Giải đáp những câu hỏi khi tăng phí ATM

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Theo đó, các tổ chức phát hành thẻ ghi nợ nội địa sẽ được thu phí rút tiền ATM của khách hàng từ ngày 1/3/2013 theo khung phí dịch vụ thẻ được NHNN ban hành. Một lần nữa, mức phí ATM – câu chuyện nhỏ mà không nhỏ - lại gây “sốt” với dư luận, nhất là trước băn khoăn nhiều về chất lượng dịch vụ ATM. Vậy, phí ATM tăng sẽ tác động đến ai, và ai là người có lợi nhất trong chuyện này?.
Giải đáp những câu hỏi khi tăng phí ATM
Ảnh minh họa

Thu không đủ bù chi?

NHNN chấp nhận đưa ra lộ trình tăng phí và thu phí ATM nội mạng bởi cho rằng, tình trạng thu chi mất cân đối trong hoạt động kinh doanh thẻ nếu kéo dài thêm sẽ dẫn tới việc các ngân hàng không có động lực đầu tư mở rộng, duy trì mạng lưới ATM cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ, và vô hình trung ảnh hưởng tới lợi ích của toàn xã hội, của ngân hàng và khách hàng.

Lợi ích chủ yếu từ hoạt động kinh doanh thẻ nội địa của các ngân hàng là số dư tiền gửi không kỳ hạn cá nhân gắn với tấm thẻ ghi nợ/ATM, tính đến cuối tháng 6/2012 là 40 nghìn tỷ đồng trên các tài khoản thẻ toàn hệ thống.

Tuy nhiên, đồng nghĩa nguồn thu này bằng tổng số dư tài khoản thẻ nhân với chênh lệnh giữa lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (hiện khoảng 2-3%) với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn/ tiết kiệm (8-9%) là có phần chưa chính xác và toàn diện. Bởi, bản chất là dòng tiền này là “động”.

Các ngân hàng phải dự phòng phần lớn nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu giao dịch rút tiền, thanh toán, chuyển tiền bất thường, trong đó có lượng tiền “chết” cho tiếp quỹ ATM và phải mất nhiều chi phí, nhân lực để quản trị rủi ro thanh khoản, cân đối kỳ hạn... Bởi vậy, không thể tính nguồn thu “áp” theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn/ tiền gửi tiết kiệm. Khách hàng muốn có lãi suất cao hơn có thể lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn mặc dù chỉ với số tiền rất nhỏ.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh thẻ của nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng với mạng lưới ATM lớn, thường là thu không đủ bù chi. Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng nước ngoài, sau khi cân đối lợi ích, chi phí từ hoạt động kinh doanh thẻ ATM đã lựa chọn chỉ đầu tư tượng trưng một lượng máy ATM nhất định hoặc không đầu tư mạng lưới ATM của riêng mình.

Nhìn chung, công tác đầu tư, duy trì mạng lưới ATM là hoạt động rất tốn kém. Theo thống kê của NHNN, trong năm 2012, tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM là gần 3,7 nghìn tỷ đồng; tổng thu (đã bao gồm lợi ích thu được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tài khoản thẻ nội địa) là xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng; chênh lệch thu-chi chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ đồng.

Tăng phí, có tăng chất lượng?

Để đảm bảo việc các ngân hàng thu phí gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng với việc ban hành Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định mức phí ATM, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy ATM.

Phí rút tiền nội mạng tại ATM sẽ tăng dần theo năm

Cụ thể, phí phát hành thẻ là từ 0 đồng đến 100.000 đồng/thẻ. Phí thường niên từ 0 đồng đến 60.000 đồng/thẻ/năm.

Phí vấn tin tài khoản nội mạng miễn phí; ngoại mạng từ 0 đồng đến 500 đồng/giao dịch. Phí in sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản nội mạng từ 100 – 500 đồng/giao dịch; ngoại mạng là từ 300 – 800 đồng/giao dịch.

Phí rút tiền mặt nội mạng: Từ ngày 1/3/2013 đến 31/12/2013, mức phí rút tiền ATM nội mạng từ 0 đồng đến 1.000 đồng/giao dịch; từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2014, mức phí rút tiền ATM nội mạng từ 0 đồng đến 2.000 đồng/giao dịch; từ ngày 1/1/2015 trở đi mức phí rút tiền ATM nội mạng từ 0 đồng đến 3.000 đồng/giao dịch.

Mức phí rút tiền ngoại mạng (giao dịch thẻ thực hiện tại ATM của tổ chức không phải tổ chức phát hành thẻ cho chủ thẻ) từ 0 đồng đến 3.000 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM từ 0 đồng đến 15.000 đồng/giao dịch.

Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần; bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất; trong trường hợp ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ, phải báo lên NHNN địa bàn; tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán tiếp quỹ để đảm bảo thời gian máy ATM hết tiền không quá 4 giờ làm việc và không quá 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc.

Thời gian xử lý tra soát, khiếu nại và trả lời khách hàng đối với giao dịch ATM nội mạng không quá 5 ngày, ATM ngoại mạng không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận khiếu nại của khách hàng; không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 2 triệu đồng.

Các máy ATM phải được trang bị camera giám sát và thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực; các hình ảnh thu được của camera lưu trữ tối thiểu 100 ngày.

Chất lượng dịch vụ luôn là điều mà nhiều người sử dụng ATM không hài lòng, trong khi các ngân hàng đều khẳng định về nguyên tắc, đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ là một trong những mục tiêu chính của mỗi ngân hàng khi cung ứng dịch vụ này.

Trong điều kiện Việt Nam, do nhiều yếu tố khách quan như chất lượng dịch vụ tiện ích bổ trợ cho dịch vụ thẻ như điện, viễn thông còn thiếu ổn định, khối lượng giao dịch rút tiền lớn dồn vào thời điểm trả lương, dịp Lễ, Tết và cả nhân tố chủ quan như hệ thống hạ tầng thẻ chưa đảm bảo thông suốt liên tục vào thời điểm nhu cầu rút tiền tăng cao đột biến nên chất lượng dịch vụ ATM có nơi, có lúc chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người dùng thẻ.

“Bởi vậy, việc cho phép thu phí giao dịch ATM nội mạng nhằm hỗ trợ về kinh phí cho các ngân hàng trong việc đầu tư, phát triển hệ thống và nâng cao dịch vụ ATM tại Việt Nam” – đại diện NHNN nói.

“Mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng (nếu có) chỉ hướng tới việc bù đắp, thu hồi một phần chi phí giao dịch, giúp các ngân hàng cân đối phần nào chi phí bỏ ra, có thêm động lực đầu tư, mở rộng mạng lưới ATM và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng thời, việc thu phí cũng gián tiếp giúp dịch chuyển, định hướng lại hành vi, thói quen sử dụng dịch vụ từ sử dụng tiền mặt quá mức, nhiều khi không cần thiết, ví dụ như rút tiền mặt ATM tại siêu thị để mua hàng, rút tiền mặt khối lượng lớn tại ATM để chi trả trực tiếp...  sang thanh toán thẻ, thanh toán điện tử phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ theo chủ trương của Nhà nước”, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết.

Có thể thu phí hoặc không?

Đại diện NHNN cũng cho rằng, các loại phí, mức phí liên quan đến thẻ nội địa như phí thường niên, phí phát hành, phí rút tiền ngoại mạng, chuyển khoản tại ATM mà các ngân hàng đang áp dụng hoặc dự kiến áp dụng trong khung biểu phí quy định.

“Một điểm quan trọng là Thông tư chỉ quy định mức trần về phí dịch vụ, giao dịch ATM được phép thu trong từng thời kỳ. Điều đó có nghĩa là, các ngân hàng trong khả năng và phù hợp với chiến lược khách hàng trong từng giai đoạn có thể thu ở mức tối đa, thu một phần hoặc thậm chí là không thu phí” – ông Bùi Quang Tiên nhận định – “Bởi vậy, các khách hàng “nhạ‌y cả‌m” với yếu tố phí vẫn có thể lựa chọn được những ngân hàng phục vụ phù hợp”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật