phạm nhân có “H”, Oanh thường xuyên được theo dõi, chăm sóc y tế, được cấp phát thuốc để điều trị. Nhờ đó, cô dần hồi phục, ổn định về sức khỏe.

Nằm trong buồng giam, Oanh đã khóc rất nhiều. Cô thương mẹ, thương mình và thương cả cho số phận nghiệt ngã của đứa con trai. Cũng kiếp phận con người nhưng con trai cô vừa mới sinh ra đã không được khỏe mạnh bình thường. Đã thế, cháu lại phải chịu thêm nhiều nỗi mất mát lớn lao. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ rơi vào lao lý, dường như trong mắt thằng bé luôn chất chứa nỗi buồn.

Mỗi lần ngoái về quá khứ, Oanh đều thấy day dứt về hành vi phạm tội của mình. Sợ con bị tổn thương, Oanh nhờ bà ngoại giấu tiệt con trai lý do cô vắng mặt lâu ngày. Trong đầu đứa trẻ non nớt ấy, lúc nào nó cũng chỉ nghĩ mẹ đi làm ăn xa và sắp trở về.

Kể từ khi nhận thức được sai lầm, Oanh luôn răn mình phải cải tạo thật tốt, giữ gìn sức khỏe để còn có ngày về bên gia đình, về với con trai. Mỗi lần đi qua khu giam giữ, ngắm nhìn những đứa trẻ trong buồng giam cùng mẹ, Oanh lại cảm thấy nhớ con da diết.

Con trai Oanh hiện cũng đã hơn 10 tuổi, nhiều năm nay, cháu sống lầm lũi bên bà ngoại. Thời gian gần đây, mẹ Oanh thỉnh thoảng cũng đưa cháu vào thăm. Mẹ con, bà cháu mừng mừng tủi tủi. Gặp nhau thoáng chốc, nhưng với Oanh bấy nhiêu cũng là hạnh phúc, cũng khiến cô thêm nghị lực, thêm quyết tâm sống để bù đắp tình cảm cho đứa con tội nghiệp.

Giờ đây, khi thời gian thụ án đang mỗi ngày ngắn lại, Oanh càng thêm háo hức. Cô bảo, cô chỉ mong mỏi một điều, đó là trời già đừng cay nghiệt mà ban cho mẹ cô sức khỏe để chờ đợi được đến ngày cô mãn hạn trở về…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật