“Mẹ hiền” của những đứa con hư

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở Trại tạm giam Công an Nghệ An, chị được ví như người mẹ hiền thực thụ, người luôn nâng giấc cho những “đứa con” hư, giúp họ nhận ra giá trị thực của cuộc sống để hướng đến tương lai sáng. Chị là Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ Đội quản giáo.
“Mẹ hiền” của những đứa con hư
Đại úy Nguyễn Thị Liên.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác của một cán bộ quản giáo, chị đã khóc cười cùng với những nỗi đau dấm dẳng và niềm vui bất chợt của những nữ can phạm nhân. Kỷ niệm, đôi khi chỉ là thoáng qua, nhưng lưu dấu bởi sự chân tình, mộc mạc của những người lầm lỡ khiến con tim chị phải thổn thức.

1. Đại úy Nguyễn Thị Liên năm nay bước sang tuổi 45, song chị vẫn toát lên vẻ đẹp xuân sắc mặn mà thời thiếu nữ. Nói thế để biết rằng, bất luận công việc vất vả ở trại tạm giam, với những bộn bề lo toan đã chiếm gần như trọn quỹ thời gian của một đời người, vẫn không làm phôi pha nét xuân thì vốn có.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc), năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Quản lý và Giáo dục can phạm nhân Bắc Thái, chị về nhận công tác tại Trại tạm giam Công an Nghệ An và gắn bó miết từ bấy đến nay, với công việc chủ yếu của một cán bộ quản giáo. Bao nhiêu năm công tác là bấy nhiêu năm chị “sống chung” với những con người bị xã hội lên án vì những việc làm trái Pháp Luật của họ.

Hiện tại, Đại úy Liên quản lý 30 can phạm nhân nữ đang bị giam giữ tại đây. Đặc biệt, trong số đó có một nữ tử tù, án m‌a tú‌y nên việc trông coi, giam giữ luôn có những liệu pháp mang tính chất tâm lý hơn là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc thù.

Đại úy Nguyễn Thị Liên tâm sự, kinh nghiệm gần 25 năm làm công tác quản giáo của chị cho thấy, khó khăn nhất vẫn là việc “trị liệu” những đối tượng mới nhập trại. Bởi, đây là thành phần mà mình chưa nắm bắt được diễn biến tư tưởng, lai lịch, tội trạng, hoàn cảnh gia đình trong khi đối tượng lại luôn hoang mang, lo sợ trước tội lỗi mình sẽ phải chịu mức án cao, dẫn đến hoảng loạn, chán chường và bất ổn về tâm lý.

Với những trường hợp này, việc bố trí buồng giam hợp lý luôn là điều mà chị cũng như anh chị em quản giáo luôn quan tâm trước tiên. Việc can phạm nhân sẽ được giam giữ chung với những đối tượng như thế nào sẽ có tác động rất tốt đến tâm lý, giúp ổn định tư tưởng.

Ngoài ra, đích thân chị thường xuyên thăm hỏi, động viên, phân tích để can phạm nhân hiểu ra đường lối, chính sách Pháp Luật của Nhà nước để họ hiểu ra, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan chức năng đặng nhận được sự khoan hồng của Pháp Luật.

Cùng với đó, chị thường nêu gương những đối tượng đã thành khẩn trước đó để khích lệ, làm nguồn động viên can phạm nhân hối lỗi, cải tà quy chính. Loại đối tượng thường gây khó dễ cho cán bộ quản giáo là nhiều tiền án, tiền sự, tội phạm lưu manh chuyên nghiệp hoặc tội phạm mắc các bệnh xã hội như HIV, lao phổi.

Đơn cử, như trước đây, chị trực tiếp quản lý đối tượng Hồ Thị Bích Khương, là tội phạm chống phá Nhà nước. Trong quá trình bị giam giữ, ả ta luôn chống đối, chửi bới, dọa nạt và nói lý với cán bộ. Ban đầu, chính chị cũng thấy khó chịu song về sau, kinh nghiệm cho thấy với loại tội phạm này cần mềm mỏng, nắm bắt hoàn cảnh gia đình để tác động đến tư tưởng và với cách này, chị đã khiến cho ả ta phải im lặng vì nể phục.

2. Đại úy Nguyễn Thị Liên trầm tư, với tội phạm là nam giới thì chị không luận bàn, song từng ấy năm công tác, tiếp xúc với hàng nghìn lượt nữ phạm nhân, chị nhận ra một điều rằng, phần lớn chị em phụ nữ (ít nhất là với những đối tượng mà chị đã tiếp xúc, quản lý trong quá trình giam giữ) đều phạm tội do hoàn cảnh đưa đẩy.

Trong đó, đặc biệt là với những phụ nữ vướng vào tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất m‌a tú‌y. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, và cả một khoảnh khắc không làm chủ được mình trước cám dỗ kim tiền, nhiều chị em đã sa ngã. Để rồi, khi cánh cửa nhà giam khép chặt, bỏ lại phía sau lưng gia đình, chồng con, họ mới tỉnh ngộ thì mọi việc đã an bài. Chị rất thương.

Trong số rất nhiều đối tượng tái phạm nhiều lần, cứ được thả ra ít bữa rồi lại thấy bị bắt vào trở lại, chị vẫn lưu tâm nhất đến đối tượng Hà Thị Hường, 54 tuổi, quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đối tượng này có ít nhất 6 lần nhập trại trong thời gian ngắn, với tội danh trộm cắp tài sản. Điều làm chị Liên chú ý là lần nào cũng vậy, thị vào chỉ với độc nhất bộ quần áo trên người.

Chính chi tiết này đã khiến chị tò mò, và cất công tìm hiểu về gia cảnh con người này, vì đâu nên nỗi. Đến khi biết được sự thật, thì chị lại thấy buồn đến nao lòng. Hóa ra, Hường không có nhà, không có nổi tấc đất cắm dùi, cũng không anh em bà con thân thiết gì sất.

Người đàn bà đã qua bên kia dốc cuộc đời, không nghề nghiệp, không chỗ tựa nương, không tương lai và cả không tình thương, để tồn tại, bà ta không còn biết làm gì hơn để kiếm sống bằng việc hành nghề “hai ngón”. Và đó là điều lý giải vì sao người đàn bà này lại lập kỉ lục nhập trại nhiều đến như vậy.

Sau khi thấu hiểu nỗi khổ riêng tư thầm kín đó, chị Liên đã quan tâm nhiều hơn, tranh thủ lúc rảnh rỗi chủ động chuyện trò, tâm sự. Thông qua đó khuyên răn Hường không nên giẫm lên vết xe đổ quá khứ, gắng sống tốt để có tương lai, dù đó là một tương lai khó đoán định. Hiện tại, Hà Thị Hường đang thụ án tại Trại giam số 6 về tội trộm cắp tài sản.

Với những đối tượng đang bị giam giữ tại đơn vị là thế, nhưng có không ít nữ can phạm nhân, sau quá trình thụ án trở về, không chỉ làm ăn lương thiện mà với những gì đã được giáo dục tại nhà giam, đã trở lại thăm hỏi ân nhân của mình. Trong số đó, chị Liên vẫn chẳng thể nào quên “cựu” phạm nhân Nguyễn Thị Dung, ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc), nguyên là một cán bộ, vào trại vì tội tham ô tài sản.

Trong những ngày bị tạm giữ tại đây, bị can Dung luôn tỏ ra tuyệt vọng, chán chường và bất hợp tác. Sau khi được chị Liên đả thông tư tưởng, bà Dung hiểu ra sai trái của mình nên đã chấp hành tốt Pháp Luật. Ngay sau khi mãn hạn tù, bà Dung đã cùng với người thân đến thăm chị, cảm ơn và hứa sẽ sống tốt. Đó, dù chỉ là một cử chỉ rất nhỏ trong vô vàn những chuyện xảy ra trong cuộc sống thường ngày nhưng thực sự làm chị thấy ấm lòng.

3. Trong số 30 can phạm nhân nữ đang được giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đại úy Nguyễn Thị Liên trực tiếp quản lý và giáo dục, chị cho biết, thương nhất, và cũng thấy xót xa nhất là về trường hợp của nữ tử tù Lữ Thị Minh. 28 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Vinh, lẽ ra một tương lai sáng đang rộng mở với nữ kế toán viên tương lai này.

Nhưng có ai ngờ, yêu đương mù quáng, danh vọng phù hoa, Minh đã bán mình cho nàng tiên nâu vì tiền. Bị bắt khi đang cùng với em trai vận chuyển thuê 3 bánh heroin từ Tương Dương về Vinh cho nhân tình với giá 70 triệu đồng, không chỉ tự kết liễu đời mình mà Minh còn đẩy em trai vào tù, với mức án 20 năm tù giam.

Chị Liên kể, những ngày đầu mới vào, trông Minh rất thảm thương. Nằm trong phòng biệt giam dành riêng cho tử tù, chân bị cùm, Minh rấm rứt khóc vì ân hận, tiếc nuối. Trong phạm vi có thể, chị Liên đã thường xuyên động viên Minh, nữ tử tù này cũng phần nào cảm nhận được tấm chân tình của người quản giáo nên đã trút bầu tâm sự cho vơi nhẹ trong lòng.

Minh kể, vì nhà nghèo, bố lại là thương binh, sức yếu không làm gì được. Thương cha, thương em và hơn bao giờ hết là lóa mắt vì tiền, vì tình yêu mù quáng, Minh đã nhắm mắt đưa chân, nhận vận chuyển heroin cho ngư‌ời tìn‌h. Tử tù Lữ Thị Minh hiện giờ tinh thần đã khá hơn trước nhiều, hiện Minh đang gieo hy vọng và đặt niềm tin, dù biết rằng rất nhỏ nhoi, vào lá thư xin ân xá gửi đến Chủ tịch nước.

Còn nhiều lắm những mảnh đời, những câu chuyện kể xót xa mà trong một chiều nhập nhoạng giao mùa ở Trại tạm giam, Đại úy Nguyễn Thị Liên chẳng thể chia sẻ hết với tôi được. Chỉ biết rằng, ngày ngày, chị đang gắng trải lòng mình ra để đón nhận, yêu thương và chăm bẵm những “đứa con” hư, trăn trở để họ được trở về với xã hội lành lặn.

Hai mươi bốn năm thầm lặng trong ngành, chị như người mẹ hiền thực thụ. Có một chi tiết mà người viết bài này đã trực tiếp chứng kiến, mà nếu không may mắn “chộp” được, hẳn sẽ chẳng ai nói ra, song đó cũng là một trong vô vàn cử chỉ cho thấy, cái gọi là bản năng “mẹ hiền” của Đại úy Liên đối với những “đứa con” hư của mình. Ấy là trong lúc đang trò chuyện với tôi, cán bộ y tế vào thăm khám cho can phạm nhân thuộc khu vực chị đang phụ trách trông coi.

Lúc phát thuốc, chị đã xin thêm một số loại thuốc dành cho chị em. Vị cán bộ đi cùng cho biết thêm, lần nào đi phát thuốc, chị Liên cũng xin thêm mấy viên như vậy. Cử chỉ ấy tuy nhỏ, nhưng đã cho thấy, chị có quan tâm đến can phạm nhân, những người phụ nữ đồng cảm mới làm được điều đó.

Chỉ là mấy viên thuốc, nhưng hành động “thêm – cho” ấy của chị cứ làm cho tôi suy nghĩ mãi về chị và những điều bấy lâu nay bạn bè đồng nghiệp và cả người nhà can phạm nhân nói về chị như một người mẹ. Tình yêu thương ấy, Đại úy Nguyễn Thị Liên dành cho những người phụ nữ lầm lỡ sâu nặng như chính gia đình bé nhỏ của mình

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật