Liều thuốc diệu kỳ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn tám năm, anh Phạm Hồng Sơn chăm sóc chị ruột bị tai biến nằm một chỗ với niềm tin chị sẽ khỏe mạnh trở lại...
Liều thuốc diệu kỳ
Chị Hạnh nhắc nhở em cảm ơn khách bằng cách viết lên giấy

Năm nay chị Tám (tên thật Phạm Thị Hạnh) 62 tuổi. Người dân Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu thường gọi là chị Tám Hạnh. Gia đình chị có bảy anh chị em, nhưng năm người vì bệnh tật đã qua đời, chỉ còn chị Tám và anh Sơn.

Thời con gái, do bị dị tật bẩm sinh, nhà lại khó khăn, nên Tám Hạnh không được đến trường mà phải sớm phụ mẹ buôn bán. Căn nhà từ đường họ Phạm ngay góc vòng xoay thị trấn Long Hải hôm nay là cửa hàng tạp hóa nổi tiếng một thời của Tám Hạnh. Nhờ gian hàng đó, cùng sự bươn bả chạy chợ của người chị tật nguyền, cậu út Sơn đã được cắp sách đến trường. Thấy em ham học, Tám Hạnh hay “treo giải”: “Năm tới lên lớp, chị may cho áo mới…”.

Những cái áo mới là phần thưởng giúp út Sơn tiến về phía trước. 12 tuổi, út Sơn lên trường huyện Đất Đỏ, 16 tuổi, út Sơn vào Petrus Ký ở Sài Gòn… Dõi theo bước Sơn đi là mẹ và Tám Hạnh. Mẹ già, sức yếu, không còn làm được gì nhiều nên tất thảy trong nhà đều do một tay chị Tám lo. Ngày đất nước thống nhất, Tám Hạnh “xúi” Sơn ra xã làm thư ký.

Khi Sơn lập gia đình, chị Tám là người vui nhiều nhất. Út Sơn ly hôn, chị Tám là người lo nghĩ nhiều hơn cả. Chính chị đã động viên, giúp Sơn vượt qua mọi khó khăn; cũng chính Tám Hạnh là người hối thúc Sơn đi bước nữa khi nhận thấy cô bí thư chi bộ ở xã Long Hải Lê Thị Ngọc Diệu yêu thương em mình chân tình.

Tám Hạnh lo lắng cho em như một người mẹ. Các con của Sơn đều do chị đút sữa, bón cháo đầu tiên. Năm 2001, khi mẹ qua đời, chị Tám Hạnh đóng cửa tiệm tạp hóa, gom hết vốn liếng, mua hai sạp hàng ở chợ Long Hải kinh doanh. Ăn nên làm ra, Tám Hạnh còn mua thêm cho cháu gái, con của Sơn với người vợ trước một gian hàng ở chợ. Việc kinh doanh đang thuận lợi thì chị Tám Hạnh bị tai biến. Suốt cả tháng trời, Sơn đã đưa chị gái đi hết nhà thương này đến bệnh viện kia, từ TP.HCM đến Vũng Tàu, các bác sĩ lắc đầu: vô vọng. Một vị bác sĩ chân tình vỗ vai anh bảo hãy đưa chị về nhà.

Đưa chị về, Sơn kê chiếc giường ngay nơi sáng sủa nhất của căn nhà. Anh thiết kế chỗ nằm của chị như một giường cấp cứu lưu động, có cả “hiệu tạp hóa” mi ni để khi cần gì, có thể với tay lấy được. Hai vợ chồng đều là công chức, hai cô con gái cũng đang tuổi cắp sách đến trường, nên các con của anh Sơn, chị Diệu được ra “chỉ tiêu” là phải hoàn tất hết việc học ở trường, để khi về nhà có thể phụ ba mẹ chăm cô Tám. Được vài tháng, anh thấy vợ con cùng đuối sức nên đã nhờ một người đến giúp việc. Nào ngờ gặp phải kẻ gian, người giúp việc đã cạy tủ nhà vét sạch mấy mươi triệu dành dụm của chị Hạnh và vợ chồng anh Sơn.

Từ đó, anh Sơn chăm sóc chị gái, còn chị Diệu lo hướng dẫn con việc học hành. Hai con của anh chị lần lượt thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Nghe em trai kể chuyện cùng khách, chị Tám Hạnh nước mắt rưng rưng. Sự chăm chút, yêu thương của các em như liều thuốc diệu kỳ giúp chị sống vui đến hôm nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật