Người phụ nữ đau khổ cả đời ôm một giấc mộng tình

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mối tình đầu trong sáng đầy cảm xúc bị chiến tranh chôn vùi đã cứa vào lòng người đàn bà ấy một vết thương tứa máu. Sau bao nhiêu đau thương, khắc khoải về người chồng sắp cưới đầu tiên, bà cố dặn lòng phải đi lấy chồng để lo cho gia đình và các em mặc dù nỗi nhớ về “người kia” vẫn còn tha thiết lắm. Thế rồi cuộc hôn nhân chóng vánh ấy cũng chẳng bền lâu khi đứa con trai độc nhất sớm “ra đi” theo tổ tiên còn chồng bà thì bỏ vợ đi biệt tích. Người đàn bà khốn khổ ấy tên là Bùi Thị Tản.
Người phụ nữ đau khổ cả đời ôm một giấc mộng tình
Bà Bùi Thị Tản tại TTBTXH tỉnh Hòa Bình

Tình đầu đẹp như mơ

Gặp bà Bùi Thị Tản (60 tuổi, quê ở Kim Bôi, Hòa Bình) vào một buổi sáng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình (Thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), bà gây ấn tượng cho tôi bởi gương mặt khắc khổ và làn da đen sạm.

Ngồi nói chuyện với bà, nghe bà kể về những nút thắt của cuộc đời mình, tôi dần hiểu ra đâu là nguyên nhân khiến gương mặt bà khi khóc, khi cười đều như đang ẩn chứa một nỗi buồn riêng tư, khó nói. Một nhà thơ từng nói về tình yêu:

“Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, trong những phút giây tâm sự với bà Tản, tôi hiểu ra câu thơ ấy vận vào bà đúng lắm!!

Bố mẹ bà Tản sinh được 5 người con. Bà là chị cả trong gia đình, phía dưới còn có một em trai và ba em gái. Gia đình bà kinh tế cũng không khá giả gì nên với vai trò của người chị cả, bà luôn chịu thương chịu khó làm lụng để chung vai gánh vác gia đình với cha mẹ.

Năm 1‌8 tuổ‌i, cái tuổi đẹp nhất của người con gái, bà yêu một anh chàng cùng làng. Vì cùng làng nên anh rất mến cô gái có tiếng hay lam hay làm, bà cũng để ý đến anh chàng khỏe khoắn và có nụ cười tươi rói mỗi lần gặp gỡ.

Và rồi một tình yêu chân thành theo đó mà chớm nở với bao nhiêu cung bậc cảm xúc của hai con người lần đầu tiên biết yêu. Thời gian đã trôi qua rất lâu với bao vết bụi phủ mờ nhưng bà Tản vẫn còn nhớ rõ thời điểm bà chính thức nhận lời với người ấy là năm 1969.

Nhớ lại chu‌yện tìn‌h của mình, gương mặt thoáng chút e thẹn, bà kể: “Ngày ấy chúng tôi yêu nhau khác lắm chứ không như thanh niên bây giờ đâu. Yêu thì yêu lắm nhưng cứ hễ gặp nhau là ngại ngùng. Mỗi lần ngồi tâm sự là đều phải thắp sáng đèn rồi mới nói chuyện với nhau, không là bên đoàn thanh niên có ý kiến ngay”.

Yêu nhau được hơn 3 năm, với tình cảm sâu đậm mà cả hai dành cho nhau nên bên nhà “người ấy” cũng đã sang nhà bà Tản nói chu‌ּyện ngư‌ּời lớ‌ּn. Lúc ấy nhà ông đã coi bà như dâu con trong nhà còn nhà bà thì cũng sớm coi ông là chàng rể quý hóa.

Câu chu‌yện tìn‌h đẹp như mộng ấy chỉ còn thiếu duy nhất một đám cưới nho nhỏ để hợp thức hóa, công bố cho làng trên xóm dưới biết chuyện chung vui.

Thế nhưng cái đám cưới ấy mãi chỉ tồn tại trong giấc mơ của bà Tản bởi năm 1972, tình hình chiến sự ở miền trong vô cùng ác liệt, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, biết bao thanh niên trai tráng ngoài Bắc đã lên đường nhập ngũ, trong đó có người yêu bà Tản.

Biết người yêu nhập ngũ, bà Tản lo lắng lắm nhưng bà cố nén nước mắt trong lòng để cứng cỏi động viên người yêu lên đường may mắn, nếu có thời gian thì nhớ biên thư về cho bà nắm bắt được tình hình.

Ông được đưa đi huấn luyện 6 tháng trước khi hành quân vào Quảng Trị chiến đấu. Khoảng thời gian nửa năm nhưng đối với bà Tản thì dài như nửa thế kỷ bởi bà không biết được tin tức gì nhiều về ông, nỗi nhớ trong bà cứ trào dâng liên tục mà khó lòng kiểm soát được.

Rồi một ngày bà giật mình khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc nào kia đang ngồi trong nhà mình. Trời! Thì ra là ông về thăm bà. Nhìn thấy người yêu, mắt bà rơm rớm nước. “Tôi xúc động lắm khi biết ông ấy đạp xe thẳng một mạch hàng trăm cây số từ chỗ tuyển quân về đây để gặp mặt tôi, dặn dò mấy điều trước khi lên đường.

Tôi còn nhớ nhất là ông ấy dặn: “Ở nhà thì trông bố mẹ giúp với!”. Chúng tôi còn hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp trong đó có cả niềm hi vọng về một đám cưới đông vui ngay khi ông ấy đi bộ đội về”, bà Tản tâm sự.

Lúc đó, cả hai đều biết chiến sự giữa ta và địch vô cùng ác liệt, căng thẳng nhưng tình yêu đã thắp lên ánh sáng của niềm tin và hi vọng giúp hai người khi gặp nhau đã quên đi bom đạn phía trước để chờ mong vào một tương lai tốt đẹp.

Ngày ông chính thức hành quân, bà đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì thương nhớ. Phải qua một thời gian bà mới lấy lại được sự bình yên trong lòng thì nhận được thư ông.

Khổ nỗi, đó không phải lá thư thông báo tình hình rằng ông đã vào đến nơi hay kể lể về nỗi nhớ thương của hai con người yêu nhau nhưng phải xa cách mà đó là một lá thư… chia tay.

Cả cuộc đời ôm mộng tình không thành

Ngày ấy, để chiếm được thành cổ Quảng Trị, địch đã rải rất nhiều bom trên mảnh đất này, kèm với đó là đạn pháo từ các lực lượng hỗ trợ chiến đấu liên tục dội vào. Trận chiến Quảng Trị được đánh giá là một trong những trận đánh khủng khiếp, ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Để giữ thành, quân ta đã phải chiến đấu rất anh dũng, trong đó hàng ngàn hàng vạn người đã một đi không trở lại. Nhiều bộ đội từ miền Bắc vào, khi thấy bom đạn, khói lửa nơi đây đều biết rằng ranh giới sự sống cái chết quá mong manh.

Những chàng thanh niên có người yêu đều đồng loạt viết thư chia tay để nếu có mệnh hệ gì thì người yêu mình không phải đợi chờ trong vô vọng, thoải mái đi tìm tình yêu mới. Người yêu của bà Tản cũng vậy. Bà vừa kể vừa khóc:

“Đến Quảng Trị, ông ấy thấy chiến tranh ác liệt quá, không biết sống chết thế nào nên viết vội một bức thư để chia tay với tôi. Tôi nhớ nhất là câu: “Anh thế này không biết sống hay chết. Em ở nhà có thời gian thì chăm sóc bố mẹ giúp anh. Nếu số phận rủi ro thì em cũng đừng ngóng đợi mà hãy đi bước nữa”.

Đọc được những dòng thư ấy, người bà Tản như lặng đi, nước mắt đua nhau rơi xối xả. Đến tận bây giờ, khi ngồi kể lại cho tôi, bà vẫn khóc. Bà còn bảo rằng những lời ấy đến tận bây giờ bà vẫn khắc cốt ghi tâm.

Và sự thật là mới vào chiến đấu được một thời gian, ông đã hi sinh. Ngày nhận giấy báo tử, bà cùng gia đình ông đã trải qua một cú sốc rất lớn. Bà nhớ lại: “Xã huyện làm tang lễ cho ông ấy với 2 cái chăn 2 cái gối, 1 mâm cơm. Tôi cùng mẹ và em gái ông ấy chỉ biết ôm nhau mà khóc”.

Sau ngày ấy, bà vẫn tới thăm gia đình ông theo đúng những gì ông từng dặn dò. Mỗi lần đến chơi, thắp cho ông nén nhang, lần nào bà cũng nghẹn ngào nước mắt. Mẹ của ông thấy vậy thì cũng giọt ngắn giọt dài, bốn con mắt ngấn lệ chỉ biết nhìn nhau rồi lẳng lặng cúi đầu.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em nhỏ tuổi nên bà Tản phải nén nỗi đau cá nhân vào trong lòng để tiếp tục đi làm công nhân. Đến năm 1979, mọi người khuyên bà nên lấy chồng để có thêm người gánh vác chuyện gia đình.

Gia đình người đã khuất cũng động viên bà nên tìm đến một cuộc tình duyên mới. Và thế là bà lấy một người chồng ở Lương Sơn, Hòa Bình. Chồng bà biết hết quá khứ của vợ, biết rằng lấy mình song bà vẫn nặng nợ với tình đầu thế nhưng ông không ghen tuông gì cả.

Có với nhau được một mụn con thì ông lặng lẽ ra đi, bỏ lại bà và đứa con nhỏ bơ vơ. Bà nuôi con đến năm nó 14 tuổi thì nó qua đời. Các em điều kiện chẳng khá giả gì, đều thuộc diện hộ nghèo sống bằng trợ cấp của nhà nước nên bà được đưa về sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Đến nay cũng đã ngót 8 năm bà sống tại nơi này.

Bà Tản bảo, từ ngày “tình đầu” hi sinh trong chiến trường, chưa bao giờ bà quên ông cũng như thứ tình cảm trong sáng, sâu sắc mà cả hai dành cho nhau. Hàng năm, cứ đến ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 là nỗi nhớ trong bà lại dâng lên cồn cào, càng nghĩ thì nước mắt cứ chảy ra.

Thời gian trước khi vào sống tại trung tâm, bà hay đến thăm gia đình của ông, bố mẹ ông vẫn cứ gọi bà là con dâu, em gái của ông thì gọi bà là chị dâu. Tết năm nào bà cũng thu xếp để đến nhà ông thắp cho ông nén hương thơm. Có hôm bà ở lại ăn cơm cùng gia đình, có lần thì về luôn. Mỗi lần như vậy, ai nấy đều sụt sùi nước mắt.

Bà cũng mới biết tin, người chồng từng bỏ bà ra đi đã đến một vùng đất mới, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Bà không muốn chen ngang vào cuộc sống của họ nên ngậm ngùi sống tại trung tâm. Đó cũng là cách để bà giữ lại nỗi hoài mong, khắc khoải chưa bao giờ nguôi về một người đã khuất.

Thỉnh thoảng có năm bà được các cháu đón về ăn Tết còn đa số bà ăn Tết luôn tại trung tâm. Bà hiểu những đứa cháu của mình cũng có hiếu nhưng biết làm gì khi mà kinh tế khốn khó, ngay cả gia đình chúng còn lo chưa xong thì sao lo nổi thêm cho người bác ruột.

Bà chấp nhận với những gì đã và đang có với câu chép miệng: “Số phận long đong mà cô. Số ai thế nào thì phải chịu thế ấy thôi”.

Giờ sống ở Trung tâm, cuộc sống chưa thật sự đủ đầy nhưng với bà đó cũng đã là niềm vui lớn. Bà được cán bộ, nhân viên quan tâm chăm sóc, ăn uống nghỉ ngơi điều độ. Đặc biệt là được nghĩ về ông, mối tình đầu không bao giờ quên, được lặng lẽ ngồi khóc trong một góc phòng khi không kiểm soát được nổi nhớ.

Cả cuộc đời ôm một giấc mộng tình, dù nó chẳng thể thành hiện thực, cái đám cưới kia mãi chỉ hiện hữu trong giấc mơ nhưng với người phụ nữ ấy, có lẽ đó đã là quá đủ!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật