“Hạn hán“ vốn vay, thảm cảnh người nuôi cá miền Tây Nam Bộ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năng suất thấp, dịch bệnh, giá bán hạ và thiếu vốn là những vấn đề cấp bách đang gây khó cho hoạt động nuôi, chế biến hải sản xuất khẩu tại các tỉnh miền Tây Nam bộ hiện nay.
“Hạn hán“ vốn vay, thảm cảnh người nuôi cá miền Tây Nam Bộ
Thu hoạch cá tra

Diệu vợi nguồn vốn rẻ

Để giải cứu con cá tra vượt qua cơn suy thoái, Chính phủ đồng ý chi 9.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nuôi, người chế biến, xuất khẩu nhưng số tiền này xem ra khá nhỏ nho khi “hòa tan” cho cả một ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản cả khu vực miền Tây Nam bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, ngụ phường Thới An, Ô Môn, TP. Cần Thơ đang cần vốn rẻ để phục vụ 20 ha cá tra đang nuôi nhưng từ chỗ mong vốn đến khi có vốn rẻ để vay là cả một khoảng cách xa diệu vợi. Không vay được vốn hỗ trợ, ông Hải phải vay 3 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 14,5%/năm, theo đó đem 30 ha đất của mình thế chấp. “Nếu được vay với lãi suất ưu đãi là 11%/năm, nông dân như tôi sẽ bớt khó khăn biết chừng nào”- ông Hải giải thích.

Không chỉ có nông dân Nguyễn Ngọc Hải khát vốn vay với lãi suất thấp, nhiều người nuôi cá tra cũng đang cần vốn nhưng chưa vay được. Đặc biệt khi giá cá tra xuống thấp, nợ cũ chồng lên nợ mới chưa trả được, đầu ra của con cá lại đang tắc.

Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá tra loại 0,8kg/con hiện đang dao động từ 21.000- 22.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lỗ 2.000-3.000 đồng/kg. Cá tra loại trên 1kg/con  (cá quá lứa) giá dưới 20.000 đồng/kg, những chủ ao nuôi đang “trữ” loại cá này lỗ càng nặng.

Vốn vay ưu đãi đã có vậy do đâu người nuôi cá không tiếp cận được vốn vay? Đại diện Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho rằng, rất ít nông dân được tiếp cận vốn là do không có phương án khả thi, khi đem đất thế chấp thì giá trị vay chả được bao nhiêu so với nhu cầu cần vốn để sản xuất. Trong khi đó, một số người nuôi cá lại tiết lộ, nếu vay vốn với lãi suất ưu đãi mà thủ tục phiền hà, thậm chí tốn cả phí thì vay vốn với lãi suất cao còn giải quyết được việc hơn.

Ông Nguyễn Khắc Phục, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp còn khoảng 1.000 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán vào cuối tháng 10/2012. Nếu vay được vốn ưu đãi gia đình ông sẽ có tiền mua thức ăn, cầm cự được trong điều kiện giá cá liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, ông Phục chỉ là một trong số rất ít nông dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi theo gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Ông Võ Văn Nhựt, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang chấp nhận vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để nuôi 4 ao cá tra vì chờ vốn lãi suất hạ lâu quá. Ông Nhựt cho biết, khi giá cá tra giảm liên tục thì người nuôi càng lỗ nặng hơn do vừa gánh lỗ giá cá nguyên liệu thấp, giá thức ăn cao và cả lãi suất ngân hàng cũng cao, vì vậy việc không có lãi là cầm chắc trong vụ này.

Tại Đồng Tháp, tính đến tháng 8/2012 tổng dư nợ cho vay nuôi, chế biến cá tra khoảng 4.900 tỷ đồng, tăng 111 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp cho biết, gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng cho hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp thật ra không có bao nhiêu nông dân được thụ hưởng. Bởi vì phân bổ ra toàn vùng, trong khi doanh nghiệp và nông dân có nhu cầu rất lớn  nhưng lại thiếu phương án khả thi để được vay.

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực tế người nuôi cá tra cần cả chục tỷ đồng để nuôi 1 ha mặt nước. Tuy nhiên, khi thế chấp đất ao để nuôi cá thì chỉ vay cao lắm là vài trăm triệu đồng. Vì vậy họ cũng chẳng vay được bao nhiêu trong khi nhu cầu rất lớn.

Nhiều nông dân mất trắng

Không chỉ có cá tra, con tôm nuôi chế biến xuất khẩu tại miền Tây Nam bộ cũng đang lâm vào tình cảnh khó khi nuôi liên tục bị dịch bệnh, giá bán không cao và thị trường xuất khẩu bị co hẹp.

Hiện nay, tôm sú loại 20 con/kg bình quân giá 210.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 135.000 đồng/kg; loại 40 con/kg 120.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng 80.000 đồng/kg loại 100 con/kg. So với đầu tháng 9, giá tôm đã tăng 8.000-15.000 đồng/kg. Mặc dù giá tôm có tăng lên so với đầu tháng 10 nhưng do tôm dịch bệnh và chi phí nuôi thả tăng mạnh khiến cho người nuôi không có lãi, nhiều nơi còn bị lỗ nặng.

Tiền Giang là địa phường làm giàu nhờ con tôm nuôi xuất khẩu nhưng hiện không ít hộ dân điêu đứng vì tôm dịch bệnh. Tiền Giang hiện có 830,68 ha tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại, tăng 275,64 ha so với cùng kỳ năm 2011. thiệt hại do tôm dịch bệnh bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha, hiện tại đã có 540 ha nuôi tôm thiệt hại 100% xẩy ra ở Tiền Giang.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tháng 8/2012, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm 16,6%, nguyên nhân chính là do rào cản Ethoxyquin tại thị trường nhập khẩu của Nhật Bản. Tính đến trung tuần tháng 9/2012, tôm chân trắng xuất khẩu sang thị trường Nhật tiếp tục giảm 22,05%; trong đó tôm sú giảm 1,2%, các loại tôm khác giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tình hình  xuất khẩu khó khăn, đã làm cho 70% nhà máy chế biến tôm tại miền Tây Nam bộ thu hẹp sản xuất.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu, người nuôi tôm cá làm nguyên liệu xuất khẩu và cả các doanh nghiệp chế biến ở miền Tây Nam bộ luôn đối mặt với khó khăn do tập quán sản xuất thiếu khoa học, bị phụ thuộc vào thiên nhiên qúa nhiều và không làm chủ được thị trường. Nhiều người còn cho rằng ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ở miền Tây Nam bộ đã qua rồi cái thời ăn may, bây giờ là thời điểm trả giá cho cung cách làm ăn manh mún, thiếu chiến lược nhất quán, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ khâu nuôi thả, chế biến và dành hợp đồng xuất khẩu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật