Quốc gia nào có tăng trưởng 2012 tồi tệ hơn Đại suy thoái?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc Đại suy thoái 2008/2009 là một đòn giáng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ thập niên 1930. Tuy nhiên đối với một số quốc gia, năm 2012 hóa ra lại tồi tệ hơn so với năm 2009 xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khủng hoảng nợ châu Âu, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề chính trị trong nước đã cắt giảm tăng trưởng 2012 của ít nhất một trong 4 quốc gia sau đây.
Quốc gia nào có tăng trưởng 2012 tồi tệ hơn Đại suy thoái?
Ảnh minh họa

1. Hy Lạp

Không có gì ngạc nhiên khi 2012 trở thành một năm tồi tệ đối với Hy Lạp. Nước này đã không thể thoát ra khỏi đà suy giảm năm 2009, thời điểm nền kinh tế co cụm 0.5%. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới vì các quốc gia này đều phục hồi vào năm sau đó, Hy Lạp tiếp tục lún sâu với mức sụt giảm trong năm ngoái là 5.4% và dự báo năm 2012 từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là giảm 5.2%.

Xét trên nhiều phương diện, Hy Lạp là trường hợp điển hình của khủng hoảng nợ và là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những quốc gia đang ngập đầu trong núi nợ công ngày càng phình to. Nợ công bất ổn đã khiến lợi suất trái phiếu Hy Lạp tăng vọt và buộc nước này phải tìm kiếm gói giải cứu cũng như tiến hành tái cấu trúc nợ với các điều kiện nghiêm ngặt. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã buộc Chính phủ nước này tiến hành một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu bất thường với quy mô lớn, gần đây nhất là kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” trị giá 11.5 tỷ EUR (14.1 tỷ USD) được công bố hôm 01/08/2012. Bất chấp các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tái cấu trúc nợ, ngân sách công của Hy Lạp vẫn sắp bị vắt kiệt, các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh kém và nền kinh tế tiếp tục rơi vào vòng xoáy sụt giảm.

Một thực tế không thể chối cãi được là nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Hy Lạp sẽ phải rút khỏi Eurozone trong một hoặc hai năm tới, tự tạo ra một đơn vị tiền tệ mới và cho phép đồng tiền này mất giá để công nhân nước này có tính cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ khiến mức sống của người dân Hy Lạp sụt giảm mạnh.

2. Bồ Đào Nha

Dù không trượt dài như Hy Lạp nhưng Bồ Đào Nha cũng đã cần đến gói cứu trợ quốc tế do nợ công cao và nền kinh tế sụt giảm mạnh. Khi cuộc Đại suy thoái lên đến đỉnh điểm, kinh tế Bồ Đào Nha sụt giảm 2% còn trong năm nay, OECD dự báo mức sụt giảm có thể lên đến 3%.

Dù vậy, Bồ Đào Nha cũng đang áp dụng tất cả những biện pháp mà các quốc gia châu Âu khác mong muốn Hy Lạp thực hiện. Bồ Đào Nha đang thực hiện các biện pháp hết sức khó khăn để giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Năm 2011, nước này đã cắt giảm được một nửa thâm hụt ngân sách 2010, cắt giảm số lượng công nhân viên chức và trong năm nay đã hạ thấp mức lương cho lĩnh vực công bớt 14%. Những nỗ lực này đã giúp Bồ Đào Nha hoàn thành được cam kết cải cách sau một năm nhận tiền giải cứu và đã nhận được lời khen ngợi từ IMF.

Tuy nhiên, không có gì có thể đảm bảo thành công của nước này. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao kỷ lục 15.2% và doanh thu thuế sụt giảm, hai rào cản có thể khiến nước này khó đạt được mục tiêu ngân sách. Quốc gia láng giềng với quy mô lớn hơn nhiều là Tây Ban Nha cũng đang phải vật lộn với vấn đề nợ công của mình với triển vọng kinh tế khá ảm đạm. Tuy nhiên Bồ Đào Nha có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại sớm hơn so với Hy Lạp.

3. Ấn Độ

Ấn Độ có nguy cơ trở thành quốc gia đầu tiên của BRIC (nhóm các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) bị hạ xếp hạng tín nhiệm xuống vị thế “rác”.

Chỉ cách đây một năm, Chính phủ Ấn Độ dự báo tăng trưởng năm tài khóa 2012 sẽ đạt mức hai con số tương tự như trong suốt giai đoạn tồi tệ nhất của Cuộc Đại suy thoái. Còn trong thời điểm hiện tại, dự báo này chỉ ở mức 6.8% nhưng vẫn còn được cho là quá lạc quan. Lạm phát leo thang, lãi suất cao và khủng hoảng chính trị đã khiến Chính phủ nước này rơi vào tình trạng bế tắc, hệ quả là niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư sụt giảm.

Có khả năng kinh tế Ấn Độ đang chạm đáy và vẫn tăng trưởng với tốc độ khiến các quốc gia phát triển phải ganh tỵ. Thủ tướng Manmohan Singh đã bổ nhiệm một Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard làm Bộ trưởng tài chính, cắt giảm các khoản trợ cấp và mở cửa tiếp nhận dòng vốn đầu tư vào các siêu thị cũng như ngành hàng không.

Ông Adrian Mowat, chiến lược gia cổ phiếu châu Á và thị trường mới nổi nhận định: “Ấn Độ đã tung ra một gói kíc‌h thí‌ch khá khiêm tốn và có thể đủ để đem lại sự ổn định”. Ông dự báo, các lĩnh vực sẽ đạt được sự cải thiện trong thời gian tới, ít nhất là đối với thị trường chứng khoán. Hôm 14/09, chỉ số Sensitive Index của 30 cổ phiếu giao dịch trên Sở GDCK Bombay chạm mức cao nhất trong 14 tháng.

4. Trung Quốc

Đây có lẽ là điều gây nhiều bất ngờ nhất. Theo IMF, cuộc Đại suy thoái đã cắt xén hơn 30% tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc xuống mức 9.2% trong năm 2009 trước khi nước này phục hồi trở lại. Tuy nhiên trong năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ còn chậm hơn, theo nhiều ước tính là vào khoảng 7.5-8.0%.

Phần lớn đà suy giảm này xuất phát từ việc Bắc Kinh thắt chặt tiền tệ để hạ thấp lạm phát do giá nhà ở và thực phẩm tăng cao. Hiện Trung Quốc đang cố gắng nới lỏng chính sách trở lại để đảm bảo tăng trưởng không suy giảm quá nhanh. Xét cho cùng, Trung Quốc đang trả giá cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế bằng gói kíc‌h thí‌ch khổng lồ. Giá nhà nước này tăng vọt và tất cả các khoản vay đều có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Ông Todd Lee, Giám đốc cấp cao của bộ phận kinh tế toàn cầu tại IHS/Global Insight – một tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Lexington, bang Massachusetts – cho rằng: “Bong bóng tín dụng vẫn đang treo lơ lửng trên nền kinh tế và vì thế hạn chế khả năng áp dụng các biện pháp kíc‌h thí‌ch bổ sung của Chính phủ nước này”.

Ngày càng có nhiều nhà phân tích cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu khi xuất khẩu giảm, đặc biệt là từ châu Âu – khu vực bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng nợ. Ông Lee cho rằng: “Mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng thận trọng hơn”. Theo dự báo của ông, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7.8% trong năm nay và sẽ phục hồi rất nhẹ trong năm tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật