Đối phó với ‘sinh vật lạ’ vào mùa đông

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mùa đông là thời điểm các loài như rắn, giun, rết, bọ cạp đi trú đông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phát hiện chúng bò lổm ngổm xung quanh nhà với số lượng lớn.
Đối phó với ‘sinh vật lạ’ vào mùa đông
Ảnh minh họa

Theo giáo sư Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, hiện tượng tưởng như bất thường trên không có gì khó giải thích.

Giáo sư Hiển cho biết, vào các tháng mùa đông (từ tháng 12 năm trước đến tháng 1, 2, 3 năm sau), các loài rắn, rết, thằn lằn, giun, rết, cóc, nhái đều ít xuất hiện vì trú đông. Chúng là các loài thuộc loại biến nhiệt, c‌ơ th‌ể không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường nên chúng phải đi tránh.

Không chỉ tránh đông bằng cách ẩn nấp sâu trong đất, trong khe kẽ, hang hốc, nhiều loài thậm chí còn ngừng cả sinh sản trong thời điểm này. "Về lý thuyết, vào mùa đông, rắn, giun... gần như biến mất", ông Hiển nói.

Tuy nhiên, xen kẽ giữa các đợt không khí lạnh vào mùa đông có những ngày nắng nóng, oi bức và ngột ngạt (kiểu thời tiết này khiến nhiều người cảm thấy có mùa hè trong mùa đông). Khi thời tiết bất ngờ nóng đột ngột sau đợt lạnh, các loài biến nhiệt thường "ngoi" lên mặt đất lấy oxy, hoặc hít thở không khí. Sự tái xuất này là tạm thời. Khi thời tiết quay lại lạnh, chúng lại lập tức ẩn mình để tránh rét. Đây là lý do mà vào những ngày có nắng giữa mùa đông, chúng ta thường bắt gặp rắn, trăn trườn ra chỗ có nắng để sưởi ấm, phơi nắng.

Xử lý đơn giản

Giáo sư Bùi Công Hiển cho biết, nhiều người nhìn thấy giun, rết, rắn bất ngờ xuất hiện hay hoảng sợ và nói rằng đó là "sinh vật lạ". Thực tế, những loài này vẫn thường xuất hiện quanh ta, có điều con người không để ý, chỉ đến khi chúng "đập" vào mắt và với số lượng nhiều thì bị bất ngờ và quy chụp nó thành sinh vật lạ.

"Mọi người không nên lo lắng hay hoảng sợ khi gặp vài con rắn trườn qua cổng nhà, hoặc thấy một đám giun bò lổm ngổm. Đó không phải là hiện tượng bất thường và xử lý cũng không khó", giáo sư Hiển nói.

Nhiều người dùng vôi, dùng giấm, dùng xà phòng để tiêu diệt chúng, nhưng theo ông Hiển, mọi người có thể xử lý bằng cách đơn giản hơn nhiều là gom chúng lại đổ nước sôi vào hoặc đào đất chôn chúng xuống.

Đối với giun, loài này không gây ra bất cứ độc hại gì cho con người, thậm chí chúng còn tốt cho đất. Nếu thấy giun xuất hiện, các hộ dân nên dùng chổi quét, gom lại rồi chôn xuống đất.

Đối với các loài như rết, bọ cạp, cuống chiếu... chứa độc tố có thể gây ngứa, lở loét nếu ai đó vô tình quệt phải chúng, các gia đình có thể dùng biện pháp cơ học là dùng tay (cách tốt nhất là đeo găng tay tránh sự tiếp xúc trực tiếp, loại trừ nguy cơ bị dính độc) để tóm gọn chúng, sau đó nhúng vào nước sôi. Một cách đơn giản khác là mọi người sử dụng vật gì đó to, chắc chắn đập chúng chết, đảm bảo an toàn khi nhúng chúng vào nước sôi.

Ngoài ra, cách phòng tránh tốt nhất theo giáo sư Hiển, các hộ dân nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là những ngôi nhà có vườn, ở gần ao, cống, rãnh hoặc nhà có nhiều khe kẽ tránh côn trùng bò vào nhà. Với gia đình ở thành phố có sử dụng máy hút bụi thì nên thường xuyên hút bụi vệ sinh nhà cửa, nếu có "sinh vật lạ" xuất hiện thì gom chúng vào túi nilon sau đó nhúng vào nước sôi.

Tháng 3, 4, 5, những tháng cuối xuân đầu hè, thời tiết nóng ẩm mới là thời điểm côn trùng sinh sôi nảy nở nhiều, vì thế dân gian chọn ngày 5/5 là "ngày giết sâu bọ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật