“Ma trận” xe liên tỉnh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, BCĐ 197 thành phố đã liên tiếp ra 2 thông báo đề nghị các cơ quan chức năng khảo sát và thực hiện điều chỉnh luồng tuyến xe khách theo hướng: xe đi các tỉnh phía Tây - Tây Bắc đón trả khách tại Bến Mỹ Đình; xe đi các tỉnh phía Nam đón trả khách tại Bến Giáp Bát, Nước ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc - Đông Bắc đón trả khách tại Bến Gia Lâm. Tuy nhiên đến giờ, vẫn chưa có động thái nào thực hiện chủ trương này
“Ma trận” xe liên tỉnh
Cạnh tranh thiếu lành mạnh ở ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng

Tốn xăng, tăng khoảng cách… vẫn chạy

Một nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh vận tải, nhà xe nào cũng tính toán chi li việc tiết kiệm chi phí xăng dầu, rút ngắn lộ trình để đạt lợi nhuận tối đa. Thế nhưng đối với hoạt động xe khách liên tỉnh ở Hà Nội, đa số các nhà xe đều bất cần nguyên tắc này. Đơn cử như không dưới 50 đầu xe chạy tuyến Hà Nội đi Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình… đang hoạt động ở Bến xe Mỹ Đình.

Đây là bến xe được lập với mục đích phục vụ hành khách đi các tuyến Tây Bắc. Việc phát triển thêm những tuyến “trái luồng” đi phía Nam, thậm chí đi Lạng Sơn, Bắc Giang ở bến xe này đã là sự không bình thường, cho dù trên danh nghĩa, các doanh nghiệp vận tải có lý do là để phục vụ hành khách một cách thuận lợi nhất.

Hãy cùng dõi theo lộ trình 1 chiếc xe khách từ Bến Mỹ Đình đi Thanh Hóa hoặc Nghệ An. Nếu “chuẩn” ra, chiếc xe này phải chạy từ đường Phạm Hùng ra Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi rồi rẽ theo hướng thành phố Hà Đông sang đường 70, ra quốc lộ 1A cũ xuôi tiếp xuống Thường Tín để rẽ vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tổng chiều dài quãng đường là gần 26 km, và quan trọng nhất, hành trình này đảm bảo cho việc xe khách không thể đi vào các tuyến đường nội đô, gây ùn tắc, phức tạp giao thông. Tuy nhiên, phần lớn xe xuất phát từ Bến Mỹ Đình hiện nay không đi theo lộ trình này.

Sau khi ra đến đường Nguyễn Trãi, xe rẽ ngược vào hướng nội thành, đến ngã ba Thượng Đình - Nguyễn Trãi. Tại đây, một số xe chạy theo đường Kim Giang, vào khu Linh Đàm, vòng ra đường Giải Phóng và “tụ” tại ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng nhằm cạnh tranh với các đầu xe chạy tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa của 2 Bến Nước Ngầm và Giáp Bát.

Phương án thứ 2 là xe Mỹ Đình bỏ qua ngã ba Thượng Đình - Nguyễn Trãi, chạy thẳng xuống đường Trường Chinh ra cầu vượt ngã tư Vọng, rẽ sang đường Giải Phóng hoặc tiếp tục chạy thẳng theo đường Đại La - Minh Khai - Tam Trinh rồi cũng rẽ ra đường Pháp Vân - Yên Sở. Cả 2 phương án chạy xe này đều “lấy” thêm của các nhà xe ít nhất 3 km. Khi “phá luồng” vào nội thành, xe có cơ hội kiếm thêm khách.

Tại buổi giao ban 2 ngành CATP - Sở GTCC chiều 2-5, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP đã thống nhất với lãnh đạo Sở GTCC, trong thời gian tới, Sở GTCC sẽ chủ trì, phối hợp cùng CATP và Tổng công ty Vận tải tiến hành khảo sát để quyết định phương án sắp xếp, điều chỉnh các tuyến xe khách theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo và BCĐ 197 thành phố.

Trung tá Trần Văn Tỉnh - Phó Trưởng CAQ Hoàng Mai cho biết, qua công tác xử lý vi phạm giao thông trên trục đường Giải Phóng - Pháp Vân, lực lượng chức năng nhận thấy và đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có sự điều chỉnh không để các xe khách từ Bến xe Mỹ Đình vòng về ngã ba Pháp Vân để ra đường cao tốc như hiện nay.

Việc có nhiều lượt xe chạy qua đường nội đô như Kim Giang, Linh Đàm đã  gây ùn tắc nhiều điểm. Đặc biệt nảy sinh tình trạng ôtô dừng, đỗ sai quy định dọc đường, vừa gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, vừa mất an toàn giao thông.

Trong 1 tháng tăng cường xử lý vi phạm trên đường Pháp Vân - Giải Phóng, lực lượng chức năng đã tạm giữ 14 ôtô khách dừng đỗ sai quy định và 195 bộ giấy tờ, phạt hành chính hơn 600 trường hợp, tạm giữ 45 đối tượng cò mồi… Những hành trình vượt tuyến đã gây ra phức tạp ngay tại cửa ngõ Thủ đô.

Trả lại đúng tuyến cho bến xe

“Tự thân những bến xe ngay từ khi được xây dựng đã có sự quy hoạch: bến phía Tây phục vụ hành khách phía Tây; bến phía Nam phục vụ hành khách phía Nam. Những bến Kim Mã, Kim Liên, Long Biên trước kia, và nay là Bến Gia Lâm, Nước ngầm, Mỹ Đình cũng không nằm ngoài quy hoạch này.

Nhưng càng ngày bến càng bị mất đi tính quy hoạch của nó, gây ra những phức tạp với giao thông nội đô”, Thượng tá Hoàng Thanh Bình - Trưởng phòng CSTT CATP Hà Nội nhận xét. Từ đầu năm 2008, thành phố đã có nhiều điều chỉnh hoạt động của các loại phương tiện. Ngay cả xe buýt khổ lớn cũng không được chạy trong nhiều tuyến phố nội đô.

Vậy nhưng xe khách vẫn ngoại lệ. Đây là điều bất hợp lý trong bối cảnh mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng, nhất là ý thức kém của nhiều lái xe. 5 bến xe của Hà Nội gồm: Lương Yên, Giáp Bát, Nước ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm, đều đang có hàng chục đầu xe chạy chéo tuyến.

Không ít xe trong số này sẵn sàng vi phạm dừng đỗ sai quy định để đón khách. Đặc biệt là tình trạng vòng vo ở cổng bến, trên các tuyến đường. Trung tá Trần Minh Hải - thành viên Tổ thường trực ATGT CATP phân tích: “Tình trạng xe khách chạy vào nội đô, chạy chéo tuyến đang làm tăng lượng phương tiện lưu hành trong thành phố, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông.

Chúng ta hiện có hệ thống xe buýt phát triển khá mạnh, vào sâu các khu dân cư. Nếu điều chỉnh luồng tuyến xe khách theo đúng quy hoạch, thành phố vừa giảm được lượng xe liên tỉnh vào nội thành, vừa là biện pháp kích cầu cho phương tiện vận tải công cộng. Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý xe chạy sai luồng tuyến, nhưng chỉ như “muối bỏ biển”.

Đồng quan điểm về chủ trương điều chỉnh luồng tuyến xe khách, tuy nhiên, một cán bộ đại diện Công ty Quản lý bến xe Hà Nội vẫn băn khoăn, “Hạ tầng cơ sở của một số bến chưa đáp ứng được số lượng đầu xe hoạt động”. Ví dụ với Bến xe Gia Lâm, chỉ riêng việc “ôm” khoảng 500 lượt xe Hà Nội - Hải Phòng một ngày, chưa kể các tuyến Lạng Sơn, Bắc Giang… quả thực không hề đơn giản.

Theo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, chưa thể cùng lúc có sự điều chỉnh ở cả 5 bến xe, mà nên làm từng bước, cùng với việc nâng cấp hạ tầng cơ sở của các bến cũng như các tuyến đường nội, ngoại thành.

Rõ ràng, hoạt động có phần “tréo ngoe” của các bến xe Hà Nội đã đến lúc phải thay đổi. Cách đây không lâu, việc “giãn” 2 tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh từ Bến Giáp Bát sang Bến Nước ngầm đã đem lại hiệu quả nhất định, giảm tình trạng xe quay vòng trên đường Giải Phóng và ùn tắc tại ngã ba Pháp Vân. Phải rất khó khăn để Sở GTCC ra được quyết định ấy, song cái lợi của nó không thể đo đếm được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật