Sony Vaio Duo 11: Màn hình siêu đẹp nhưng pin kém và giá đắt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhanh chóng bắt nhịp với dòng sản phẩm mới để tận dụng sức mạnh của Windows 8, Sony cho ra đời chiếc Vaio Duo 11 của họ với thiết kế trượt độc đáo.
Sony Vaio Duo 11: Màn hình siêu đẹp nhưng pin kém và giá đắt
Ảnh minh họa

Vaio Duo 11 là chiếc laptop có thể biến hình trở thành tablet, bàn phím có đèn nền, chip Core i5, ổ SSD tốc độ cao. Liệu những ưu điểm đó có thể giúp đứa "con cưng" của Sony thực thi trọng trách thay thế cả tablet lẫn laptop hay không, chúng ta hãy cùng xem.

Thiết kế
Lời đầu tiên có thể nói về Duo 11 đó là đây là sản phẩm "nghiêng" về phần laptop hơn là máy tính bảng. Độ dày sản phẩm sau khi đóng nắp máy là khá lớn, khiến cho Duo 11 trông giống như 1 chiếc tablet rất dày. Với kích thước 31,7 x 19,8 x 1,9 cm (rộng x dài x dày). Màn hình 11 inch của máy được bao quanh bởi lớp viền đen bóng nhưng rất may là viền máy không quá bám vân tay.
Sau khi đẩy phần màn hình lên phía trên, chúng ta có một bàn phím vật lý với đèn nền. Nói qua về thiết kế trượt này, có thể thấy rằng đây là một trong những thiết kế thông minh để tích hợp bàn phím vật lý vào 1 thiết bị được xem là tablet. Tuy nhiên, thiết kế này cũng bộc lộ những nhược điểm như sẽ làm cho màn hình "lộ thiên" và không được bảo vệ bởi vỏ màn hình giống như laptop vỏ sò. Bởi thế, khi mang vác, nhiều nguy cơ các vật dụng khác trong túi xách của bạn sẽ cọ xát với bộ phận này khiến cho màn bị xước. Tuy nhiên, lớp kính bảo vệ Gorilla Glass có thể giúp bạn yên tâm phần nào. Nhược điểm thứ 2 đó là do có thiết kế trượt, máy phải cần tới các sợi cáp lằng nhằng để cố định màn hình và các sợi cáp này không thể khiến người dùng không lo lắng liệu nó có bị kẹt trong quá trình trượt màn lên trên hay không.
Khi nhìn kĩ vào mép dưới máy, bạn mới có thể thấy 2 nút âm lượng rất nhỏ, bên cạnh các nút bấm khác như khóa xoay và 1 nút bấm nhanh giúp mở nhanh ứng dụng hỗ trợ người dùng mà Sony tích hợp vào máy. Các nút bấm này có nhược điểm là rất khó bấm.

Phía bên phải máy chúng ta có 2 cổng USB 3.0, cổng HDMI, nút nguồn. Cạnh sau có 1 lỗ cắm dành cho nút nguồn và cổng mạng. Bên cạnh trái máy được bố trí cổng VGA, tai nghe, combo khe cắm thẻ SD và khe Merory Stick Duo. Đáng tiếc là máy không được trang bị khe nào để cắm chiếc bút cảm ứng đi kèm máy vốn có giá cũng không phải là rẻ, khoảng 49 USD nếu bạn làm hỏng.
Về mặt kích thước và cân nặng, Duo 11 ngang ngửa với các ultrabook 13 inch. Máy nặng 1,27 kg, nhẹ hơn Toshiba Portege Z935 181 gram, nhẹ hơn  ASUS ZenBook Prime UX31A và Envy Spectre XT 90 ram.
Bàn phím
Nhồi nhét bàn phím vào 1 thiết bị nhỏ gọn như Duo 11 cũng đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải hy sinh nhiều điểm ở bộ phận này. Các phím bấm trên bàn phím mặc dù có khoảng cách phím khá rộng nhưng bản thân phím lại rất nhỏ, ngang với kích thước phím bấm trên các loại netbook. Phím Shift bên phải cũng như các phím khác được thiết kế nhỏ lại, do đó, nguy cơ gõ nhầm phím khi đánh máy diễn ra thường xuyên. Điểm cộng của bàn phím là nó được trang bị đèn nền.
Duo 11 không có touchpad mà thay vào đó, Sony trang bị cho máy 1 nút bấm điều hướng (point stick). Về bản chất thì nút này là một cảm biến quang. Mặc dù cho khả năng điều hướng chính xác nhưng có vẻ như nó có độ nhạy quá cao khiến cho con trỏ bị nhảy loạn xạ khi người dùng vô tình chạm vào. Điều này thường rất gây ức chế khi mà bạn đang đánh máy, con trỏ bị di chuyển sang vị trí khác khiến cho bạn bị gián đoạn công việc. Hy vọng là Sony có thể sửa lỗi này qua 1 bản update cho bộ phận này.

Màn hình

Màn hình 11,6 inch của Duo 11 có độ phân giải siêu cao, lên tới 1920 x 1080 pixel. Với độ phân giải này, mọi thứ từ màu sắc, độ sáng...của màn hình đều rất ấn tượng. Thử xem đoạn trailer bộ phim "The Lone Ranger", màu trắng và đen trên khuôn mặt nhân vật Tonto cho độ tương phản tuyệt vời. Panel IPS còn giúp màn hình Duo 11 có góc nhìn rộng, giúp việc quan sát dưới điều kiện ánh sáng mạnh là rất tốt. Màn hình VAIO Duo 11 có độ sáng đạt 402 lux, gần như gấp đôi so với độ sáng trung bình là 223 lux của dòng laptop siêu di động; chỉ có màn hình của ASUS Zenbook Prime UX31A là sáng hơn laptop/tablet của Sony với 423 lux.
Âm thanh
2 loa được gắn vào bên dưới các góc trước của máy cho âm thanh mặc dù không quá lớn nhưng chính xác. Khi thử stream bài "Call Me Maybe" của Carly Rae Jepsen bằng ứng dụng Slacker, chất giọng của cô ca sĩ này tỏ ra khá sâu lắng. Mặc dù không đủ to để nghe được trong cả phòng nhưng với 1 nhóm người nhỏ thì loa máy hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Windows 8
Duo 11 là một trong các thiết bị đầu tiên chạy HĐH Windows 8 được bán ra và cũng giống như nhiều thiết bị chạy Windows 8 khác, sau khi khởi động, máy sẽ đưa bạn thẳng vào màn hình Start mới với giao diện Metro thay vì giao diện truyền thống của Windows. Màn hình Start mới chia các ứng dụng ra từng mục riêng gồm ứng dụng Windows (Mail, Calendar, People, Internet Explorer, Maps, Photos, Messaging...), ứng dụng dành riêng cho Vaio (VAIO Care, VAIO Message Center, PlayMemories Home...). Bạn có thể thêm các Tile ứng dụng khác lên màn hình bằng cách vuốt từ mép dưới màn hình lên để hiển thị biểu tượng "All Apps". Sau đó, bạn vuốt ngược xuống vào biểu tượng ứng dụng để hiển thị các tùy chọn ghim nó vào màn hình Start, gỡ ứng dụng khỏi máy, mở ứng dụng ở cửa sổ mới...Bạn nên ghim ứng dụng Control Panel vào màn hình khởi động bởi Control Panel trong Windows 8 không trực quan như trước đây.
Bạn có thể vuốt ngón tay từ viền màn hình bên phải để hiển thị thanh Charm chứa các công cụ như tìm kiếm (Search), chia sẻ (Share), quay về màn hình Start, Devices and Settings...Vuốt ngón tay từ viền trái màn hình hiển thị các ứng dụng đang mở, giúp bạn chuyển đổi qua lại giữa các chương trình.
Click vào Tile có tên Desktop trên màn hình Start sẽ giúp bạn quay về với giao diện Windows truyền thống. Ở giao diện này, mặc dù vậy, vẫn đã có 1 số thay đổi so với trên các bản Windows cũ. Đáng chú ý nhất là nút Start đã biến mất mà thay vào vị trí đó là biểu tượng trình duyệt IE. Kế bên là biểu tượng của file explore cho phép bạn mở các phân vùng ổ đĩa trên máy.
Một điểm yếu của Windows 8 là có vẻ như các ứng dụng không đủ thông minh để biết được khi nào thì máy đang ở chế độ có bàn phím vật lý, khi nào thì đang ở chế độ tablet. Hệ quả là mặc dù bàn phím vật lý đang được mở nhưng các ứng dụng vẫn hiển thị bàn phím ảo trên màn hình ra, hơi gây ức chế. Tuy nhiên, trường hợp này không diễn ra trên trình duyệt IE.
Bút cảm ứng
Bút cảm ứng bằng kim loại đi kèm với Duo 11 có trọng lượng khá đầm tay, chủ yếu do thỏi pin AAAA bên trong. 2 nút bấm trên bút giúp người dùng thực hiện 1 số chức năng phụ như lựa chọn 1 đoạn văn bản hay xóa các nét vẽ. Hơi ngạc nhiên là Sony không bố trí bất kì khe cắm nào trên máy để người dùng gắn bút vào khi không dùng đến nên nếu không cẩn thận, người dùng có thể dễ dàng làm lạc mất nó.
Ứng dụng Note Anytime mà Sony trang bị để dùng cùng bút cảm ứng của mình cũng khá tiện lợi, cho phép nhận dạng cả chữ viết tay của người dùng. Một vòng tròn  nhỏ các biểu tượng hình tròn cho phép bạn thay đổi kiểu bút. Bạn cũng có các tùy chọn màu sắc, kích cỡ tùy ý thích.
Độ nóng
Sau khi stream 1 video trên Hulu ở chế độ toàn màn hình trong 15 phút, nhiệt độ đo được tại các nút chuột của Duo 11 là 25 độ C. Phần giữa và phần dưới máy có nhiệt độ lần lượt là 29 và 27,7 độ C. Điểm nóng nhất của máy là góc phải bên dưới với 35 độ C.
Webcam và Camera sau
Phía trên màn hình của máy được tích hợp webcam 2,4 MP có thể quay video với độ phân giải tối đa là 1080p. Video quay bằng webcam cho màu sắc khá chính xác mặc dù khá nhiễu. Khi đặt máy lên bàn để sử dụng, camera sẽ không thể hiển thị toàn bộ khuôn mặt của bạn được, do đó, nếu muốn dùng nó để chat video, bạn phải đặt ở tư thế khác như để lên đùi.
Máy còn có camera sau cũng có độ phân giải 2 MP. Mặc dù có vẻ không có mấy ai dùng 1 thiết bị như Duo 11 để chụp ảnh nhưng thử nghiệm cho thấy camera cho tốc độ chụp khá nhanh, chưa đến 1 giây sau khi bấm nút chụp. Màu sắc ảnh chụp trông cũng đẹp mắt và tạm chấp nhận được.
Hiệu suất
Duo 11 được trang bị chip Intel Core i5-3317U tốc độ 1,7 GHz , RAM 6GB, SSD 128GB của Toshiba. Đây là cấu hình khá phổ biến trên ultrabook. Thử nghiệm với PCMark 7, Duo 11 đạt số điểm 4683, cao hơn điểm trung bình của dòng laptop siêu di động 1600 điểm nhưng kém hơn 1 đối thủ có cùng cấu hình là Portege Z935 (5486 điểm).
Duo 11 khởi động Windows 8 mất chỉ 13 giây, thậm chí còn nhanh hơn Z935 (20 giây). Tuy nhiên, máy của Toshiba lại dùng Windows 7. Ổ SSD cho tốc độ copy dữ liệu lên tới 145,4 MB/giây, thấp hơn 1 chút so với Z935 (164,2 MB/giây) và HP Envy Spectre XT (150 MB/giây).
Trong các tác vụ thường dùng với Windows 8, cả màn hình cảm ứng và bút của Duo 11 đều làm việc tốt. Các thao tác đa chạm như zoom nhúm ngón tay, hay các thao tác điều khiển tay được Windows 8 hỗ trợ đều làm việc mượt mà. Tuy nhiên, khi xoay máy thì bạn sẽ phải mất khoảng 2 giây để màn hình có thể xoay theo. Một điều gây khó chịu nữa là màn hình không tự động xoay cùng bàn phím khiến cho nhiều khi chúng ta được chứng kiến 1 màn hình...lộn ngược.
Hiệu năng đồ họa
Chip đồ họa tích hợp Intel Graphics 4000 của Duo 11 cho số điểm 615 trong bài benchmark 3DMark11, kém hơn 200 điểm so với điểm trung bình của dòng laptop siêu di động nhưng ngang với các ultrabook khác cũng dùng đồ họa này. Ví dụ như Portege Z935 đạt số điểm 621, và điểm của UX31A là 594. Bạn có thể chơi được 1 số tựa game trên máy nhưng tất nhiên là không thiết lập được ở độ phân giải full HD. Tốc độ khung hình khi thử chơi trò "World of Warcraft" đạt 31 fps (hiệu ứng thiết lập auto, độ phân giải 1366 x 768). Khi tăng độ phân giải lên 1080p thì tốc độ khung hình giảm xuống còn 24 fps.
Thời lượng pin
Được trang bị pin 4960 mAh, qua bài test liên tục lướt web qua WiFi, Duo 11 cho thời lượng pin 5 tiếng 8 phút, kém hơn 1 tiếng so với pin cua dòng laptop siêu di động (6 tiếng 20 phút). UX31A cho pin rất tốt, 6 tiếng 28 phút, Toshiba Z935 có thời lượng pin 6 tiếng 35 phút.
Kết
Sony VAIO Duo 11 là một thiết bị lai chạy Windows 8 khá tốt. Người dùng sẽ rất thích thú trải nghiệm màn hình full HD cũng như thời gian khởi động siêu nhanh của máy. Tuy nhiên, máy có vẻ quá dày và nặng nếu dùng như 1 chiếc tablet còn nếu dùng với laptop thì bàn phím lại có khá nhiều nhược điểm. Thời lượng pin của máy cũng rất kém ở cả 2 chế độ sử dụng. Bởi thế, bỏ ra 1199 USD (30 triệu đồng tại thị trường Việt Nam) để sở hữu 1 thiết bị 2-trong-1 vẫn còn nhiều thiếu sót như Duo 11 sẽ là sự lựa chọn không thông minh vào thời điểm này.

Điểm mạnh: Màn hình full HD rực rỡ, bút cảm ứng hoạt động chính xác, ổ SSD hiệu năng cao, nhiều cổng kết nối

Điểm yếu: khá nặng ở chế độ tablet, thời lượng pin kém, bàn phím kém, nút Volume khó sử dụng.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật