Mủ đắng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị vùng vẫy trong vòng tay như gọng kiềm siết chặt từ phía sau lưng của gã đàn ông to lớn vạm vỡ. Mùi mồ hôi chua gắt nồng nặc phả vào mủi nghẹt thở. Một bàn tay to bè chai cứng vòng qua cổ đè nghiến lên miệng chị, bàn tay kia kéo lết chị sâu vào trong rừng. Trong cơn hoảng loạn, chị chống cự quyết liệt bằng cả sức trẻ mười tám tuổi, bàn chân chị chòi đạp ghì riết trên mặt đất bùn nhão nhoét, tay quờ quạng chụp vào phía sau, cào cấu cật lực vào thâ‌n hìn‌h nục nạc mỡ của gã đàn ông. Gã thở phì phò, nhả từng tiếng méo mó qua hàm răng nghiến chặt:
Mủ đắng
Ảnh minh họa

-         Mày im, muốn chết hả?

Cây đèn pin nhỏ gắn vào mũ của chị rớt xuống đất vỡ tan tành. Bóng tối dày đặc úp chụp lấy chị. Răng chị cắn ngập vào ngón tay út của gã đàn ông, hắn rú lên như con thú bị thương.

-         Tao giết mày!

Một màn chất lỏng loãng sền sệt đổ ụp lên mắt chị, mùi hăng hắc quen thuộc chảy tràn trề khắp mặt. Trước khi  rơi vào vũng tối đen ngòm, ngạt thở, một tia chớp kinh hoàng lóe lên trong đầu chị: mủ cao su! Khốn nạn quá!

Cơn đau nhói xộc thẳng từ bên dưới như chẻ đôi người chị. Xuyên buốt đến tim. Con chết mất mẹ ơi!

*

-         Mẹ, mẹ ơi, mẹ sao vậy?

Bé Sao vừa hốt hoảng s‌ּờ soạ‌ּng lên mắt, lên má chị, vừa lay chị kêu giật giọng:

Chị quờ chụp lấy tay bé Sao, nước mắt trào thành hàng qua mí mắt dính chặt:

-         Mẹ không sao đâu con. Mẹ tỉnh rồi, mẹ nằm mơ thấy ác mộng.

-         Vậy mà mẹ làm con hết hồn, mẹ la lối, ú ớ, đạp đùng đùng như đang vật lộn với ai.

-         Để con lấy khăn lau mồ hôi cho mẹ, trán mẹ ướt đầm đìa hết rồi nè.

Chị mò mẫm lần tìm bàn tay của con, mân mê ngón tay nhỏ xíu có những cục chai của bé Sao, nước mắt lại trào ra:

-         Con thức khuya  quá vậy Sao? Hôm nay bài tập nhiều hả con?

-         Dạ, hồi chiều con đi nhổ cỏ cho vườn điều nhà dì Sáu về tối, di có cho con ăn cơm rồi mang về cho mẹ nữa. Mà mẹ sốt ngủ li bì nên con cất trong chạn rồi. Con còn nấu cháo cho mẹ nữa đó!

Chị ôm con vào lòng, vuốt ve lên vầng trán cao có mái tóc mỏng mịn của con, rồi lấy tay lần dò từng đường nét trên khuôn mặt bé Sao:

-         Mẹ không thấy đói. Con phải ăn nhiều vào, lấy sức mà học, dạo này con ốm lắm, gò má nhô xương lên đây nè.

-         Không đâu mẹ, mặt con tròn vo à. Chiều này có mấy Bác bên nông trường cao su đến thăm lớp, có bác khen con mặt mày dể thương sáng sủa, chắc giống cha đây nè!

Giọng  chị nhỏ lại, thắt trong cổ:

-         Mấy bác bên nông trường cao su nào?

-         Nông trường hồi xưa mẹ làm đó mà. Mấy bác cho con tiền, khen con quá trời. có bác kia nhìn con hoài, khen con ngoan và xinh, rồi đòi mai đến nhà mình thăm nữa đó mẹ. Bác đó tốt lắm mẹ à.

-         Kệ người ta đi con, biết đâu người ta nói cho vui vậy. Đi ngủ rồi mai còn đi học sớm.

Sao ngoan ngoãn chui vào lòng chị, vùi cái đầu tóc khét mùi nắng vào cổ chị, cười rúc rích một hồi rồi thiếp ngủ. Chị nằm ôm con, hít hà cái mùi mồ hôi quen thuộc của con, rờ rẫm lên mũi và mắt con, từng đường nét mà bàn tay chị đã thân thuộc. Nước mắt sống lại trào ri rỉ qua khóe mắt đỏ tấy. Hai con mắt bị hủy hoại  vì mủ cao su không ngừng sưng tấy đau nhức hành hạ chị.

Giữa bóng tối dày đặc, ngày cũng như đêm, chị nằm thao láo nghe chuột chạy rung rúc trong gian bếp trống thông thốc. Sao nói người bên nông trường cao su thăm mình, cái nông trường cao su mà chị không bao giờ muốn nhớ. Cái nghề cạo mủ cao su, giá như cái ngày định mệnh đó, chị không thay cha đi cạo…

*

Hai giờ đêm, hơi sương lạnh dầy đặc trong rừng cao su không bốc được lên cao nặng nề bay là đà lẩn khuất giữa các tàng lá thấp. Công việc của người thợ cạo mủ cao su bắt đếu từ hai giờ đến sáu giờ sáng, giờ mà cao su cho mủ nhiều nhất và chất lượng nhất. Nắng ngày lên sẽ làm cho cây cao su khép kín vết vỏ cây bị thương lại, dòng mủ chảy cạn đi, khô quắc.

Chị bỏ cặp thùng lớn ngoài bìa rừng, len lỏi vào lô cao su lớn tuổi hơn 300 cây mà mình được phân công, vẫm ấm ức ngầm vì bị đội trưởng đẩy vào lô tít sâu trong rừng, từ đây đi bộ ra chỗ tập kết mất cả năm cây số. Mấy ông thấy con gái trẻ sức vóc là muốn bắt nạt, chị nghĩ thầm.

Chị vuốt ve lớp vỏ áo sần sùi của cây cao su đúng độ năm năm tuổi, vạch một đường khéo léo lượn tròn quanh thân cây từ trên cao ba mét xuống đến gốc và  say sưa ngắm dòng nhựa trắng đục ngay lập tức chảy trào theo máng vào chén hứng. Mùi cao su thơm gây gây như sửa mẹ tỏa lên trong không gian đặc quánh mùi lá mục và sương sớm. Chị bật cười khi nhớ lời 1 đôi trai gái chở nhau vào rừng cao su chụp hình cưới, cô gái chun mủi nhỏng nhẻo với người yêu chê mùi mủ cao su hôi khét đến chóng mặt. Không ai, hiểu mùi mủ cao su trinh nguyên thơm ngọt như thế nào, chỉ đến khi bị phơi ra gió và vi sinh vật làm ô nhiễm, mủ cao su mới có mùi khó ngửi đặc trưng mà thôi. Và chị tự hào là chỉ có những người thợ mủ, với nhát cạo vỏ đầu tiên mới tận hưởng được mùi vị trinh nguyên của mủ cao su đến phát ghiền và nhớ như nhớ người thương quanh năm gần gũi.

Mà sao không nhớ được khi nhà chị đã ba đời làm nghề cạo mủ cao su, cả nhà sống nhờ vào cây cao su, cả cuộc đời chỉ quanh quẩn bên gốc cao su. Bầu trời của chị là những mảng xanh lọt qua tán lá cao su. Không khí chị thở cũng đặc quánh mùi cao su và khí cac-bô-nit của rừng cao su nhả ra tràn ngập mổi buổi sáng đã hủy hoại sức khỏe của bố chị, mẹ chị và giờ là làn da trắng xanh, đôi môi thiếu sắc hồng của chị dù đang tuổi dậy thì. Chỉ có nhà chủ mới làm giàu từ dòng mủ trắng này, đời công nhân vất vả quanh năm bám gốc cao su từ hai giờ sáng đến bốn giờ chiều, chỉ vừa đủ sống. Và tình yêu của thợ cạo mủ cũng nảy nở dưới tán cao su, lá cao su phủ ấm những bờ vai hẹn hò và những đứa con sinh ra trong lán trại lại sẽ tiếp tục cuộc đời của bố mẹ với con dao cạo mủ trong tay từ những năm lên năm, lên mười.

Chị bồi hồi nhớ những va chạm cố ý trên chuyến xe tải chở lổn ngổn thợ cạo mủ và thùng từ lán chỉ huy vào sâu trong lô. Thân thể thanh tân giấu trong bộ đồng phục xanh dày bạc thếch hực sức sống và khao khát khi bàn tay của anh Tân lái xe cố ý dừng lại thật lâu đầy da diết trên bờ vai tròn của chị lúc đỡ chị và cặp thùng xuống xe. Và mắt của anh cháy lên nóng rực những ẩn ý hẹn hò dưới vùng sáng ánh đèn pin gắn trên nón của chị.

Vừa thoăn thoắt xẻ những miệng mủ mới, đầu chị miên man tưởng tượng tới cảnh gục đầu vào đôi vai to khỏe của Tân và bàn tay nóng bỏng của anh xiết chặt đến vỡ những vùng trăng loang loáng trên thâ‌n hìn‌h chị dưới tàn cao su. Chị ửng hồng má, toàn thân chống chếnh trong cảm giác rạo rực lạ lùng… Và những đứa con, chị sẽ không để con mình chọn con dao cạo mủ trong mâm cúng thôi nôi như ba mẹ chị đã làm. Đời con của chị và Tân sẽ thoát khỏi bóng rợp ngờm ngợp của rừng cao su. Những nguy hiểm độc địa chực chờ dưới gốc cao su sẽ không đe dọa được con của chị. Rắn rừng cuộn tròn trên tán cao su rơi tọt vào áo, sấm sét mưa rừng và cây đổ gãy, không gian đặc quánh ngạt thở này và những trò thô bỉ rượt đuổi nử công nhân cạo mủ trong rừng vắng… không, con chị sẽ không bao giờ biết…

Tự nhiên chị rùng mình trong một linh cảm lạ, rừng vắng quá, đêm mới sang canh ba đen dày quá, chung quanh không một tiếng người, chỉ có tiếng lá rơi sột soạt và thú rừng chạy loạt xoạt từ xa như bước chân ai nặng nề…

Một bóng đen to lớn từ sau lưng đổ ập lên người chị cùng mùi mồ hôi chua loét nồng nặc và mùi loài con đực động tình đậm đặc làm chị choáng váng hoảng loạn. Chị rú lên kêu cứu nhưng tiếng chị lọt thõm trong rừng sâu và tất cả diễn ra quá nhanh. Cho đến khi một màn nhựa trắng úp chụp lên mắt chị. CHị ngất lịm đi trong cảm giác đau đớn kinh hoàng như con dao cạo mủ đang rạch nát đôi mắt và toàn thân bị cào xé xẻ đôi.

 

Chị tỉnh dậy trong bệnh xá, màn đêm đen đặc phủ kín đời chị từ đó.

Đau đớn hơn, người ta không thể truy tìm ra người đàn ông đó là ai, và bụng của chị ngày càng lớn dần. Tiếng thở dài của ba mẹ chị ngày càng sâu nảo nuột.

Chị sinh ra bé Sao vào một đêm rằm, ánh trăng rời rợi lọt vào cửa sổ phòng sanh là chút dịu dàng duy nhất vuốt ve cơn đau xẻ người lần hai của chị. Chị bật khóc nghẹn ngào khi nghe tiếng con gái khóc lanh lãnh, bà cô mụ hân hoan la to:

-         trời, con nhỏ xinh quá, mặt sáng như trăng, đúng là gái đêm rằm, trai mùng một. Đời con rồi nhờ nó đó con ơi!

Chị đặt tên cho con là Sao, là thứ ánh sáng cuối cùng mà mắt chị còn thấy được trong đêm đó,  thầm mơ ước đời của con sẽ lấp lánh sáng như những vì sao trên trời xa kia. Không như cuộc đời tắt lịm, tối đen của chị.

Thật lạ, con nhà nghèo khó cực khổ, quanh năm thiếu ăn nhưng chị vẫn dạt dào sữa nuôi con như dòng nhựa cao su trắng cả đời cây nuôi người. Con gái chị lớn lên bụ bẫm mạnh khỏe ngoan ngoãn và thông mình như trái ngọt lành bù đắp cho cuộc đời cay đắng của chị. Ba mẹ chị lần lượt qua đời vì đau ốm và buồn khổ, chị sống trong sự đùm bọc giúp đỡ của làng xóm và tiền công ít ỏi  của những người thợ cạo mủ tốt bụng đem con nhỏ gửi chị trông nom. Bé Sao cũng kiếm thêm việc làm sau buổi đến trường, khi thì nhổ cỏ vườn điều cho hàng xóm, khi thì lang thang bán vé số. Cuộc sống trôi đi cực nhọc nhưng êm đềm nếu ký ức kinh hoàng không thỉnh thoảng quay về hành hạ chị và con tim yếu ớt của chị. Những lúc đò chị quằn quại trong cơn đau thể chất và tinh thần, những bóng hình đen đúa mùi tanh hôi của quá khứ ghì riết lấy tim chị. Bé Sao chỉ biết khóc lặng lẻ trong sợ hãi.

Tội nghiệp con chị, từ bé đã rất ý nhị không bao giờ gạn hỏi mẹ về cha dù trong lòng nó, như bao đứa trẻ khác, luôn đau đáu một người cha.

Trời vừa sáng rõ, gió đưa hạt điều rụng lộp bộp sau vườn, bé Sao trở dậy với cái rổ tre ra vườn mót hạt điều.

Có tiếng ông tổ trưởng kêu ơi ới ngoài sân:

-         Chị Phấn đâu, có khách đến thăm đây.

Chị lật đật quấn lại mái tóc, mò mẫm ra cửa. Ông tổ trưởng đã vào trong nhà, cười nói hớn hở:

-         Nhà có khách, đoàn khách quý từ thành phố về nhé. Ghế đâu đem ra cho các bác ngồi. Gớm, nhà gì mà đến ghế nhựa cũng không có mà ngồi. Sang nhà hàng xóm mượn mấy cái ghế về đây con Sao đâu!

Chị lặng lẻ ngồi trong góc nhà, nở một nụ cười nhẫn nhục. Lâu lâu lại có một đoàn khách làm từ thiện ghé về xã và ông tổ trưởng thế nào cũng dắt đến nhà chị như là một điển hình của hộ nghèo khó neo đơn cần giúp đỡ của địa phương. Ông ấy rất tốt bụng, duy chỉ có tính tình bô lô ba la, ruột để ngoài da.

Ông tổ trưởng tiếp tục với bài diễn văn của mình:

-         Đây là chị Phấn, hộ nghèo nhất xã mình, hoàn cảnh một mẹ một con, neo đơn đáng thương lắm - ông nhỏ giọng thì thào nhưng cả nhà đều nghe rõ mồn một - tội nghiệp chị bị thằng nào đó hiế‌p trong rừng cao su rồi đâm mù cả hai mắt - ông hắng giọng - phải không chị Phấn?

-         Dạ, thôi bác ạ, đừng để cháu Sao nghe chuyện đó - giọng chị nhỏ nhẹ.

-         Ôi dào, nó lớn rồi cũng phải cho nó biết với chứ. Mà nó đang đi mượn ghế, chưa về đâu. Là tôi giải thích có đầu có đuôi. Địa phương giúp đỡ rất nhiều, bản thân mẹ con có cố gắng lao động, cháu Sao là học sinh tiên tiến liền mấy năm ở trường. Ngoan lắm. ai cũng khen.

-         Giữa tiếng áo quần dày guốc loạt xoạt, tiếng phụ nữ thì thầm đầy thương cảm:

-         Trời, tội nghiệp quá!

-         Thằng đàn ông nào mất nhân tính, dã man.

-         Năm nay con bé bao nhiêu tuổi, học lớp mấy? – một giọng đàn ông thô bè cất lên.

-         Cháu nó mười ba rồi chứ nhỉ? – Ông tổ trưởng hăm hở tiếp lời - mà chỉ học mới lớp sáu vì đi học trể. Cái chuyện học là tôi giúp đỡ mãi mới vào được trường điểm đấy, từ đây đi đến trường cả năm cây số, tòn là đi bộ. Con Sao đâu, mày trả lời các bác này!

Chị nghe giọng con rụt rè:

-         Dạ con chỉ mười hai tuổi ạ, con hết lớp sáu rồi, hè này là lên lớp bảy.

-         À, thì chứ sao, mười hai tuổi mà mặt nó già trước tuổi các bác ạ, con nhà khó nó thế. Tinh khôn hơn người ta - Ông tổ trưởng cười hỉ hả. Nó hát hay lắm đấy, con Sao, hát một bài cho các bác nghe nào, năm nào cũng đi trình diễn văn nghệ.

-         Con rót nước mời các bác đi - chị cắt ngang lời ông tổ trưởng, đỡ cho con gái phần trình diễn ngượng ngùng mà chị biết nó chẳng bao giờ thích làm.

-         Con có thích về thành phố học không? Bác sẵn sang tài trợ cho con học tới nơi tới chốn - giọng đàn ông ban nãy lại cất lên, chị giật nảy mình, giọng nói thô ráp này như đánh vào một vùng sâu trong hồi ức.

-         Ôi, thế thì tốt quá, còn gì bằng, Ông đây là chủ một đồn cao su tỉnh mình, có nhà cửa trên thành phố. Lại thích làm từ thiện. Con Sao mày nghĩ thế nào? - Ông tổ trưởng xoa tay vào nhau.

-         Dạ con không bỏ mẹ con một mình được ạ, mẹ con dạo này hay bệnh lắm.

-         Mẹ thì đã có làng xóm lo, con học tốt thì đời con mới khá lên được con ạ, không rúc trong rừng cao su mãi được đâu - giọng của người đàn ông nghe đã rất gần bên cạnh. Một mùi nước hoa xa lạ xộc lên mũi chị, nhưng bằng thính giác nhạy bén của người không còn đôi mắt, cái một mùi thân thể nồng nồng phảng phất bao trùm lấy chị. Chịị rùng mình nhẹ. Cảm giác choáng váng và cơn đau nhói từ từ lung lay từng sợi thần kinh của chị.

-         Bác đây thương lắm mới đề nghị như thế - một giọng đàn bà mềm mại chen vào- May mà bác ấy không con, nếu con ngoan ngoãn, bác ấy nhận làm con nuôi thì phước cho con lắm.

-         Mặt con bé này sáng láng, lại xinh xắn thế kia. Ai mà không yêu!

-         Dạ, thật là tốt quá ạ, giọng chị run rẩy - con Sao thay mặt mẹ bắt tay cảm ơn bác đi con.

Nghe bước chân đàn ông tiến lại gần bên. Chỉ đợi khi bàn tay người đàn ông vươn ra chạm vào tay bé Sao, chị chen tay mình vào nắm chặt cả hai bàn tay của con gái và người đàn ông.

Vừa chạm vào ngón út bị cụt hụt hẫng của người đàn ông, chị đã té nhào khỏi ghế, mặt tái dại đi, người run bần bật đau đớn:

-         Không, con tôi không được đi đâu hết. Mấy người đi đi…

Bé Sao nhào tới ôm mẹ:

-         Mẹ ơi, mẹ bị sao vậy?

Tiếng người xôn xao nhốn nháo chung quanh:

-         Bị động kinh rồi! Xúc động quá đây mà.

Màn mủ trắng bao trùm lên tất cả, con dao cạo mủ lại rạch chằng chịt vào đầu chị, vào tim chị từng nhát buốt nhói. Không gian đặc quánh mùi mủ cao su bị phân hủy và mùi hơi người.

(Từ một câu chuyện thật)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật