Ranh giới đường vành đai: Tại sao làm cong?

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 29/4, tại cuộc họp chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII, các ĐBQH thành phố Hà Nội tỏ ra bức xúc về nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh như vụ đường vành đai 2,5 ở quận Hoàng Mai, giá cả leo thang, khiếu kiện đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sáp nhập Thủ đô...
Ranh giới đường vành đai: Tại sao làm cong?
Cuộc họp có mặt đầy đủ lãnh đạo thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, viện KSND, TAND thành phố Hà Nội (Ảnh: XL)
Cuộc họp có mặt đầy đủ lãnh đạo thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, "nóng" không kém phiên chất vấn ở kỳ họp Quốc hội.

Đường vành đai thẳng hóa hình chữ Z

Ông Đặng Văn Khanh, viện trưởng viện KSND thành phố, ĐBQH Hà Nội, gay gắt về vụ người dân bức xúc 4 năm qua xung quanh việc đền bù giải phóng mặt bằng đường vành đai 2,5 ở quận Hoàng Mai không rõ ràng của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Theo quy hoạch, chỉ có 44 hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa nhưng khi thực hiện quy hoạch, có tới hơn 120 hộ bị di dời, ông Khanh miêu tả: "Đường vành đai lẽ ra thẳng hóa thành hình chữ Z".

Suốt 4 năm qua, Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản giải thích việc thực hiện quy hoạch chi tiết cũng như đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân liên quan đến đường vành đai này.

Song, ông Khanh nói: "Tất cả các giải thích của Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố chưa đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Thậm chí người dân còn cho rằng những người quy hoạch có vẻ muốn "chơi chữ" trong giải trình vụ việc". Ông Khanh khẳng định "dân chất vấn rất sát luật, họ không cãi không" về vụ này.

Đồng tình với ý kiến của ông Khanh về vụ việc này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, tất cả các văn bản giải thích của Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố rất "chồng chéo, không rõ ràng".

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố giải thích vụ việc nhưng sự vòng vèo về khái niệm chuyên môn khiến ông Khanh và ông Đào bất bình, lên tiếng đòi đặt cơ chế giám sát dự án mở đường vành đai này.

Ông Đào nói "dân bức xúc nhiều năm có nghĩa có vấn đề. Tôi không "chống" các đồng chí nhưng có gì đó bùng nhùng" trong vụ này.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đồng tình với ý kiến của ĐBQH, không thể kéo dài bức xúc của người dân như suốt 4 năm qua. Theo Chủ tịch Thảo, Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố hoàn toàn có thể giải trình minh bạch toàn bộ quy hoạch chi tiết cho người dân.

"Làm gì mà người dân không hiểu ranh giới chỉ đỏ đường vành đai, chẳng qua vấn đề là tại sao anh làm nó cong, vì sao anh không làm đường thẳng mà thôi", ông Thảo nói với đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố.

Đích thân Chủ tịch UBND thành phố nhận trách nhiệm giải quyết trực tiếp vụ việc này, giao Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố sớm giải trình với lãnh đạo thành phố và gặp dân để giải quyết dứt điểm vụ việc.

ĐBQH thành phố Hà Nội tỏ ra bức xúc nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh (Ảnh: XL)

Mong Hà Nội không "mặc áo chung"

Một trong những nội dung buổi làm việc chiều 29/4 là việc xây dựng cơ chế phát triển đặc thù cho Hà Nội. Tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội, Hà Nội muốn xin ý kiến việc đưa dự thảo Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật và ban hành Luật Thủ đô, thay thế Pháp lệnh Thủ đô để thành phố có căn cứ pháp lý đủ hiệu lực về các cơ chế đặc thù thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển.

Theo ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trước mắt, khi chưa ban hành Luật Thủ đô, trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh, Hà Nội đề nghị các ĐBQH thành phố kiến nghị Quốc hội, UBTV Quốc hội có một số quy định, mang tính đặc thù theo đề nghị của Hà Nội.

Ông Lê Văn Hoạt, thường trực HĐND ví von chuyện Hà Nội phải có cơ chế quản lý sự phát triển đặc thù giống chuyện một thủ đô của đất nước không thể "mặc áo chung" với các địa phương khác trong cả nước. Theo ông Hoạt, điều này hoàn toàn có cơ sở pháp lý và thực tiễn, có thể thấy ngay trong việc quản lý cư trú.

"Đây là việc biết rồi, khổ lắm, nói mãi, nhưng mong Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm hơn, nếu không sẽ rất khó quản lý chính quyền đô thị đặc thù Thủ đô", ông Hoạt nói.

Ông Đặng Văn Khanh, viện trưởng viện Kiểm sát Hà Nội nêu kiến nghị về tình trạng khiếu kiện kéo dài, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù. Theo ông Khanh: "Dân bây giờ bắt đầu thấy được quyền của người ta rồi. Không chỉ loanh quanh ở khiếu kiện, giải quyết theo pháp lệnh khiếu nại, tố cáo nữa mà án hành chính đưa ra rất nhiều. Án hành chính xoay quanh hai vấn đề: quyết định hành chính và hành vi hành chính"

Ông Phạm Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội cho rằng không thể xác nhận mức độ khó khăn của người dân thông qua chỉ số tăng giá của thành phố ở mức 11%. Theo ông Lợi, trên thực tế, không có mặt hàng nào tăng dưới 20%. Một gói xôi, bánh mỳ hay bát cháo đều tăng giá gấp 2 - 3 lần. Do vậy, chỉ số thống kê của các cơ quan chức năng không phản ánh hết sự khó khăn trong đời sống của người dân.

Ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội kiến nghị đại biểu Quốc hội việc cần thiết phải có cơ chế đặc thù bảo vệ uy tín, danh dự, tính mạng của thẩm phán. Thực tế vừa qua đã xảy ra tình trạng đương sự nhắn tin qua điện thoại để hăm dọa cán bộ tòa án. Nhiều trường hợp dùng axit gây thương tích cho thẩm phán.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật