Nhiễm HIV từ...chồng: Đắng cay luống cả kiếp người đắng cay

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một thực tế đau lòng vẫn đang diễn ra ở nước ta là trong số hàng nghìn người nhiễm HIV, không phải ai cũng xuất phát từ một lối sống sa đọa. Nhiều người trong số đó, chủ yếu là phụ nữ, suốt ngày lam lũ với công việc đồng áng, việc gia đình, nhưng họ vẫn âm thầm trở thành nạn nhân của căn bệnh chết người này.
Nhiễm HIV từ...chồng: Đắng cay luống cả kiếp người đắng cay
Chị Mai Tuyết L mới hơn 30 tuổi nhưng đã rất tiều tụy do sự kỳ thị của chính những người thân trong gia đình
Họ bị lây bệnh từ chính những người chồng sa đọa của mình, và họ mới là những người đau khổ nhất, chịu đựng sự kỳ thị kinh khủng nhất của cộng đồng. Và, trước khi vào Trung tâm sống những ngày cuối đời đầy tủi nhục, nhiều người trong số họ đã bị chính gia đình đày đọa, xua đuổi, rồi bị cộng đồng xa lánh.
Khác hẳn những gì chúng tôi đã được chứng kiến ở khu bệnh nhân nam - những đấng nam nhi bình thường vốn mạnh mẽ là thế, vậy mà trước cái chết, họ vẫn sợ hãi và khóc nức nở như một đứa trẻ. Còn tại khu dành cho những bệnh nhân nữ, chúng tôi đã bắt gặp những cảnh tượng trái ngược: những nữ bệnh nhân yếu đuối, nhưng trước cái chết, họ mạnh mẽ và bình tĩnh đến kỳ lạ. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, phải chăng nước mắt của họ đã cạn khô từ lâu lắm rồi nên họ có được cái vẻ điềm tĩnh kỳ lạ nhường ấy? Và, bây giờ, gia sản cuối cùng của cuộc đời họ, chỉ còn lại những câu chuyện đầy bi kịch. Những câu chuyện mà khi nghe, chúng tôi cũng không ít lần phải quay mặt đi vì muốn khóc.

“Đừng ôm mẹ nữa con ơi!”

Trong số các phụ nữ mà chúng tôi đã gặp tại Trung tâm 09, thì chị Mai Tuyết L có lẽ là một người phụ nữ kỳ lạ nhất. Chị kể với chúng tôi về cuộc sống, về cái chết, với một sự bình tĩnh và minh mẫn đến khó tin. Thế nhưng, khi nhắc đến những con số của thời gian thì chị lại lúng túng và trở nên lú lẫn. Chị bảo, chị vào Trung tâm lần gần đây nhất là vào dịp tháng 9 năm nay (có lẽ chị nhầm với tháng 9 của năm ngoái - PV), còn lần đầu tiên là vào hồi tháng hai của năm ngoái hay năm nay, chị cũng quên rồi. Với chị, thời gian dường như là những con số biết nhảy múa nên chị không thể nào ghi nhớ được. Thế nhưng, ngày 14 tháng 7 năm 2002, ngày chị đi khám bệnh zona ở bệnh viện da liễu và tình cờ, bác sĩ đã phát hiện ra chị bị mắc thêm một căn bệnh chết người nữa là HIV thì chị không bao giờ quên.Chị bảo, cả đời chị chưa bao giờ đĩ điếm, cũng chưa một lần hút chích heroin. Suốt ngày chị chỉ quẩn quanh với những gánh hoa quả bán ở chợ Long Biên, rồi công việc nội trợ, việc gia đình thì chị không thể mang con virus chết người này được. Vì vậy, đó chỉ có thể là hậu quả của một lối sống buông thả của người chồng nghiện ma túy của chị.

Chị L nhớ lại, ngày chị lên xe hoa về nhà chồng, nghe người ta đồn anh chồng là một con nghiện, chị cũng truy hỏi ghê lắm, nhưng anh thề thốt rằng mình không dính dáng đến ma túy. Sau một thời gian “theo dõi” và “nghiên cứu”, thấy chồng lúc nào môi cũng đỏ chót, lại uống bia, uống rượu như nước lã, nửa lít cũng hết, mà một lít cũng chẳng sao. Mà nghe người ta bảo, người nghiện thì không thể uống rượu nhiều như thế được. Vậy là chị an tâm, không nghĩ chồng mình là một con nghiện.

Sau này, khi đã sinh con đẻ cái, chị mới phát hiện anh chồng là một kẻ “hai mang”, nghĩa là vừa nghiện rượu lại vừa nghiện ma túy thì chị ngã ngửa. Lúc này, chị đi chợ được đồng nào, anh cũng đều lột sạch để lấy tiền mua ma túy. Thậm chí đứa con gái đang học cuối cấp 1cũng đã mấy lần suýt phải nghỉ học, vì cứ dành dụm được ít tiền đóng học cho con, người cha tội lỗi lại mang đi mua ma túy hết. Nhưng khi biết chị bị bệnh, không thể làm gì được nữa, anh chồng nghiện ngập đã xua đuổi không cho chị ở nhà nữa.

Chị phải trở về nhà bố mẹ đẻ, nhưng một bà chị dâu trong nhà luôn rêu rao về tình trạng bệnh tật của chị khiến ai cũng sợ hãi và xa lánh. Không thể chịu đựng được cảnh phải sống chung với người có HIV trong nhà, gia đình phải gửi chị lên trại 02 ở tận Ba Vì. Năm ngoái, có lẽ do ốm nhiều quá, trung Tâm 02 đã chuyển chị về Trung tâm 09. Cho đến lúc này, gia đình nhà chồng gần như không còn liên lạc gì với chị nữa. Cứ cách 2, 3 tháng, họ lại cho người vào Trung tâm, không phải để thăm chị, mà chỉ là để hỏi xem chị đã chết hay chưa.

Mấy hôm trước, bà chị gái, người đã nhận đỡ đầu nuôi đứa con gái đang học lớp 6 của chị có đưa nó vào Trung tâm thăm mẹ. Chị kể, hôm đó vừa nhìn thấy chị, con bé đã vội chạy vào định ôm mẹ, nhưng chị thì vừa đẩy con ra, vừa khóc vừa nói như xin: “Đừng ôm mẹ nữa con ơi!”. Thế là con bé cũng òa khóc. Chị bảo, cả bố mẹ đều bị bệnh rồi, nếu vì một lý do nào đấy mà lây bệnh cho con thì chị không còn lý do gì để sống trên đời này nữa. Vừa nói chuyện, chị Lvừa bảo chúng tôi đeo khẩu trang vào kẻo con virut HIV nhỡ bay ra truyền sang thì chết. Nghe chị nói vậy, tôi và một anh bạn đi cùng phải phì cười bảo, virut HIV không thể truyền qua đường hô hấp được. Nghe tôi nói vậy, chị L cứ ngẩn người. Hóa ra, cho đến lúc chết vì HIV mà chị chưa biết gì về căn bệnh chị đang mang trong mình.

Không sa đọa cũng chết vì HIV

Chiều muộn, bác sĩ Đỗ Trọng, Phó giám đốc Trung tâm 09 dẫn chúng tôi lên phòng chị Nguyễn Thị T. Đó là một căn phòng tập thể dành cho bệnh nhân nữ. Căn phòng trống vắng, nghèo nàn hơn tất cả những gì tôi tưởng tượng ban đầu. Ở đây, gia tài của mỗi bệnh nhân chỉ là mấy bộ quần áo và một hòm tư trang nhỏ xíu. Có người thậm chí còn không có gì cả, ngoài mấy bộ quần áo được Trung tâm phát không khi mới nhập Trung tâm.


Những bệnh nhân HIV rất mong được sum vầy cùng gia đình



Chị Nguyễn Thị T nằm trên chiếc giường inox sáng bóng. Gương mặt chị cứ đờ đẫn như đang phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm lắm. Chị bảo, chị vừa đến phòng khám để bác ĩi khám bệnh và tiêm thuốc. Nói rồi, khuôn mặt chị lại méo xệch. Đã lâu lắm chị không có ai tới thăm. Lúc đau yếu quá, không tự đến phòng khám được, thì bác sĩ phải đến thăm nom và điều trị.

Chị T kể, nhà chị ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Nhưng đó chỉ là nhà chồng thôi, chứ quê chị thì ở tận Hàm Yên, Tuyên Quang. Trước kia, vợ chồng chị từng có Cửa hiệu photocopy gần Đại học Sư phạm I, Hà Nội. Đúng lúc việc làm ăn đang phát đạt, gia đình cũng có chút của ăn của để thì chồng chị bắt đầu nghiện ma túy, rồi bị phát hiện nhiễm HIV sau đó không lâu. Ngay sau khi biết chồng có HIV, chị đã lặng lẽ, một mình đến bệnh viện làm xét nghiệm, thì mới biết mình cũng đã nhiễm HIV từ lúc nào rồi. Sau đó, chị đã lặng lẽ mang cái thai đã 3 tháng tuổi, mà trước đó chị đã rất chăm chút, nâng niu, đến một cơ sở phụ sản tư nhân để phá. Có lẽ vì thế mà cho đến những ngày cuối đời, chị vẫn luôn day dứt về việc làm tội lỗi ấy của mình. Chị bảo, nếu như bây giờ thì chị nhất định sẽ để cái thai ấy. Biết đâu, nó may mắn mà dương tính với HIV thì sẽ được làm người. Nói rồi, chị thở dài bảo, hóa ra bây giờ chị chẳng còn gì cả: không gia đình, không con cái, không người thân. Chị chỉ còn sống để chờ đợi cái chết nữa là hết.

Thế nhưng, cái chết cũng đâu có đến dễ dàng như thế. Nhiều đêm chị nằm mơ thấy mình đã chết, sáng ra, chân tay không cử động được, còn mắt thì chỉ nhìn thấy một mầu trắng trắng, mờ đục, chị càng tin là thật. Thế mà khi đã mở được mắt, chị thấy mình không phải nằm trong chiếc quan tài, mà vẫn nằm trên chiếc giường inox lạnh lẽo với dây dợ và mấy bác sĩ mặc áo blu trắng vây xung quanh. Vậy là, chị vẫn chưa chết được.

Cách đây không lâu, chồng chị vẫn vào Trung tâm thăm chị. Lúc đến, anh còn đem theo cả một túi hoa quả tươi vào làm quà. Chị bảo, anh ấy vẫn còn yêu chị lắm và hứa nhất định sẽ bỏ được ma túy. Rồi chị nói như khoe, bảo chồng chị cũng đang thuyết phục gia đình để đưa chị về sống ở nhà, rồi khi chết cũng làm ma ở nhà. Nhưng mấy lần rồi, lần nào cũng chỉ thấy anh nói như vậy mà chưa có kết quả gì cả. Kể đến đây, chị T đưa vạt áo lên mặt, như để thấm nước mắt. Tôi cứ nghĩ với người đàn bà nhiều bất hạnh này, mọi khổ đau đều đã tan thành nước mắt, mà nước mắt thì chị đã cạn khô từ lâu lắm rồi, còn đâu để mà khóc nữa.

Hai câu chuyện trong một bài viết có lẽ chưa thể nói hết được sự đau khổ, dằn vặt và một cuộc sống tủi nhục của những người phụ nữ là nạn nhân của căn bệnh chết người HIV/AIDS. Phải khẳng định lại một điều rằng, không phải người bị nhiễm HIV nào cũng xuất phát từ một lối sống buông thả. Thế nhưng, khi đã trở thành nạn nhân của căn bệnh chết người này thì chính họ, thay vì nhận được sự cảm thông, chia sẻ, họ lại chịu đựng sự kỳ thị kinh khủng nhất của gia đình, người thân.

Nhiều lúc tôi cứ băn khoăn tự hỏi, có phải tình trạng này vẫn cứ diễn ra là vì lòng nhân ái của chúng ta đã bị “đóng băng” và mù quáng trước những số phận vẫn phải gánh chịu những nỗi rất vô lý này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật