Tội lỗi từ sự cả tin... hoang đường

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
32 tuổi, chị thêm một lần sinh nở. Cậu nhóc con chị ra đời bằng biện pháp sinh tự nhiên, nặng 3kg. Chăm con đến ngày thứ 2 khi còn đang ở bệnh viện, bị ám ảnh bởi lời nguyền “chết trẻ không rõ lý do“ trong dòng tộc bên chồng cùng cái chết của cô con gái đầu lòng, chị dùng răng cố cắn đứt hai đốt ngón tay trỏ của con trai mình.
Tội lỗi từ sự cả tin... hoang đường
Chồng chị Vân với ngón tay trỏ bị cắn cụt đốt.

Khi phát hiện ra vụ việc, các bác sĩ ở bệnh viện Đồng Nai cố ngăn cản hành động đó của chị. Họ phải dùng đến sức mạnh, thì chị mới nhả đốt tay bé bỏng ấy ra. Con trai chị khóc ngất, chị cũng khóc, máu của con trai chị hòa với nước mắt mặn đắng…

Có bi kịch nào đang diễn ra đằng sau niềm tin đầy hoang đường của chị?.

Cắn đứt đốt tay, hy vọng con được sống

Vì không muốn đám đông lên án về niềm tin của chị, nên tôi gọi chị với cái tên giả định là Vân. Chị nằm trên giường dành cho sản phụ của bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, luôn miệng: "Tôi chỉ mong con mình được khỏe mạnh. Tôi là mẹ, tôi làm vậy tôi đau lòng lắm. Nhưng hiểu cho tôi, tôi muốn con mình được khỏe mạnh".

Vài năm trước, chị lập gia đình, cuộc sống vợ chồng ấm êm. Hai anh chị ở quê, miền Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Lấy nhau ít lâu, thì chị có mang. Cô con gái đầu lòng ra đời trong niềm vui vỡ òa của vợ chồng lẫn hai bên nội ngoại.

Rồi chuyện không may xảy đến, 9 ngày sau khi chào đời, con gái chị mất. Mất đột ngột, con gái chị cứ quấy khóc rồi mất. Mất trong nỗi bàng hoàng của anh chị, họ đau đáu với câu hỏi không lời đáp, vì sao con lại bỏ cha mẹ mà đi. Căn phòng ở cữ còn vương mùi trẻ thơ, quần áo sơ sinh, tã lót, chậu than, phích nước nóng… những vật  dụng chào đón niềm hân hoan của chị biến thành vết cứa trong lòng chị. Con mất, dẫu không hề mong muốn nhưng chị vẫn bị ám ảnh bởi lời nguyền mà mẹ chồng chị từng nói với chị, "Ở cái nhà này, không biết vì sao. Nếu đứa trẻ sơ sinh không bị cắn đứt đốt ngón tay trỏ, thì trước hay sau gì cũng chết" (?). Bên cạnh lời nói ấy, là minh chứng bởi đã có những cái chết bất thường từ phía họ hàng gia đình chồng của chị.

Chồng chị lẫn các anh chị chồng của chị, cũng đều được mẹ chồng cắn đứt đốt ngón tay trỏ. Cắn bằng miệng, vết cắn khiến đốt ngón tay lìa khỏi xương. Chị mang nỗi ám ảnh ấy theo chồng bỏ quê vào thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) kiếm đường mưu sinh. Chồng chị làm nghề phụ hồ, chị xin được vào làm ở một xí nghiệp dệt. Cuộc sống vợ chồng chị không dư dả, cũng như những cặp vợ chồng khác rời quê đi tìm miền đất hứa bằng nghề lao động tay chân hay cắm mặt vào các công ty, nhà xưởng. Lương chị không bao nhiêu, còn chồng chị ngày có việc ngày không. Nhưng anh chị bằng lòng với cuộc sống đó. Ly hương có nghĩa như là một cuộc đào thoát khỏi nỗi đau ký ức mà vợ chồng chị từng gặp phải.

Khi nguôi ngoai nỗi đau mất con gái đầu lòng, chị mang thai lần thứ hai. Đầu tháng 12 này, chị trở dạ. Chồng chị đưa chị vào bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chờ sinh. Vài ngày sau, con trai chị chào đời, mạnh khỏe. Hết thời gian ở phòng dưỡng nhi, bé được trao cho chị để chị chăm sóc. Chồng chị vui mừng gọi điện thoại về quê thông báo với người thân.

Vậy đó, niềm vui vừa mới ươm mầm thì cũng là lúc bi kịch bắt đầu hiện hữu. Mẹ chồng chị gọi điện thoại cho chị, nói là "Con có nhớ lời mẹ dặn hay không?".

Chuyện tưởng đã quên lại ùa về, nỗi đau về cái chết lạ lùng của cô con gái đầu lòng cũng ập đến. Dường như là không kịp suy nghĩ, chị chụp lấy bàn tay còn đỏ hỏn của cậu con trai vừa sinh, lựa ngón tay trỏ đưa vào miệng mình… cắn mạnh.

Cô hộ lý ở bệnh viện Đồng Nai kể rằng, sau khi bác sĩ thăm khám các cháu theo lịch trực, vừa quay lưng ra khỏi phòng thì bất ngờ cô nghe tiếng cháu bé khóc thét.

Vội vã trở lại phòng, cô chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp. Miệng chị Vân đang cắn chặt ngón tay của bé, còn cháu bé khóc đến tím tái người, hụt hơi. Sau khi giật được cháu bé ra khỏi chị Vân, cô phát hiện hai đốt ngón tay của cháu đã bị cắn gần như đứt lìa, chỉ còn dính lại phần da.

Chị Vân nói với những người chứng kiến: "Các anh các chị thương tôi, đây là tục lệ của gia đình tôi. Tôi muốn cháu được sống sót, chỉ có cắn đứt đốt ngón tay này thì mới cứu được cháu". Bác sĩ ở bệnh viện Đồng Nai, đã cách ly hai mẹ con chị Vân, nhanh chóng chuyển cháu sang bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật nối lại phần rời của hai đốt ngón tay cho cháu bé. Đại diện của bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vết cắn của mẹ làm cháu bị nhiễm trùng máu. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, tình trạng hiện tại của cháu có tiến triển tốt. Có thể trong vòng một tuần nữa cháu sẽ được xuất viện.

Niềm tin mang dấu nỗi đau

Chồng chị, người đàn ông già trước tuổi, mang khuôn mặt khắc khổ do những ngày bán sức lao động ở các công trường. Anh trần tình, những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình anh vốn dĩ hay gặp chuyện rủi ro. Một người chị gái của anh mất không rõ nguyên nhân khi mới vài tuổi. Còn phía bên gia đình cậu anh, có được 7 người con cũng mất đến 4 người, khi họ còn chưa kịp lớn.

Thế nên, nhà anh rất tin vào chuyện cắn đốt ngón tay để được sống. Anh bảo là, anh chị của anh lẫn anh đều bị mẹ cắn đốt ngón tay, và hiện tại ai cũng mạnh khỏe, có công ăn việc làm.

Khi vợ anh mang thai, mẹ anh có đi coi bói. Thầy bói phán như đúng rồi, sở dĩ cô con gái đầu lòng của anh mất là bởi vợ chồng anh cãi lại lời nguyền của dòng tộc mà không chịu cắn mất đốt ngón tay của cháu. Vì vậy, để đứa con thứ hai này được mạnh khỏe, vợ anh buộc phải cắn đứt đốt ngón tay của cháu.

"Do chị gái của cháu đã mất, nên vợ tôi phải cắn hai đốt ngón tay cháu. Một đốt cho chị gái cháu, một đốt cho cháu. Anh nói như phân bua vì sao vợ phải cắn hai đốt ngón tay con”.

Thật ra thì niềm tin, đặc biệt là những niềm tin về tâm linh của cá nhân, gia đình hay dòng tộc là điều rất khó thay đổi. Thế nhưng, có những niềm tin luôn khiến đám đông đau nhói khi chứng kiến sự thể hiện niềm tin ấy.

Cậu nhóc 2 ngày tuổi, cậu nhóc mới vừa tập cảm nhận sự ấm áp từ mẹ, chưa kịp quen hơi… thì đã nhận được sự khủng hoảng từ mặt tinh thần lẫn thể xác, mà buồn thương thay, người mang lại sự khủng hoảng ấy lại là người rứt ruột sinh ra cậu.

Chị Vân cắn đứt hai đốt ngón tay của con mình, chị có đau không (?!). Hẳn nhiên là đau chứ, rất đau. Có người mẹ nào chứng kiến cảnh con mình khóc thét, miệng còn mặn chát bởi máu con trào vào mà không đau đến xé lòng. Nhưng, biết là làm sao khi chị tin rằng, phải thực hiện hành động đó thì cháu bé mới có cơ hội sống. Một kiểu hy vọng mông lung và rất mơ hồ. Hy vọng của niềm tin vào điều hư ảo.

dư luận chứng kiến câu chuyện của gia đình chị, dư luận sốc, sốc nặng. Sốc vì không thể nghĩ ra rằng, trong thời đại này, ngay tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), địa phận chỉ cách Sài Gòn chưa đến 40km lại xảy ra chuyện cứ như là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… với những tín ngưỡng kỳ lạ nào đó.

Trách nhận thức của chị hạn chế, nên suýt gây nên oan nghiệt, có lẽ cũng không sai. Trách niềm tin của gia đình chị, có lẽ cũng đúng. Tuy nhiên, sau cái chết không rõ nguyên nhân của cô con gái đầu lòng của chị, chị như người mất phương hướng. Điều mà chính chị cũng biết là sai, nhưng chị lại không thể chứng minh được điều đó sai từ đâu. Vậy nên, chị chọn cách mà như các cụ ở quê thường bảo "Có cầu có yên, có kiêng có lành".

Chị chấp nhận cảnh, cháu lớn lên có khiếm khuyết về mặt c‌ơ th‌ể với ngón tay trỏ cụt ngủn, với vết sẹo cuộc đời. Chị chấp nhận hết, chị chỉ mong con trai chị không đột ngột mất đi như cô con gái đầu của chị.

Trẻ con thì có lỗi gì đâu, bé bỏng như cậu nhóc con chị lại càng không có lỗi. Được sống hay mất đi, không phụ thuộc vào sự quyết định của cháu bé. Mọi thứ tùy vào thái độ lẫn hành vi của người thân. Mà khi người thân của cháu lại đi tin vào điều huyền bí, thì biết là làm sao.

Thi thoảng, chúng ta lại nhận được những xót xa từ nhiều vụ việc liên quan đến trẻ nhỏ. Mẹ sinh con rồi vứt con vào thùng rác, mẹ sinh con rồi đặt con bên vệ đường, mẹ sinh con rồi bỏ mặc con ở bệnh viện… Và đám đông cũng đã thấy, người ta đóng đinh vào đầu của trẻ con để thỏ‌a mã‌n cơn ghen, người ta rạch mặt cháu bé vì lời đồn đoán "thằng nhóc đó rất giống chồng mày", người ta vung dao chém chết con ruột của mình bởi trục trặc trong đời sống hôn nhân giữa hai vợ chồng… Lại thêm lần nữa, đám đông  nhìn thấy nỗi đau con trẻ xuất hiện bởi hành vi của người lớn.

Làm sao người ta có thể tạo ra một mầm sống, người ta hoài thai, người ta cho cháu góp mặt trong đời sống này… để rồi người ta vin vào lý do nào đó để đẩy các cháu vào một sự không may?

Những niềm tin thái quá, những tín ngưỡng không căn cứ, những cơn ghen cuồng loạn… không phải là cái cớ hợp lý để đưa một cá nhân không đủ sức bảo vệ mình vào trạng thái của bi kịch. Bởi đơn giản là, cá nhân ấy có lỗi gì đâu(!?).

Rồi không biết, cháu bé con của vợ chồng chị Vân lớn lên sẽ như thế nào. Thậm chí, tôi không biết là cháu có  may mắn được lớn lên hay không. Chuyện còn dở dở dang dang, nên chỉ biết cầu mong cháu sẽ được lớn, được đến trường, được trưởng thành… chỉ có như vậy, thì mới hy vọng rằng cháu là bằng chứng đích thực nhất nhằm đủ sức xóa bỏ hoàn toàn "định kiến lời nguyền" như niềm tin của những người trong gia tộc của cháu.

Niềm tin vốn dĩ luôn khắc sâu vào cuộc sống của cá nhân quá khó để xóa mờ. Niềm tin lại càng không thể nào tháo gỡ được chỉ nhờ một bài báo. Nhưng vẫn mong, vết sẹo nơi ngón tay trỏ của cháu, sẽ nhắc nhở cho vợ chồng chị Vân lẫn những người thân của anh chị hiểu rằng, làm sao có được sự bình an bắt đầu từ cơn đau đầy bất hạnh này(!)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật