Xây bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Đừng làm theo quy trình ngược“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng để có một bảo tàng để đời cũng chẳng phải con số quá lớn. Điều quan trọng là phải thiết kế, xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như thế nào để có thể mang lại hiệu quả cao nhất?“
Xây bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Đừng làm theo quy trình ngược“
Mô hình bảo tàng Lịch sử Việt Nam đoạt giải trong cuộc thi thiết kế.

Đó là quan điểm của PGS. TS Trương Quốc Bình – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi trao đổi với báo điện tử Infonet xoay quanh việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – công trình đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Ủng hộ quan điểm xây dựng một bảo tàng chung tầm cỡ quốc gia là hết sức cần thiết, nhưng PGS. TS Trương Quốc Bình tỏ ra quan ngại khi giao việc triển khai xây dựng cho một đơn vị không hề có chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng là Bộ Xây dựng. Điều này rất dễ lập lại những sai lầm từ các bảo tàng hiện có: quy mô hoành tráng nhưng lại không phát huy được hiệu quả.

- Nhiều năm gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, xin ông cho biết chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có từ thời điểm nào?

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có chủ trương từ những 90 của thế kỷ trước. Tôi còn nhớ thời đó ông Đỗ Mười đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (bây giờ gọi là Thủ tướng Chính phủ). Mặc dù không tiến hành ngay, nhưng lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã đưa ra ý tưởng xây dựng một Bảo tàng Lịch sử tầm cỡ Quốc gia. Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt từ thời kỳ Pháp xâ‌m lượ‌c là cả một quá trình, vì thế nhất thiết phải xây dựng một bảo tàng chung để ghi lại dấu ấn lịch sử.

Ban đầu chúng ta đưa ra chủ trương cải tạo, nâng cấp hai bảo tàng hiện có là Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng. Ý tưởng ban đầu là xây dựng một cổng chung để hợp nhất hai bảo tàng này. Nhưng rồi sau đó lại quyết định phải xây dựng một bảo tàng quốc gia riêng biệt. Bây giờ chúng ta đang tiến hành hiện thực hóa mong muốn đó.

- Khi những thông tin ban đầu được công bố, dư luận tỏ ra không đồng tình vì cho rằng với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng một bảo tàng như vậy quá lãng phí và không thực sự cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Chúng ta đều biết trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi cho rằng, việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lúc này cần thiết phải thực hiện. Nhiều người cho rằng trong khi các công trình dân sinh như hệ thống bệnh viện, trường học, trạm y tế... chưa được chú trọng, đầu tư thì việc xây dựng bảo tàng quy mô lớn như vậy không thỏa đáng. Hay cũng có ý kiến phản đối vì quan niệm đất nước ta còn nghèo, lại bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng bảo tàng là quá lãng phí, không cần thiết.

Tôi cho rằng những quan điểm đó không thực sự hợp lý. Việc đầu tư các công trình dân sinh, với việc đầu tư xây dựng một bảo tàng hoàn toàn khác nhau. Mặt khác đầu tư vào phát triển bảo tàng còn giúp kíc‌h thí‌ch nền kinh tế phát triển, thu hút du khách trong ngoài nước. Bỏ ra hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây dựng được một bảo tàng để đời, một công trình xứng tầm, hoành tráng bậc nhất thế kỷ cũng không phải một con số quá lớn.

Đến thời điểm này chúng ta đã xây dựng không ít bảo tàng. Điều đáng nói là rất nhiều bảo tàng xây dựng xong mà không được khai thác hiệu quả, gây lãng phí. Nếu quyết định triển khai, chúng ta phải làm gì để không rơi vào "vết xe đổ" từ các bảo tàng trước đó, thưa ông?

Hiện Việt Nam đang có khoảng 120 bảo tàng. Đúng là rất nhiều bảo tàng chưa phát huy được hiệu quả, chỉ xây xong rồi để đấy. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không xây dựng một bảo tàng quy mô mang tầm cỡ quốc gia.

Cách đây 15 năm khi xây dựng đường điện cao thế Bắc Nam, rồi đường mòn Hồ Chí Minh... nhiều ý kiến cũng phản đối cho rằng chủ trương này sẽ gây lãng phí lớn. Nhưng rồi khi hoàn thiện nó đã phát huy hiệu quả. Hay như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Nếu chỉ vì kinh phí quá lớn mà lùi bước, thôi không xây dựng thì làm sao có được một công trình tầm quy mô, tầm cỡ như ngày hôm nay?

Vì thế cái quan trọng khi xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không phải ở chỗ kinh phí bao nhiêu tiền, mà vấn đề ở đây là phải xây dựng như thế nào để có được một bảo tàng xứng tầm với số tiền bỏ ra.

- Nghĩa là việc xây dựng và trưng bày hiện vật như thế nào mới là điều quan trọng nhất?

Đúng như vậy. Chúng ta đã nhắc nhiều đến Bảo tàng Hà Nội và một số bảo tàng khác không phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân chỉ vì khi triển khai xây dựng, họ không có sự hiểu biết cần thiết về bảo tàng. Chỉ biết xây dựng xong rồi bàn giao. Từ đó dẫn tới thiết kế không phù hợp, không biết bày biện hiện vật lịch sử như thế nào... Vì thế chúng ta đừng xây dựng bảo tàng theo một quy trình ngược.

Xây dựng một bảo tàng không khó. Nhưng cái khó ở đây là phải xây dựng kiến trúc như thế nào cho hợp lý, để các hiện vật trưng bày có thể khái quát được cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc, có như vậy mới phát huy được hiệu quả và thu hút được du khách.

- Phải chăng ông đang quan ngại khi đơn vị triển khai sẽ không khớp nối được giữa việc xây dựng với cách thức trưng bày hiện vật?

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ đó. Chúng ta đều biết Bộ Xây dựng chỉ có chuyên môn về xây dựng chứ không có chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng. Mỗi công trình xây dựng đều có những thiết kế kiến trúc riêng. Với một công trình bảo tàng cũng vậy. Nhiều công trình trước đây đưa cho đơn vị không hiểu về lĩnh vực bảo tàng, dẫn tới thực trạng thiết kế kiến trúc không hợp lý, không phát huy được hiệu quả.

Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa thiết kế mẫu bảo tàng với việc xây dựng kiến trúc bên trong. Trước đây các cơ quan chuyên môn đã mở những cuộc thi mẫu thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lấy ý kiến của người dân. Nhưng đó chỉ là phần "vỏ" của bảo tàng, cái kiến trúc "ruột" mới là quan trọng nhất. Mà cái này chỉ đơn vị có quyên môn: Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch mới hiểu rõ nhất.

Khi xây dựng bảo tàng, trước tiên người ta phải lên ý tưởng sẽ bày biện hiện vật lịch sử như thế nào, rồi sau đó sẽ phải thiết kế xây dựng đúng theo ý tưởng đó. Phần lớn những bảo tàng trước đây được triển khai theo một quy trình hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là cứ xây dựng bảo tàng xong, rồi mới nghĩ đến việc bày biện cái gì, bày biện ở đâu...

Tôi lấy ví dụ như Bảo tàng Việt Bắc khi xây dựng không nghĩ đến vấn đề đó. Chủ đầu tư cứ xây dựng, xong rồi bàn giao cho một đơn vị khác. Khi hoàn thành, Bảo tàng Việt Bắc là một công trình tuyệt đẹp, nhưng việc trưng bày lại rất khó, vì thiết kế không phù hợp.

Tôi không đồng tình với chủ trương giao cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư xây dựng, vì đơn vị này không có chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng. Nếu chỉ biết xây dựng mà không quan tâm đến việc sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Vì thế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch thiết kế, triển khai từ giai đoạn đầu. Có như vậy Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới thực sự mang lại hiệu quả về quy mô và chất lượng sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật