UNDP trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 20/12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ khởi động Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020” giai đoạn 2012-2014.

Tham dự buổi lễ có  Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain, và đại diện của nhiều bộ, ban, ngành và Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Giám đốc Quốc gia UNDP Chamberlain đã ký kết văn kiện dự án, chính thức đưa dự án đi vào hoạt động.

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao ý nghĩa của dự án do Liên hợp quốc hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách và triển khai hội nhập quốc tế toàn diện của các Bộ, Ban, ngành và địa phương của Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ chiến lược mới, quyết tâm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI.

Thứ trưởng cũng khẳng định dự án là sự thể hiện sinh động sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, đối với chủ trương đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam bà Chamberlain đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam đẩy mạnh triển khai chủ trương hội nhập quốc tế và khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong tiến trình này, trước mắt là hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để triển khai các hoạt động của dự án một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Đây là dự án đầu tiên về hội nhập quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn triển khai dự án 2012-2014 cũng là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, tạo nền tảng cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đây cũng là giai đoạn hội nhập và hợp tác quốc tế của Việt Nam có những bước chuyển quan trọng, từ “chiều rộng, gia nhập, ký kết” sang “chiều sâu, tham gia, thực hiện,” trong đó nổi bật là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hoàn tất cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 và 5 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực.

Bộ Ngoại giao được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020.”

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai hiệu quả chiến lược hội nhập, Dự án sẽ tập trung vào bảy hoạt động chính, gồm: Chương trình đào tạo dành cho Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam phối hợp với Đại học Harvard (Hoa Kỳ);  Tiến hành và tài trợ các nghiên cứu, tọa đàm/trao đổi chính sách về hội nhập quốc tế; Các chương trình đào tạo kỹ năng và những kiến thực hội nhập quốc tế; Các đoàn đi trao đổi kinh nghiệm về hội nhập quốc tế; Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng hợp tác Nam-Nam và hợp tác tiểu vùng; Các chương trình đào tạo, thực tập dành cho cán bộ ngoại giao tại các Cơ quan đại diện Việt Nam, các tổ chức quốc tế và khu vực; và Hỗ trợ các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật